28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 28/03/2024

HomeĐịa ỐcThời của bảo hiểm “thời vụ”

Thời của bảo hiểm “thời vụ”

1080

Tây hay ta cũng phải theo thời thế

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến tháng 7 tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ xuất hiện một sản phẩm chưa từng có trên thị trường với mục đích cơ bản là bảo hiểm khách hàng khi trời mưa.

Việc phát triển những sản phẩm bảo hiểm “độc, lạ” nếu hiểu là nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc phát triển sản phẩm mới phục vụ cho một nhóm khách hàng chuyên biệt cũng đúng, mà coi đó là một “chiêu” makerting cũng không sai. Song, có một thực tế không thể phủ nhận là bên cạnh những dòng sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng hóa…, những dòng sản phẩm mang tính chất “thời vụ” sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Đơn cử, tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhận thấy tình hình Covid-19 còn diễn biến kéo dài và giãn cách xã hội sẽ thúc đẩy làm việc tại nhà trở nên phổ biến, vào tháng 8/2020, Công ty Bảo hiểm Chubb Hồng Kông đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm làm việc tại nhà ở thị trường này.

Theo đó, sản phẩm sẽ thanh toán chi phí tư vấn tâm lý của nhân viên được chẩn đoán mắc rối loạn căng thẳng do làm việc tại nhà; chi trả cho tổn thương công thái học (Ergonomy) do căng thẳng; các khoản thanh toán tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn do tai nạn khi làm việc ở nhà; bảo hiểm cho nhân viên bị thương khi thực hiện công việc xa nơi cư trú…

Việc phát triển những dòng sản phẩm cho thị trường “ngách” là xu hướng tất yếu và nhà bảo hiểm cần có định hướng phù hợp, thời gian và mức độ đầu tư tùy thuộc vào chiến lược phát triển cũng như khả năng tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Hãng bảo hiểm này cũng nhìn nhận, khi các doanh nghiệp thích nghi với “bình thường mới”, làm việc tại nhà là một phần cuộc sống và công việc của nhân viên. Tại thời điểm ra mắt sản phẩm này, ông Stanley Wong, Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh bảo hiểm chung của Chubb Hồng Kông cho biết, những tiến bộ công nghệ cho phép mọi người kết nối với nhau và việc sắp xếp công việc linh hoạt là một phần tất yếu trong tuần làm việc của mỗi nhân viên, ngay cả sau khi đại dịch qua đi. Do đó, Chubb Hồng Kông cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm làm việc tại nhà để giúp người sử dụng lao động đáp ứng các nhu cầu về quyền lợi và chăm sóc nhân viên.

Tại Lào, mới đây, Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI) hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank), Công ty StarFintech của Unitel để phân phối sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, bao gồm cả chi trả chi phí khám chữa và điều trị Covid-19. Theo đó, khi mua bảo hiểm này, khách hàng có thể khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện ở nhiều quốc gia như Lào, Việt Nam, Thái Lan…

Hay ở Đài Loan (Trung Quốc), vào cuối tháng 4/2021, Công ty Bảo hiểm Fubon Insurance và Chubb Life Taiwan đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm vắc-xin Covid dành cho cá nhân khi tiêm ngừa Covid không may bị tác dụng phụ trong vòng 14 ngày kể từ khi tiêm. Đối tượng khách hàng của dòng sản phẩm này được giới hạn độ tuổi từ 3-75 tuổi.

Tại Việt Nam, ngay sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên trong năm 2020, nhiều công ty bảo hiểm đã tung ra gói sản phẩm bảo hiểm Corona với mức phí phổ biến từ 100.000-500.000 đồng/gói. Việc sản phẩm được đưa ra đúng thời điểm nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng vọt do lo ngại dịch bên nên được bán rất chạy, nhưng vì nhiều lý do nên cơ quan quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không giới thiệu và triển khai gói sản phẩm này. Mặc dù chỉ được bán ra trong thời gian ngắn, nhưng sự ra đời của bảo hiểm Corona cho thấy sự nhanh nhạy của các công ty bảo hiểm trong việc nắm bắt và đáp ứng nhu cầu từ thị trường.

Liên quan tới bảo hiểm vắc-xin, hiện tại, Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đang triển khai sản phẩm rủi ro vắc-xin dành cho doanh nghiệp, bao gồm cả rủi ro liên quan tới vắc-xin Covid, còn Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm này đối với khách hàng cá nhân…

Ngoài những dòng sản phẩm rủi ro tiêm ngừa vắc-xin, các doanh nghiệp cũng đang rốt ráo nghiên cứu thiết kế các dòng sản phẩm khác liên quan đến Covid-19, chẳng hạn khi dịch bệnh được khống chế, các chuyến bay thương mại được nối lại thì những chính sách liên quan tới quyền lợi du khách quốc tế đến Việt Nam và du khách Việt đi du lịch nước ngoài cần được tính đến, đặc biệt là bảo hiểm du lịch y tế (thuộc loại bảo hiểm bắt buộc phải mua), trong đó có quyền lợi bảo hiểm Covid…

Sản phẩm bảo hiểm “thời vụ” là xu thế tất yếu

Theo dự báo của Tạp chí Insurtech, 3 yếu tố quyết định đến việc mua bảo hiểm của khách hàng trong thời gian tới là sản phẩm sáng tạo theo nhu cầu, thủ tục giải quyết bồi thường nhanh và mức phí hợp lý. Những doanh nghiệp đặt khách hàng làm trọng tâm trong thiết kế các sản phẩm bảo hiểm, mang đến cho khách hàng những sản phẩm đóng gói theo nhu cầu riêng và chuyên biệt sẽ đón đầu được xu hướng này.

Theo bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital, để đón đầu xu thế, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tập trung nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm “thời vụ” được đóng gói theo nhu cầu của khách hàng, đơn giản trong điều kiện, điều khoản, có thể mua bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào chỉ sau vài cú click chuột.

Cũng theo bà Yến, đa phần những sản phẩm này không có nhiều rủi ro do được xây dựng với các quyền lợi nhỏ, thủ tục bồi thường đơn giản, lại dễ dàng ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu bán hàng đến bồi thường nhằm tối ưu chi phí quản lý và điều hành.

Tất nhiên, không phải công ty bảo hiểm nào cũng mặn mà với dòng sản phẩm này do chỉ tập trung vào một nhóm khách hàng “ngách” với quy mô rất nhỏ. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu từ những sản phẩm thời vụ quá nhỏ so với doanh thu của các sản phẩm truyền thống. Trong khi đó, để xây dựng thành công một dòng sản phẩm mới, doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, nhà bảo hiểm phải xin cấp phép từ Bộ Tài chính nên thời gian từ lúc nghiên cứu đến lúc ra đời sản phẩm có thể kéo dài, dẫn đến nguy cơ mất chi phí cơ hội. Vì vậy, về cơ bản, chỉ những doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu bằng chiến lược tạo sự khác biệt mới sẵn sàng đầu tư phát triển những dòng sản phẩm độc, lạ.

Lấy ví dụ như dòng sản phẩm bảo hiểm tình yêu của PTI ra mắt năm 2018, mặc dù hãng bảo hiểm này không cung cấp số liệu cụ thể, nhưng theo giới chuyên gia, doanh thu từ sản phẩm này không quá 2 tỷ đồng, quá thấp so với ngưỡng doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng của PTI trong năm đó. Tuy nhiên, hiệu ứng về sản phẩm với hàng trăm nghìn lượt truy cập chỉ sau vài ngày ra mắt mang lại hiệu quả quảng cáo thương hiệu rất lớn cho PTI.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, có cầu ắt sẽ có cung, nên việc phát triển những dòng sản phẩm cho thị trường “ngách” là xu hướng tất yếu và nhà bảo hiểm cần có định hướng phù hợp, thời gian và mức độ đầu tư tùy thuộc vào chiến lược phát triển cũng như khả năng tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Nguồn : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-cua-bao-hiem-thoi-vu-post272859.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến