33.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeĐịa ỐcChống lạm phát và bài học không bao giờ cũ

Chống lạm phát và bài học không bao giờ cũ

1083

Với nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, đây là giai đoạn cam go và đáng nhớ nhất của ông trong vị trí “đứng mũi chịu sào” khi đó, những hậu quả của lạm phát phi mã và giá trị của sự ổn định vĩ mô luôn được ông đề cập trong câu chuyện, không chỉ là quá khứ mà còn cả hiện tại.

Giai đoạn ông giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đúng vào thời điểm đất nước bắt đầu tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Đâu là vấn đề ông quan tâm lớn nhất trong giai đoạn đó?

Tôi được bổ nhiệm Thống đốc NHNN (1989) đúng thời điểm nền kinh tế rất khó khăn vừa thoát khỏi chiến tranh lạnh do bị bao vây, cấm vận, Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, kinh tế trì trệ, lạm phát rất cao. Đúng thời điểm đó Đảng có chủ trương đổi mới bằng Nghị quyết Đại hội VI để giúp đất nước vượt qua khó khăn.

Công cuộc đổi mới kinh tế đất nước đứng trước khó khăn lớn vừa phải tạo ra nội dung mới, điều kiện mới đưa đất nước phát triển đi lên, vừa phải khắc phục những tồn tại, khó khăn, kinh tế trì trệ, lạm phát phi mã do hậu quả của chiến tranh. Trong khi đổi mới phải phù hợp với bối cảnh Việt Nam và thế giới.

Vấn đề lớn nhất là kinh tế, và trọng tâm cũng như khó khăn nhất là chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường, song muốn chuyển được phải tạo điều kiện hoạt động về luật lệ, vốn, khoa học kỹ thuật…

Muốn vậy, tư duy phải thay đổi hoàn toàn mới có khả năng hút vốn, khoa học kỹ thuật. Cách thức quản lý mới của nền kinh tế thị trường trong khi chúng ta đang ở nền kinh tế kế hoạch tập trung cũng đòi hỏi cần phải có sự giải quyết đồng bộ, nhưng không thể làm tất cả cùng lúc mà phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, từng bước phù hợp.

Đâu là những trọng tâm cần xử lý khi ông nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành ngân hàng?

Trước hết phải khắc phục những khó khăn, tồn tại trong nước. Do nền kinh tế bị bao vây, cấm vận, trong khi cách thức quản lý theo kiểu kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, mối quan hệ tiền – hàng bị mất cân đối nghiêm trọng, đẩy lạm phát tăng cao, lên tới 700%. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu lúc đó là phải chống được trì trệ; thứ hai chống lạm phát; thứ ba là thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Song song với đó là tiến hành mở cửa hội nhập, cả về nhận thức tư tưởng, về luật lệ, về khoa học kỹ thuật, về giáo dục đào tạo và nhân sự…

Trong những mũi đột phá đó, hệ thống ngân hàng là mũi đột phá trọng yếu để mở cửa. Tiếp cận được vốn sẽ có khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý mới, thị trường mới…, khi đã có tất cả những cái này mới có điều kiện chống lạm phát, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiệm vụ thì nặng nề, nhưng như ông đề cập là nền tảng của chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ, vậy cách làm khi đó là như thế nào, thưa ông?

Thuận lợi cũng có, nhưng khó khăn thì nhiều gấp bội. Chúng ta đổi mới ngân hàng trong điều kiện hiểu biết và nhận thức về kinh tế thị trường chưa đầy đủ; chưa có kinh nghiệm về phương thức quản lý theo cơ chế thị trường; mô hình tổ chức chưa có khuôn mẫu cụ thể để rút kinh nghiệm… Trong khi đó, đất nước lại đang đứng trước khó khăn rất lớn do nền kinh tế trì trệ, lạm phát phi mã.

Ảnh tác giả

Sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người lãnh đạo đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm

Do chưa có kinh nghiệm, mô hình nên việc đổi mới nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng đều phải thực hiện theo kiểu “dò đá qua sông”, tăng cường rút kinh nghiệm trong nước, đồng thời học hỏi kinh nghiệm nước ngoài nhanh, toàn diện, đặc biệt là những nước ngang trình độ hoặc đã từng trải qua giai đoạn như mình.

Thách thức này đòi hỏi sự quyết đoán táo bạo, thậm chí không có kinh nghiệm nhưng vẫn phải làm để có kinh nghiệm. Chính những khó khăn như vậy nhưng vẫn quyết tâm nên đã có lối thoát riêng của Việt Nam và thực tế, chúng ta đã làm được những điều không tưởng, được thế giới công nhận.

Cụ thể như chống lạm phát, hội nhập thị trường, hoàn thành nhanh hệ thống luật lệ và tạo nên mô hình quản lý mới đã có kết quả để đóng góp cho nền kinh tế.

Đối với tiến trình đổi mới ngân hàng cũng vậy, do chưa có mô hình, chưa có kinh nghiệm, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp nền kinh tế thế giới nên không tránh khỏi có những sai lầm do kiến thức chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ngân hàng quốc doanh trước đây phục vụ kinh tế tập thể và doanh nghiệp quốc doanh mà các quy định của luật pháp lại áp dụng cho kinh tế thị trường và mọi thành phần là chưa đồng bộ và phù hợp.

Như Minh Phụng Epco đi kinh doanh nhà đất bị lỗ, không thu hồi được vốn dù đây là vốn của các ngân hàng thương mại, nhưng NHNN phải chịu trách nhiệm và tất nhiên là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Sau này nhiều sách nước ngoài khi viết về quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam coi việc chống lạm phát phi mã thời điểm đó của Việt Nam là một trong những thành tựu. Là người trong cuộc, ông đánh giá thế nào về câu chuyện này?

Như tôi đã nói, lạm phát thời điểm đó rất cao, lên tới 700% mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hàng, thừa tiền và giải pháp quan trọng nhất lúc đó là phải rút nhanh tiền về và tăng lượng hàng.

NHNN đã nâng lãi suất huy động lên rất cao để rút nhanh tiền về. Lãi suất huy động đã “vượt sóng” từ 10% nâng đến 240%/năm, trong khi lãi suất cho vay chỉ được 10%, Nhà nước chịu lỗ 230% và lỗ này Nhà nước phải bù. Đó là cái giá của đổi mới, giá phải trả để học tập kinh tế thị trường.

Song song với đó, phải nhanh chóng nhập khẩu hàng hóa bằng nhiều nguồn để cân đối tiền hàng. Hệ thống ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, vay 5 – 7 tấn vàng để cân đối, tăng cường cho vay để tạo điều kiện xuất khẩu nông – lâm – thủy sản để có tiền nhập khẩu nhằm cân đối thị trường trong nước.

Nhờ đó, lượng hàng hóa nhiều dần lên trong một thời gian ngắn, trong khi đã rút một nửa tiền trong lưu thông. Kết quả là lạm phát từ mức 700% đã giảm dần xuống còn 7 – 8%.

Chống lạm phát thành công, nền kinh tế cũng được cải thiện tập trung xây dựng luật lệ và cơ chế thị trường. Pháp lệnh Ngân hàng ra đời, sau đó được nâng lên thành Luật. NHNN cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng được đẩy mạnh. Hệ thống ngân hàng đã chuyển đổi từ 1 cấp thành 2 cấp… Sau đổi mới, hệ thống ngân hàng nhiều thành phần phát triển có đường đi rõ ràng.

Với riêng ông, đâu là điều khiến ông tâm đắc nhất đối với hệ thống ngân hàng thời điểm đó?

Đó là sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người lãnh đạo đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Lấy ví dụ như việc chống lạm phát, nếu không có sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm như vậy, chẳng hạn như việc cấp bù lãi suất 230%, chúng ta không thể chống lạm phát thành công. Nói rộng ra là tiến trình đổi mới, mở cửa đất nước. Nhờ đó, đất nước ta mới có được cơ đồ như ngày hôm nay. Hệ thống ngân hàng cũng vậy, không có những bài học của ngày hôm đó, cũng sẽ không có một hệ thống ngân hàng hiện đại đang vươn tầm ra khu vực và thế giới hôm nay.

Nguồn : https://tinnhanhchungkhoan.vn/chong-lam-phat-va-bai-hoc-khong-bao-gio-cu-post268484.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến