29.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 19/04/2024

HomeKinh DoanhChạy đua giành lại ‘miếng bánh’ logistics trên sân nhà

Chạy đua giành lại ‘miếng bánh’ logistics trên sân nhà

1170

Các công ty logistics nội địa đang tăng cường khả năng khai thác các điểm đến, nhằm mang lại mức giá tối ưu cho các khách hàng, cạnh tranh sòng phẳng với các tay chơi ngoại.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu nên khả năng chiếm lĩnh thị phần chưa cao. Ảnh: T.L.
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu nên khả năng chiếm lĩnh thị phần chưa cao. Ảnh: T.L.

Cuộc chơi rất khó

Theo ContainerNews, mặc dù giá cước tuyến Á – Âu đã giảm 50% trong sáu tuần qua, nhưng vẫn cao hơn 30% so với năm 2019. Nguyên nhân là do số chuyến tàu bị hủy ngày càng tăng, tình trạng tắc nghẽn và một số gián đoạn về lao động.

Sự sụt giảm đơn hàng cũng khiến nhiều nhà sản xuất châu Á buộc phải nghỉ lễ sớm, kéo theo nhu cầu vận tải cũng giảm xuống. Việc hủy các chuyến tàu đã đạt mức cao kỷ lục 17% so với mức trung bình 12-13% trong vài tuần qua. Các hãng vận tải dự kiến sẽ bỏ trống khoảng một nửa số chuyến tàu đi từ châu Á đến châu Mỹ và châu Âu trong những tháng sau Tết Nguyên đán.

TS. KC Chang, Giám Đốc Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương về Thủ tục Hải quan (GEODIS) cho biết, ảnh hưởng hậu Covid-19 khiến nhiều công ty logistics trên thế giới sụt giảm đơn hàng, rất nhiều nhân lực trong ngành bỏ phố về quê gây khó khăn trong việc tuyển dụng. Ở một số quốc gia, làn sóng người lao động, tài xế xe tải hay nhân công đường sắt biểu tình đòi hỏi công đoàn quyền lợi gây khó khăn trong ngành. Bên cạnh đó, năng lực của nhiều doanh nghiệp logistics còn yếu dẫn đến rất nhiều trường hợp kiện hàng đến nơi nhưng thiếu giấy tờ, vận đơn, hợp đồng hay danh sách đóng gói.

“Rất nhiều trường hợp đòi hỏi phải có hợp đồng, nhất là container giá trị cao vì nó đóng vai trò trong việc khai thuế, nếu khai gian giá trị hàng hóa, hải quan cũng sẽ giữ lại. Hay đầy đủ giấy tờ nhưng thông tin không chính xác như một kiện hàng gồm linh kiện trong ngành thông tin truyền thông để làm chip, thì phải khai rất chi tiết. Một số trường hợp gặp chậm thanh toán do tính toán thuế không hợp lý khiến kiện hàng của doanh nghiệp sẽ bị giữ lại”, TS. KC Chang cho biết.

Ở Việt Nam, thị trường hàng hóa tiềm năng cung ứng cho các đối tác châu Âu, châu Mỹ, nhưng do khoảng cách địa lý xa xôi nên bài toán chi phí vận chuyển vẫn làm đau đầu các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, cuộc chơi vận tải chủ yếu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp logistics ngoại (chiếm 10% số lượng nhưng chiếm tới 70% thị phần).

Việc các tay chơi ngoại nắm phần lớn thị phần vận tải khiến doanh nghiệp nội bị o ép. Còn nhớ trong đại dịch, doanh nghiệp xuất khẩu nhiều lần phải “kêu cứu” vì hãng tàu quốc tế liên tục tăng giá cước vận tải, thậm chí tăng một cách đột ngột, khiến nhiều doanh nghiệp “trở tay không kịp”. Còn với các doanh nghiệp vận tải nội địa, khi năng lực còn chưa đủ mạnh, buộc phải ngậm ngùi nhường sân chơi cho các đối thủ ngoại.

Nỗ lực “giành cờ” trên sân nhà

Nhiều doanh nghiệp logistics nội địa lớn mạnh sẽ giúp Việt Nam làm chủ cuộc chơi, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Ảnh: T.L.
Nhiều doanh nghiệp logistics nội địa lớn mạnh sẽ giúp Việt Nam làm chủ cuộc chơi, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Ảnh: T.L.

Tuy nhiên, điểm sáng trong những năm gần đây là một số doanh nghiệp logistics nội địa đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành những “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực vận tải, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các gã khổng lồ ngoại quốc.

Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á, cho biết điều quan trọng của các doanh nghiệp logistics là phải tìm ra các giải pháp vận tải như thế nào để tiết kiệm chi phí.

Ví dụ vào cảng Chicago hoặc Huston (Mỹ), ngoài tuyến đi từ Việt Nam đến cảng Los Angeles (Mỹ) như thông thường, có thể dùng con đường khác là đặt tàu từ Việt Nam đến Vancouver Canada và dùng đường gieo đi vào Chicago. Hay có những tuyến đường khác thời gian lâu gian, chi phí rẻ hơn…

Theo bà Lan, hiện có 3 con đường đưa hàng Việt Nam đến các cảng nội địa ở Mỹ. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã có đủ kinh nghiệm để làm đầy đủ giấy tờ vận chuyển con đường này và có những giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm tới 20-25% chi phí so với cách giao hàng truyền thống.

“Nhiều khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu nghĩ rằng doanh nghiệp logistics Việt Nam không thể làm được việc đó nhưng rất nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã được cấp giấy phép FMC của Mỹ và được cấp vận đơn trực tiếp, khai AMS trực tiếp cho tất cả hàng nhập xuất vào Mỹ, làm được hồ sơ FDA cho các doanh nghiệp thực phẩm… ; các doanh nghiệp logistics đã ứng dụng công nghệ thông tin, có thể đưa giải pháp giảm tối thiểu chi phí logistics để hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Phương Lan cho hay.

Với 18 văn phòng toàn quốc và 150 đối tác thân thiết toàn cầu, Dolphin Sea Air Services Corporation cũng cho biết việc “tìm và tạo hub” thật nhanh và chính xác cũng như kết nối các “hub” của các công ty logistics sẽ tối ưu chi phí cho các nhà xuất khẩu.

“Là một doanh nghiệp logistics nội địa, chúng tôi thấu hiểu và luôn dành tình cảm cũng như ưu đãi cho các thương hiệu Việt. Đội ngũ chuyên gia tư vấn của chúng tôi sẽ đưa ra phương án vận tải tối ưu nhất để khách hàng giảm chi phí mà vẫn đảm bảo thời gian xuất nhập”, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Dolphin Sea Air Services Corporation nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam. Mục tiêu Đề án đặt ra là đến 2030, đội tàu biển Việt đảm nhận 20% thị phần hàng xuất nhập khẩu. Việc này sẽ đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến