29.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 20/04/2024

HomeĐời sống - Xã hộiTP.HCM: Địa phương tự ý cấp “luồng xanh”, sở GTVT lên tiếng

TP.HCM: Địa phương tự ý cấp “luồng xanh”, sở GTVT lên tiếng

1090

Ngày 7/8, đại diện sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đã nắm được thông tin phản ánh về việc UBND TP.Thủ Đức tổ chức cấp giấy nhận diện phương tiện (mã QR), UBND quận 5 triển khai tổ chức giao thông cho các phương tiện không theo hướng dẫn của Sở.

Tình trạng này gây ngộ nhận và khó khăn trong công tác kiểm tra đối với các lực lượng chức năng trên đường.

Vì vậy, sở GTVT đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Sở tại Công văn số 8007/SGTVT – KT ngày 24/7/2021 về hướng dẫn tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM hoặc lưu thông qua TP.HCM và Thông báo số 8444/TB- SGTVT ngày 1/8/2021 về một số nội dung liên quan đến công tác cấp giấy nhận diện (có mã QR) – luồng xanh cho các phương tiện vận tải lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Sở cũng đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện đã được cấp mã nhận diện (có mã QR) trong việc chấp hành các nội dung đã yêu cầu trong thông báo tổ chức giao thông và giấy nhận diện (mục đích, lộ trình, thời gian lưu thông).

Sở giao Thanh tra Sở tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 848/KH-TTS ngày 31/7/2021 về kiểm tra chuyên đề đối với các phương tiện được cấp giấy nhận diện (có mã QR), báo cáo đề xuất cụ thể cho sở GTVT các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thông tin từ sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay có 2 loại giấy nhận diện (có mã QR) đối với các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa (hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ xuất nhập khẩu) lưu thông đi đến và trên địa TP.HCM được phê duyệt bằng phần mềm “luongxanh.drvn.gov.vn” của Tổng cục đường bộ Việt Nam và được sở GTVT cấp thông qua các cơ quan, đơn vị đầu mối.

Dân sinh - TP.HCM: Địa phương tự ý cấp “luồng xanh”, sở GTVT lên tiếng

Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND quận, huyện và lực lượng CSGT phối hợp kiểm soát giao thông trên địa bàn trong khi thực hiện Chỉ thị 16.

Mặc dù đã có kinh nghiệm kiểm soát giao thông theo Chỉ thị 16 nhưng một số chốt giao thông vẫn bị doanh nghiệp phản ánh là thiếu linh hoạt trong kiểm tra, khiến hoạt động vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc công ty Vissan cho hay, phần lớn nhân viên công ty phải hoạt động về đêm. Thịt heo giết mổ xong đã 1h-2h sáng sẽ vận chuyển ra các tỉnh để 2h-3h là thời gian pha lóc, chuẩn bị 5h-6h bán. Đây là hoạt động nghề nghiệp bình thường của doanh nghiệp.

Quy định hạn chế ra đường từ 18h tới 6h hôm sau, xe tải được đi nhưng xe cá nhân của người lao động lại không được phép, trong khi nhiều người phải dậy từ 4h sáng để giao hàng. Nhưng giấy tờ do Vissan ký cho công nhân thì các chốt kiểm soát kiểm tra có nơi cho, nơi không.

Tổng giám đốc công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh là Nguyễn Đặng Hiến cho biết, vẫn có tình trạng các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đặc biệt, tài xế của công ty này bị phạt tại huyện Củ Chi về việc đưa hàng hóa không thiết yếu ra ngoài đường, trong khi xe đang chở nước suối và có mã QR Code.

Cũng gặp thế khó trong khung giờ từ 18h-6h, bà Phạm Thị Kim Em, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Ba Huân, chia sẻ, các siêu thị trước đây 3-4h sáng đã mở cửa để nhận hàng của nhà cung cấp, nhưng hiện tại họ nhận hàng lúc 7h-7h30 vì nhân viên 6h mới ra khỏi nhà.

“Mặt khác, nhiều siêu thị chỉ đến 15h-16h chiều là không nhận hàng do nhân viên tranh thủ về sớm. Công ty Ba Huân mỗi ngày cung cấp khoảng 1 triệu trứng gia cầm cho TP.HCM mà chỉ có 8 tiếng để đi phục vụ hết hệ thống siêu thị là không xuể”, bà Kim Em nói.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, thực tế đang xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ kiểu “phép vua thua lệ làng”, đòi hỏi các thủ tục khiến doanh nghiệp bức xúc.

“Thành phố cần cụ thể các quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm các thủ tục; yêu cầu về kiểm tra phòng dịch tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây khó doanh nghiệp”, bà Chi đề xuất.

Phản hồi những ý kiến này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho rằng, các văn bản của thành phố, của ngành giao thông và của công an là hoàn chỉnh và đầy đủ. Còn vướng mắc là cách hiểu của những người đứng trực ở các chốt của địa phương quận, huyện có khác nhau.

“Cấp phép “luồng xanh” để xe đi từ vùng có dịch như 19 tỉnh, thành đến vùng chưa có dịch, tức là xe hàng chạy luồng riêng, không có chốt nào chặn lại. Đương nhiên, lực lượng chức năng sẽ chặn kiểm tra xác suất chống dịch, xe phải có mã QR Code và tài xế có xét nghiệm”, ông An lý giải.

Đối với TP.HCM, trước đây cấp mã QR Code khi chỉ duy nhất thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Hiện nay, tất cả các xe chở hàng hóa lưu thông trên địa bàn TP.HCM và 19 tỉnh, thành thì không cần mã QR Code. Còn việc kiểm tra ở các chốt là do công an và quân sự thực hiện.

“Tất cả các xe có mã QR Code trên địa bàn thành phố chạy 24/24. TP.HCM có khoảng 50.000 xe tải và hiện đã cấp mã khoảng 47.000 xe nên số lượng xe chưa cấp gần như không có”, ông An nói.

Không xử phạt bằng lái hết hạn khi đang giãn cách

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các đơn vị về việc không xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các trường hợp giấy phép lái xe (GPLX) đã hết thời hạn sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cơ quan này đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cấp đổi, cấp lại GPLX trong thời gian giãn cách xã hội kể từ ngày 28/6.

Cụ thể, tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp các thủ tục hành chính về cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe từ ngày 28-6 trên địa bàn thành phố gồm: Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp; Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe trễ hạn dưới ba tháng; Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe trễ hạn trên ba tháng. Trên cơ sở đó, thời gian qua người dân đã chấp hành nghiêm theo hướng dẫn nêu trên.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay và qua các kênh thông tin, sở GTVT TP.HCM được biết có một số trường hợp GPLX đã hết thời hạn sử dụng hoặc sắp hết thời hạn sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM nên sở GTVT đề nghị các lực lượng chức năng khi kiểm tra người dân tham gia giao thông có GPLX hết thời hạn sử dụng từ 28/6 trở đi tạm thì thời không xử lý vi phạm hành chính.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến