Tuy là một trong những công ty công nghệ thân thiện với môi trường, việc Tesla đổ tiền vào Bitcoin sẽ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

 
Tesla đang vác trên vai “chiếc túi bẩn” Bitcoin

Ảnh minh họa.
Tesla vốn là công ty sản xuất xe điện – một trong những phương tiện thân thiện với môi trường nhất hiện nay. Mặc dù vậy, công ty này vừa có nước đi khó hiểu khi tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Theo Reuters, động thái này đang gián tiếp khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn.
Tesla đang tạo nên cơn sốt đào Bitcoin
Hôm 8/2, ngay sau khi công ty xe điện do tỷ phú Elon Musk điều hành thông báo sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Bitcoin, giá trị của đồng tiền này tăng đột biến, đạt hơn 44.000 USD, vượt đỉnh lịch sử được chính đồng tiền này thiết lập cách đây một tháng.
Chúng đơn thuần là một đồng tiền mã hóa, không được làm từ giấy, nhựa hay kim loại. Vậy thì, đồng tiền này liên quan gì đến ô nhiễm môi trường?
Câu trả lời chính là điện năng tiêu thụ. Để khai thác Bitcoin, dân đào tiền mã hóa phải đầu tư dàn máy tính công suất lớn với mục tiêu xử lý hàng loạt mã toán học phức tạp. Tùy vào quy mô, các mỏ đào Bitcoin có thể có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy đào. Những chiếc máy này tiêu thụ nhiều điện năng, phần đa nguồn năng lượng này đến từ nhiên liệu hóa thạch như than đá.
Tesla dang huy hoai moi truong khi dau tu vao Bitcoin? anh 2
Tesla, hay bản thân Elon Musk, được đánh giá là những người quan tâm đến môi trường. Ảnh: Reuters.
Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Cambridge và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với tốc độ hiện tại, lượng điện năng tiêu thụ xuất phát từ quá trình khai thác Bitcoin tương đương với đất nước Hà Lan vào năm 2019.
Cũng theo một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí khoa học Joule, quá trình khai thác đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới ước tính thải ra từ 22-22,9 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Số khí thải này tương đương với Jordan và Sri Lanka tạo ra.
Do vậy, việc Tesla công khai ủng hộ tiền mã hóa có thể làm phức tạp thêm mô hình hoạt động không phát thải của công ty, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đang chú trọng đến 3 yếu tố ESG bao gồm: môi trường, xã hội, quản trị.
“Chúng tôi quan ngại về mức độ phát thải đến từ việc khai thác Bitcoin. Chúng tôi hy vọng rằng nếu Tesla tiếp tục giữ quan điểm ủng hộ Bitcoin, họ sẽ công bố thêm dữ liệu năng lượng tiêu thụ có liên quan cho giới đầu tư”, Ben Dear, CEO của Osmosis Investment Management, một nhà đầu tư đang quản lý khoảng 2,2 tỷ USD tài sản nắm giữ cổ phiếu Tesla, cho biết.
Tesla không trả lời các yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, không phải bất cứ thứ gì liên quan đến tiền mã hóa đều xấu. Tesla hiện đặt cược vào Bitcoin khi ngành công nghiệp tiền mã hóa đang nỗ lực giảm thiểu các tác hại gây ra với môi trường. Bản thân ông chủ Tesla, Elon Musk, đã chi 100 triệu USD đầu tư vào các phát minh có thể kéo lượng carbon dioxide từ khí quyển hoặc đại dương xuống.
Giới chuyên gia cho biết sự gia nhập vào thị trường tiền mã hóa của các tập đoàn lớn có thể thúc đẩy phong trào “Bitcoin xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo để khai thác. Bên cạnh đó, các công ty này có thể mua thêm tín dụng khí thải carbon để bù đắp.
Nhưng, xét trên khía cạnh ngắn hạn, việc Tesla đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư sẽ gián tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo Reuters, Tesla dễ dàng thổi bùng lên cơn sốt Bitcoin, khiến hàng loạt công ty và nhà đầu tư đổ tiền vào đồng tiền này. Giá cao cộng nhu cầu lớn, nhiều thợ đào sẽ cạnh tranh nhau gay gắt hơn, sử dụng nhiều máy đào để khai thác hơn.
“Bitcoin không phải khoản đầu tư bền vững cũng như khó bền vững nếu dựa trên hệ thống mà nó được xây dựng”, Sanna Setterwall, nhà tư vấn tại South Pole, nhận xét.
Tesla có thể thay đổi được điều này?
Những số liệu đến từ việc khai thác Bitcoin dựa trên năng lượng hóa thạch hay năng lượng tái tạo đều khác nhau. Chính vì thế, hàng loạt dự án từ Canada hay Siberia được thành lập để tìm cách loại bỏ hoạt động khai thác Bitcoin bằng năng lượng hóa thạch, hoặc chí ít giảm lượng khí thải carbon, biến đồng tiền này trở nên thân thiện hơn với các nhà đầu tư.
SJ Oh, một nhà đầu tư Bitcoin giải nghệ tại Hong Kong, đã sáng lập Pow.re – công ty điều hành các hoạt động khai thác Bitcoin xanh ở vùng cận Bắc Cực tại Canada. Ông tự nhận mình là “người ôm cây” và có niềm đam mê đặc biệt với môi trường.
Tesla dang huy hoai moi truong khi dau tu vao Bitcoin? anh 3
Hàng loạt biện pháp hạn chế phát thải ô nhiễm đã được các công ty “Bitcoin xanh” đưa ra. Ảnh: Bloomberg.
Oh cho biết các cỗ máy của Pow.re chạy bằng thủy năng, có khả năng sử dụng hơi nóng sản sinh từ quá trình khai thác tiền mã hóa để phục vụ nông nghiệp địa phương, sưởi ấm hay các nhu cầu khác.
“Thật tuyệt vời, tôi tin rằng ngành công nghiệp Bitcoin sẽ phối hợp tốt hơn để trở nên thân thiện với môi trường. Tesla là một trong những công ty thân thiện với môi trường nhất hành tinh, chắc chắn họ sẽ tìm ra giải pháp cho việc đó”, Oh cho rằng Musk và công ty của mình có thể đưa ra những phương án tốt hơn.
“Vấn đề không phải có quá nhiều Bitcoin. Mọi người nói rằng nó tiêu tốn nhiều năng lượng nên gây ô nhiễm, nhưng đó chỉ là bản chất của năng lượng mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Khi Bitcoin tăng giá, sẽ có nhiều động lực hơn để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo”, Yves Bennaim, người sáng lập 2B4CH, một tổ chức tư vấn tiền điện tử có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết.
Lợi nhuận vẫn là ưu tiên số một
Sasja Beslik, người đứng đầu phát triển kinh doanh bền vững tại Ngân hàng J. Safra Sarasin ở Zurich, tin rằng Bitcoin vẫn còn cả một chặng đường dài để các nhà đầu tư chấp nhận trong tương lai. Không đơn thuần chỉ là quy trình khai thác, đồng tiền này phải trải qua các vấn đề đạo đức xoay quanh nó.
Theo các học giả và một số công ty, sự thống trị của ngành công nghiệp khai thác Bitcoin tại Trung Quốc sẽ biến xu hướng “xanh hóa” đổ bể.
Tesla dang huy hoai moi truong khi dau tu vao Bitcoin? anh 4
Trung Quốc đang thống trị ngành công nghiệp đào tiền mã hóa. Ảnh: Quartz.
Hiện nay, sản lượng khai thác Bitcoin tại Trung Quốc chiếm đến 70% toàn cầu. Tuy có sử dụng năng lượng thủy điện trong giai đoạn mùa mưa, phần lớn những mỏ đào coin tại Trung Quốc tận dụng nhiên liệu hóa thạch trong thời gian còn lại.
“Mục tiêu của mọi thợ đào là tạo ra lợi nhuận, vì vậy họ không quan tâm đến loại năng lượng nào được sử dụng, dù được tạo ra từ thủy điện, gió, năng lượng mặt trời hoặc than đốt”, Jack Liao, Giám đốc điều hành của công ty khai thác LightningAsic, chia sẻ. Liao cho rằng các biện pháp khuyến khích của chính phủ có thể hữu ích hơn.
Tuy nhiên, Alex De Vries, người sáng lập nền tảng nghiên cứu Digiconomist, nhận định rằng năng lượng tái tạo rất khó tích trữ và không phải mô hình thân thiện với môi trường lý tưởng. Những người khai thác sẽ vẫn chọn nhiên liệu hóa thạch để tối ưu hóa doanh thu.

Theo Zing News