Bitcoin giảm mạnh hôm 22/2 nhưng tính đến 25/2, vẫn có 68 đồng thuật toán đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Dù Bitcoin sập, tiền mã hóa vẫn sẽ phát triển

Nhiều kỳ lân tiền mã hóa nổi lên dù thị trường vẫn còn non trẻ. Ảnh: Finance Magnets.
”Kỳ lân” là thuật ngữ chỉ những start-up được định giá trên 1 tỷ USD. Các công ty này thường có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt, thu hút đầu tư được nhiều nguồn vốn.
SpaceX của Elon Musk là một trong những kỳ lân nổi tiếng nhất, hiện đạt giá trị khoảng 46 tỷ USD. Ngoài ra, có thể kể đến Coinbase – sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ đạt mức vốn hóa 8 tỷ USD.
Khi thế giới còn đang quan tâm đại dịch Covid-19, bầu cử tổng thống Mỹ hay cộng đồng Reddit thách thức phố Wall, thị trường tiền mã hóa lẳng lặng vượt mức 1,2 nghìn tỷ USD. Tính đến 25/2, đã có 68 đồng điện tử đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh lời kêu gọi từ những cái tên nổi tiếng như Michael Saylor, Mark Cuban hay Elon Musk, ngành công nghiệp non trẻ còn được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư có tổ chức, với tầm nhìn về những cơ hội hứa hẹn trong tương lai.
Những dự án tiềm năng trong giới hiện nay không chỉ gói gọn việc biến tiền mã hóa thành phương tiện trao đổi toàn cầu. Nó còn bao gồm các công nghệ mới như hợp đồng thông minh (smart contract), tài chính phi tập trung (DeFi), token ẩn danh (privacy token), cung cấp dữ liệu theo thời gian thực (oracle). Tất nhiên, không thể thiếu những đồng điện tử lấy cảm hứng từ meme.
Năm của tài chính phi tập trung?
Theo sau Bitcoin là Ethereum (ETH) với vốn hóa thị trường hiện đạt khoảng 180 tỷ USD. Được xem như trụ cột của phong trào tài chính phi tập trung, Ethereum cho phép nhiều ứng dụng blockchain khác xây dựng lên, cũng như lưu trữ phần lớn giao thức DeFi hàng đầu thời gian qua.
Nhiều dự án tiền mã hóa theo sau đã kế thừa, cải thiện khuyết điểm của hai loại tiền này, trải qua nhiều chu kỳ tăng giảm giá để trở thành kỳ lân.
Ví dụ, Litecoin (LTC) cho tốc độ giao dịch nhanh và mức phí thấp hơn Bitcoin; đồng Monero (XMR) tập trung vào tính riêng tư; Zcash (ZEC) mở đường cho việc sử dụng blockchain công cộng nhưng số lượng giao dịch và địa chỉ gửi hay nhận vẫn giữ yếu tố ẩn danh. Đây đều là những cái tên tiêu biểu trong danh sách kỳ lân tiền thuật toán.
Từ đầu 2020, một trong những động lực chính phát triển tiền mã hóa là sự xuất hiện của tài chính phi tập trung (DeFi).
Thi truong tien ma hoa bat dau anh 3
Tổng đầu tư vào các dự án DeFi đã đạt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Ảnh: DeFi Pulse.
Các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như Uniswap dần phát triển từ ứng dụng trao đổi đơn giản thành nền tảng giao dịch rộng lớn. Hiện Uniswap có khối lượng giao dịch trung bình trong tuần 6,72 tỷ USD, ngang ngửa các sàn giao dịch tập trung hàng đầu.
SushiSwap, đối thủ cạnh tranh chính của Uniswap, cũng đạt được vị thế kỳ lân với mức định giá gần 2 tỷ USD. Nền tảng này cho phép người dùng hoán đổi tiền mã hóa cho một loại tiền mã hóa khác.
Chính nhờ những điều kiện thuận lợi DEX đã tạo ra để DeFi phát triển, các giao thức cho vay dần nổi lên, thu hút số tiền nhà cung cấp thanh khoản gửi vào giao thức, từ đó đẩy giá trị token cao hơn.
Nếu tính trên tổng giá trị tài sản gửi vào, Maker, Aave và Compound là những nền tảng xếp hàng đầu hiện nay. Hiện có khoảng 15,63 tỷ USD được gửi vào các nền tảng này, đưa vốn hóa thị trường của từng đồng điện tử đại diện nằm trong khoảng từ 2,1 đến 5,98 tỷ USD.
Ngoài cơ hội mang lại lợi nhuận cao từ việc góp vốn, nhà đầu tư nhỏ lẻ còn có thêm các quyền quản trị, giúp họ có tiếng nói trong việc phát triển giao thức. Do vậy, những dự án DeFi uy tín có khả năng thu hút được nguồn vốn lâu dài.
Nhiều mảng đầu tư mới được mở ra
Sự phổ biến của các giao thức DeFi xây dựng trên Ethereum cũng góp phần khiến phí thực hiện giao dịch tăng vọt. Chi phí đắt đỏ đã mở ra cánh cửa cho các nền tảng hợp đồng thông minh khác, dù chỉ xếp hàng sau so với Ethereum. Ngoài ra, điều này cũng làm nổi bật tầm quan trọng của những nhà cung cấp Oracle, vốn giữ an toàn trong trao đổi dữ liệu cho nền tảng.
Các nền tảng hợp đồng thông minh mới đầy hứa hẹn có thể kể đến Polkadot (DOT) hay Kusama (KSM).
Với cấu trúc Parachain, Polkadot có thể xử lý đến 1.000 giao dịch một giây, gấp 10 lần tốc độ trên Ethereum. Vốn hóa thị trường của DOT hiện đã đạt 38,8 tỷ USD, trong khi Kusama lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD vào ngày 6/2.
Điều thú vị là Cardano, một trong những dự án nổi bật nhất năm 2017, cũng dần lấy lại đà tăng trưởng trong những tuần gần đây, sau khi bổ sung hợp đồng thông minh vào giao thức. Đồng thời, công ty cũng đưa ra những ý định liên quan đến DeFi trong tương lai.
Hiện tại, vốn hóa thị trường của Cardano là 32,5 tỷ USD. Việc tích hợp DeFi có thể giúp đẩy giá trị cao hơn, bởi ADA vẫn chưa khai thác hết khả năng thanh khoản trên các sàn giao dịch phi tập trung.
Thi truong tien ma hoa bat dau anh 4
Top những dự án oracle vốn hóa cao nhất hiện nay. Ảnh: Coinmarketcap.
Khi ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường tiền mã hóa, các blockchain mới cũng xuất hiện để phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể, khả năng trao đổi dữ liệu giữa các mạng riêng biệt cũng dần trở nên quan trọng. Đây chính là nơi để Oracle hoạt động, cung cấp phương thức truyền dữ liệu đáng tin cậy hơn.
Chainlink là dự án Oracle nổi bật hàng đầu hiện nay, với vốn hóa thị trường khoảng 11,3 tỷ USD. Việc hợp tác với sàn giao dịch Kraken dự kiến sẽ tăng thêm giá trị cho dự án.
Trong khi đó, các cái tên mới nổi như UMA và The Graph chỉ mới trở thành kỳ lân khi thị trường tiền mã hóa đầu 2021 nóng lên. Cả hai lần lượt đạt mức vốn hóa 1,3 và 2,4 tỷ USD.
Bitcoin xuất hiện trên thị trường tài chính hơn 12 năm trước, nay đã mở ra hướng đi mới khiến chính phủ và hệ thống tài chính toàn cầu không thể ngó lơ.
Sau nhiều năm bỏ mặc, giờ đây cơ quan quản lý cũng bắt đầu quan tâm đến tiền mã hóa. Đây là lúc cần xem xét kỹ hơn lĩnh vực blockchain mới nổi này. Trong tương lai không xa, “đàn kỳ lân” có lẽ sẽ còn mở rộng. Tài chính phi tập trung vẫn còn ở giai đoạn đầu tăng trưởng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới.

Theo Zing News