28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeĐời sống - Xã hộiMV There’s no one at all, Sơn Tùng: 'Anh đi xa quá'

MV There’s no one at all, Sơn Tùng: ‘Anh đi xa quá’

1666

Ra mắt đêm 28/4, rạng sáng 29/4, MV mới sau một thời gian im lặng của Sơn Tùng M-TP có tên “There’s no one at all” lập tức đạt hơn 5 triệu lượt xem. Nhưng chính số lượt xem đó cùng nội dung MV đang cho thấy Tùng đang “đi xa quá”. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Google gỡ MV cổ súy tiêu cực khỏi nền tảng Youtube. 

Không phủ nhận, Sơn Tùng M-TP đang là nam ca sỹ ăn khách nhất Việt Nam hiện nay khi anh có thể dễ dàng kiếm chục triệu lượt xem trong vòng 1 ngày trong khi nhiều nghệ sỹ khác vật vã mới có thể đạt được con số vài chục ngàn.

Nhưng có vẻ chính tầm ảnh hưởng ấy, cùng với sự ngông cuồng tuổi trẻ của một ca sỹ được người hâm mộ gọi là “sếp” đã khiến Tùng không có được suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo khi tung ra sản phẩm mới mang tên “There’s no one at all” mới đây.

Lần đầu tiên thử sức hát bằng tiếng Anh, Tùng đã tạo ra sự tò mò lớn khi MV vẫn còn trong thời kỳ quảng bá bằng những đoạn teaser ngắn.

Và khi MV chính thức ra mắt, lượng người xem đông đảo đã bị ngợp bởi khung hình đẹp, tạo hình nhân vật thời thượng, ánh sáng tốt, ca khúc nghe có vẻ bắt tai. Tuy vậy, sau những khen ngợi chưa được vài tiếng đồng hồ, chỉ trích đã dấy lên bởi MV của Sơn Tùng lần này kết bằng cảnh một học sinh trung học nhảy lầu tự vẫn.

MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng gây nên làn sóng phẫn nộ

Giữa bao nhiêu ồn ào của các vụ học sinh tự tử gần đây, khi nỗi đau riêng và chung chưa kịp nguôi, việc một MV ca nhạc có khả năng thu hút hàng chục triệu lượt xem được đăng tải trên một kênh youtube gần 10 triệu lượt đăng ký mà lại có cảnh nhảy lầu tự vẫn rõ ràng là vô cùng phản cảm. Sơn Tùng, trong vai một nam sinh trung học kiểu Hàn Quốc nổi loạn, sẵn sàng phá phách, chọc giận bất kỳ ai xung quanh vô cớ và ngang tàng, đã chọn con đường tiêu cực nhất.

Thử hỏi, liệu có ai dám chắc rằng 100% trong số 10 triệu thành viên đăng ký kênh của Sơn Tùng M-TP và vô vàn fans hâm mộ cuồng nhiệt của ca sỹ gốc Thái Bình này (mà đa số đều ở tuổi thiếu niên) sẽ không ai bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính hình ảnh phản cảm ấy? Đặc biệt là khi đối tượng bị ảnh hưởng lại đang trong trạng thái trầm cảm hoặc tâm lý bất ổn.

Trong MV, có cảnh khi bị bắt, nhân vật nam nhìn một đứa trẻ đứng đó và đôi mắt có chùng lại. Câu hỏi đặt ra là tại sao MV không đi đến một cái kết khác tích cực hơn sau ánh nhìn thức tỉnh này?

Rõ ràng, sự cố ý đi đến tiêu cực là có chứ không hẳn chỉ là một ngẫu hứng sáng tạo vô tình. Nếu đã viết được kịch bản đến chỗ đôi mắt nhìn có sự chững lại tĩnh tâm, chắc chắn có thể dẫn dắt đến một kết cục hoàn toàn được dư luận chấp nhận.

Trên facebook cá nhân của mình, thầy Đàm Quang Minh đang công tác tại đại học FPT đã công khai kêu gọi “Sơn Tùng M-TP vừa ra một clip hoàn toàn không phù hợp cho giới trẻ và hiện đã được rất nhiều người xem. Mình kêu gọi mọi người hãy report để loại bỏ clip này ra khỏi các kênh như YouTube hoặc kênh được nhiều bạn trẻ tiếp cận.

Clip THERE’S NO ONE AT ALL của Sơn Tùng M-TP là một clip kể về bạn trẻ nổi loạn cuối cùng đã chọn cách tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Rất mong ai quen biết khuyên Tùng tự gỡ bỏ và có lời xin lỗi công khai. Tùng là một nghệ sĩ có tài và có rất nhiều bạn trẻ thần tượng. Rất mong Tùng có thể hành động kịp thời trước khi mọi việc đi quá xa.”. Đây là một kêu gọi dũng cảm, có lương tri của một người làm thầy và không dám e ngại lực lượng fans hùng hậu của Sơn Tùng M-TP sẽ phản ứng tiêu cực như báo cáo vô hiệu hoá tài khoản facebook cá nhân.

Việc MV gây tranh cãi của Sơn Tùng còn cho chúng ta một suy ngẫm đáng giá hơn ở thời đại này. Đó là nếu như ở thời chưa có youtube, facebook hay các nền tảng chia sẻ video như hiện nay, nếu MV này muốn ra mắt phải qua kiểm duyệt của cơ quan văn hoá và chắc chắn đoạn kết tiêu cực sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ. Nhưng ở thời đại ai cũng đăng video được như hiện nay, việc kiểm duyệt của các nền tảng gần như là cho có. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của quản lý nhà nước ở nhiều mặt, đặc biệt là ở khía cạnh văn hoá.

Sẽ có người bao biện rằng ở Mỹ và phương Tây đầy rẫy các MV có cảnh tự vẫn nhưng nên nhớ, văn hoá Mỹ và văn hoá Việt Nam là khác nhau, luật lệ mỗi nơi cũng khác và hơn nữa, hiện nay đang nhức nhối chuyện các em học sinh vì quá căng thẳng, trầm cảm đã có lựa chọn dại dột. Không thể áp nguyên mô hình một quốc gia khác, xã hội khác, văn hoá khác vào Việt Nam khi ta vẫn còn là công dân Việt Nam.

Và trên hết, câu hỏi đặt ra là “Có phải Sơn Tùng M-TP chủ động lấy câu chuyện xã hội (các em học sinh tự vẫn) để làm chất liệu câu lượt xem hay không?”. Nếu có sự chủ động này, e rằng Sơn Tùng đã đi quá xa và không còn xứng đáng là thần tượng của giới trẻ hiện nay nữa.

Yêu cầu Google gỡ MV There’s no one at all ngay lập tức

Nhận thấy MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã gửi yêu cầu cho phía Google ngăn chặn MV này ngay lập tức, các nền tảng mạng khác không được đăng tải.

Liên quan thông tin MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng bởi tinh thần tiêu cực, ảnh hưởng rất không tốt tới giới trẻ, đầu giờ chiều nay 29-4, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Lưu Đình Phúc – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) – cho biết cục đã gửi yêu cầu cho Google ngăn chặn MV này.

Ông Phúc cho biết cục này cũng đề nghị các nền tảng khác không được đăng tải MV này.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Quang Tự Do – phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – cho biết lãnh đạo cục đã xem MV There is no one at all và đã có trao đổi với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Hai bên thống nhất quan điểm cho rằng nội dung cũng như hình ảnh của MV này có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là phân cảnh nhảy lầu tự tử ở cuối MV.

Với một nghệ sĩ biểu diễn có tầm ảnh hưởng như Sơn Tùng M-TP thì càng nguy hại hơn vì có nhiều người theo dõi, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện, rất dễ bị ảnh hưởng.

Nội dung MV There is no one at all cũng vi phạm khoản 4 điều 3 nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Khoản này quy định hành vi cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn là sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu đạt hành vi trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Vì vậy Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thống nhất ngăn chặn không phổ biến MV này trên không gian mạng.

Ngoài việc gửi yêu cầu cho Google ngăn chặn MV này, ông Do cho biết Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cũng sẽ mời Sơn Tùng M-TP đến làm việc để xử lý vi phạm nếu có.

Trước đó, trong công văn gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử và Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận thấy nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình There’s no one at all mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.

Cục này nhận định với MV There is no one at all, nghệ sĩ đã vi phạm khoản 4 điều 3 nghị định số 144 ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Vì vậy Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị ngay lập tức, phải có biện pháp dừng lưu hành sản phẩm này.

Cục đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại nghị định số 38 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và truyền thông – có biện pháp xử lý, ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân đăng phát, lưu hành, phổ biến bản ghi âm, ghi hình trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An – Hội Tâm lý học Việt Nam – cho rằng bối cảnh MV There is no one at all mô tả một diễn biến tâm lý đang diễn ra trong đời sống thật của rất nhiều người trẻ, đặc biệt là học trò tiểu học, trung học.
Theo anh, trải qua một đợt đại dịch COVID-19, tâm lý học trò vốn đã bất ổn lại càng thêm bất ổn sau một thời gian dài phải giãn cách xã hội, học online… Đây là lứa tuổi mà các bạn trẻ đang trong giai đoạn phát triển, khẳng định cái tôi của mình, có nhiều mâu thuẫn với phụ huynh và chịu nhiều áp lực về học hành…
“Tôi đã làm một khảo sát với nhiều học sinh trung học, với kết quả là nhiều em cho biết đã từng nghĩ đến chuyện tự tử, có em đã cắt tay, cắt chân, có hành vi hủy hoại thân thể. Nghĩa là nhiều bạn trẻ đã có ý nghĩ tự tử nhưng chưa có cơ hội thực hiện.
Là người có sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, hành động của Sơn Tùng M-TP rất có thể sẽ trở thành một khuôn mẫu hành vi tiêu cực cho người trẻ khi các em ở trong những hoàn cảnh khó khăn, ở vào một thời điểm cơ thể mệt mỏi, cảm thấy không ai hiểu mình…”, TS An cảnh báo.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến