33.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 20/04/2024

HomeĐịa ỐcKỳ vọng lực đẩy đầu tư công

Kỳ vọng lực đẩy đầu tư công

1097

Lực đẩy nửa cuối năm 2021

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 171.900 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mới đạt 36,8% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, đầu tư công sẽ là đầu kéo khả thi nhất cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Việt Nam có thể chủ động được trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam được công bố mới đây, phần khuyến nghị chính sách gửi tới Chính phủ, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc thúc đẩy những dư địa chưa được khai thác hết ở nguồn vốn đầu tư công hiện là niềm hy vọng lớn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công giúp tăng kết nối giữa các vùng, kết nối Việt Nam với quốc tế là yếu tố hút vốn FDI trong tương lai.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2021 – 2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%.

Bên cạnh tác động trực tiếp, hiệu ứng lan tỏa còn mạnh mẽ hơn giai đoạn trước khi việc giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài nhà nước (bao gồm khối tư nhân và khối FDI), cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.

Kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 công bố hồi đầu năm nay là 2,500 triệu tỷ đồng đã được nâng lên 2,870 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5, tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn 5 năm trước.

Riêng năm 2021, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là gần 600.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để giải quyết các dự án trọng điểm, hiệu quả.

Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành…

Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành, chuyển đổi kinh tế số theo cách mạng công nghệ 4.0, thay vì ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội như giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện tại, Chính phủ và các bộ, ngành đang có những động thái đẩy mạnh đầu tư công. Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 6/2021 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95 – 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư phải đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến cuối năm.

Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Đáng chú ý, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV phiên ngày 28/7 vừa qua đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết nêu rõ về định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế; tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Từ nửa cuối năm 2021, tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi các đầu kéo còn lại là xuất khẩu và bán lẻ đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài”, Agriseco nhận định.

Ba nhóm đối tượng hưởng lợi

Agriseco nhìn nhận, đầu tư công đem lại tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, từ bất động sản, vật liệu, hạ tầng, cho đến việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Theo công ty chứng khoán này, có 3 nhóm đối tượng hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công.

Thứ nhất là nhóm thượng nguồn, gồm 2 ngành chính là bất động sản và vật liệu xây dựng. Theo đó, cổ phiếu của các nhóm ngành này được dự báo có cơ hội tăng giá trong những tháng cuối năm 2021, cũng như trong năm 2022 do hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Việc hoàn tất lập và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng/địa phương giai đoạn tới sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ để triển khai các dự án mới.

Liên quan đến bất động sản, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup cho biết, thị trường bất động sản đang có diễn biến chậm lại. Lực đẩy cho thị trường trong những tháng cuối năm 2021 và giai đoạn 2022 – 2023 chính là giải ngân đầu tư công. Ước tính, tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD trong 5 năm tới cho đầu tư công phía Nam sẽ giúp tất cả các phân khúc bất động sản đều hưởng lợi.

“Trong nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều tên tuổi quen thuộc, nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp đầu ngành, đa dạng sản phẩm, từ đó đưa ra các kỳ vọng và rủi ro tối đa chấp nhận. Nhà đầu tư cũng nên trau dồi kiến thức, tiếp cận thông tin từ doanh nghiệp và bên thứ ba để có sự đầu tư phù hợp”, lãnh đạo NovaGroup chia sẻ.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản. Việc Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng chính cho bất động sản trong các năm tới.

Kỳ vọng lực đẩy đầu tư công ảnh 1

Một số dự án hạ tầng tại Hà Nội và TP.HCM. Nguồn: VNDIRECT.

Thứ hai là nhóm trung và hạ nguồn, gồm xây dựng, thi công công trình và logistics, cảng biển. Theo đó, hạ tầng các dự án được hoàn thiện sẽ là cơ hội phát triển của nhóm ngành này.

Thứ ba, nhóm hưởng lợi gián tiếp là các ngân hàng khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân. Đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án cơ sở hạ tầng được phê duyệt sẽ là xúc tác tích cực tới thị trường bất động sản. Nguồn cung sẽ mở rộng khi pháp lý tại nhiều dự án được khơi thông, đồng thời nhu cầu hồi phục trong môi trường lãi suất thấp.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến