27.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeGiáo DụcVì độc lập, tự do

Vì độc lập, tự do

1186

Bài học của nền cộng hòa chỉ rõ: “Độc lập” không tách biệt với “Tự do” và “Hạnh phúc”, mà phải gắn liền một cách hữu cơ và biện chứng với nhau. Có Độc lập sẽ có Tự do, làm cơ sở để mưu cầu Hạnh phúc…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập bằng lời bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Quyền cơ bản, thiêng liêng

Tự do và độc lập là quyền cơ bản, thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc, là dân tộc phải được độc lập, có chủ quyền, nhân dân phải được tự do, hạnh phúc. Quyền tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam đã giành được bằng cuộc cách mạng với 15 ngày tổng khởi nghĩa (từ 13-8 đến 28-8-1945) lật đổ chính quyền ngoại bang, lập nên chính quyền nhân dân trên toàn xứ sở. Trong lễ ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.

Đất nước từ đó trải qua những thời kỳ phát triển đầy khó khăn gian nan; nhưng con tàu tiên phong của nền dân chủ cộng hòa đầu tiên trong lịch sử dân tộc vẫn hiên ngang vượt qua bao phong ba thác ghềnh, vẫn vững vàng tiến lên phía trước, không chỉ giữ vững quyền tự do độc lập, mà còn từng bước bảo đảm quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

8 chu tich ho chi minh doc tuyen ngon doc lap khai sinh nuoc viet nam dan chu cong hoa anh tu lieu 16305011099411516203875
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TƯ LIỆU

Càng hiểu thêm “quyền tự do và độc lập” đã và đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ thiết thực cho việc mưu cầu hạnh phúc, đem lại phúc lợi cho xã hội và cho con người. Bảo đảm cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc trở thành quyền của mỗi công dân và toàn xã hội, là nghĩa vụ và trách nhiệm của Chính phủ và của toàn dân.

Nước cộng hòa vừa ra đời đã rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nền tự do và độc lập vừa giành được đã đứng trước nguy cơ thù trong giặc ngoài hòng bóp chết trong trứng, đất nước vừa có tên trên bản đồ đã tràn ngập giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và các lực lượng thù địch. Để bảo vệ “quyền tự do và độc lập” vừa giành được, toàn dân thực hiện “Sáu biện pháp cấp bách” do Chính phủ lâm thời đưa ra ngày 3-9-1945; cả Nam Bộ giương cao ý chí “Độc lập hay là chết” do Ủy ban kháng chiến ban hành ngày 23-9-1945; những đội quân “Nam tiến” tức tốc xuất hành; Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay”.

Cuối năm 1946 cả dân tộc phải bước vào cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi với ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Sau “Chín năm kháng chiến thánh thần”, quân và dân ta đã “đánh tan quân bạo tàn” giành lại độc lập tự do ở nửa nước phía Bắc làm hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ về sau.

Nước cộng hòa bước vào tuổi 20, năm 1965 nền độc lập tự do của cả nước lại một lần nữa đứng trước nguy cơ chiến tranh của đế quốc toàn cầu với việc Mỹ ồ ạt đem quân vào miền Nam tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ, leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Độc lập tự do của dân tộc đòi hỏi phải bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20-7-1965, “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Kiên trì và quyết tâm chiến đấu suốt 10 năm “Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; ngày 30-4-1975 nền độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc đã trở về trong niềm vui đại thắng.

Tinh thần “dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”

Hòa bình thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, lại có thế lực bành trướng muốn “Dạy cho Việt Nam một bài học”, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây chiến và phá hoại, đẩy đất nước vào tình thế hiểm nghèo, năm 1979 khó khăn do cấm vận và chính sách thù địch gây ra, kinh tế – xã hội khủng hoảng trầm trọng.

Nền độc lập tự do thống nhất Tổ quốc và chủ quyền quốc gia phải đối phó cùng lúc với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới và cả biển đảo Trường Sa; thảm họa diệt chủng và tiếng kêu cứu của người bạn láng giềng thúc giục hành động theo đạo lý dân tộc.

Lần thứ 2 trong vòng 14 năm (1965-1979), cả nước lại hành quân ra trận theo tiếng gọi của Trung ương Đảng: “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai… triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc” và giúp bạn để “tự giúp mình”.

Cuộc chiến đấu 10 năm của quân dân Việt Nam “vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: độc lập tự do” kết thúc, nhường chỗ cho “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, thiết lập lại thế đứng quốc gia trong quan hệ quốc tế và khu vực.

Đất nước sau bao năm đổi mới, phát triển và hội nhập đã “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế”, nhưng nền cộng hòa lại đứng trước thử thách toàn cầu khi cả thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19.

Lần đầu tiên phải “Chống dịch như chống giặc”, đất nước chưa bao giờ phải cấp tốc xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến như năm 2021, cũng chưa từng có tiền lệ sử dụng biện pháp giãn cách làm cứu cánh ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Cả nước lại một lần nữa hành quân “vì miền Nam ruột thịt”; tỉnh, thành lại xuất hiện “mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”; những ưu việt của nền dân chủ và đạo đức nhân văn của chế độ xã hội được thực hiện đồng bộ; ý chí và quyết tâm của cả dân tộc tập trung cho “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Lịch sử nền cộng hòa cho biết: Những lúc càng trong tình huống ngặt nghèo thì tinh thần “Dân tộc trên hết – Tổ quốc trên hết” càng trỗi dậy mạnh mẽ, muôn người cố kết thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để vượt qua hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.

Bài học của nền cộng hòa chỉ rõ: “Độc lập” không tách biệt với “Tự do” và “Hạnh phúc”, mà phải gắn liền một cách hữu cơ và biện chứng với nhau, như những điều kiện và mục tiêu tối thượng. Có Độc lập sẽ có Tự do, làm cơ sở để mưu cầu Hạnh phúc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến