28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 19/04/2024

HomeKinh DoanhĐề nghị hủy kết quả đăng ký hải quan xuất khẩu gạo...

Đề nghị hủy kết quả đăng ký hải quan xuất khẩu gạo nếu thương nhân ‘khai khống’

1078

Đề nghị hủy kết quả đăng ký hải quan xuất khẩu gạo nếu thương nhân ‘khai khống’

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Liên quan việc đăng ký mở tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo “lúc nửa đêm”, thông qua Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề nghị hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân, nếu “khai khống” số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa…

Doanh nghiệp ‘xù’ bán gạo dự trữ, nhưng tích cực đăng ký xuất khẩu

5ddaf img 3290
Hủy kết quả đăng ký hải quan lúc nửa đêm, nếu doanh nghiệp khai khống. Ảnh: Trung Chánh

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vào hôm nay, 15-4, đã có báo cáo nhanh về tình hình khai báo hải quan của các hội viên là thương nhân xuất khẩu gạo sau khi Quyết định số 1106/QĐ-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4.

Theo đó, thông qua VFA, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị “giải tỏa” toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng bằng cách tạo điều kiện cho thương nhân khai tiếp đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thương nhân thông quan toàn bộ lượng gạo nằm trên các cảng trong thời gian sớm nhất (khoảng 300.000 tấn).

Cho phép xuất khẩu gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng vì đây là phân khúc hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.

Tổng cục hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh (miễn kiểm tra) và luồng vàng (chỉ kiểm tra một phần) cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để thông quan nhanh chóng (luồng đỏ phải kiểm tra 100% lô hàng mất nhiều thời gian – PV).

Về hạn ngạch 400.000 tấn được mở tờ khai “lúc nửa đêm”, đối với hàng container, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị kiểm hóa thực tế hàng hóa của các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được đưa lên mạng để mở tờ khai hay không. Tùy thực tế kiểm tra, có thể áp dụng vừa kiểm tra vừa xuất hàng bị tồn đọng ở cảng và vừa phát hiện thương nhân khai khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Trường hợp các thương nhân đã nộp tờ khai, nhưng không xuất trình đúng đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal của container hàng đã đóng như khai báo, thì cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp chế tài.

Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất hủy toàn bộ tờ khai đã được nộp của thương nhân tại hệ thống, nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.

Đối với hàng tàu, ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan cho các thương nhân có tàu đã vào cảng nhận hàng trước và trong ngày 12-4-2020 để các thương nhân tranh thủ xếp hàng nhanh, tránh bị phạt.

Có biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã nộp tờ khai, nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa như đã khai báo.

Hủy toàn bộ tờ khai đã được nộp của thương nhân tại hệ thống, nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa của thương nhận.

Đối với bất kỳ lượng hạn ngạch nào bị hủy, ngay lập tức phải được chuyển ưu tiên cho các lô hàng đã sẵn sàng ngoài cảng, nhưng việc đăng ký tờ khai vẫn chưa thành công.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đề nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) hủy bỏ toàn bộ tờ khai hải quan từ ngày 11-4 đến nay, tức tờ khai cho 400.000 tấn được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020.

Ông Bình cũng đề nghị Hải quan cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô hàng đang khai dở dang trước đó và thông quan toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng (dự kiến không vượt quá 250.000 tấn).

Đồng thời, ông đề nghị Hải quan cho khai mới và khai với số lượng không hạn chế, chứ không chỉ dừng lại ở 400.000 tấn rồi “đóng công thông tin” khai hải quan.

Vị giám đốc của doanh nghiệp này cho rằng, tờ khai nào khai trước, thì xuất khẩu trước cho đến khi thông quan đạt mốc 400.000 tấn thì dừng xuất khẩu (các doanh nghiệp đều theo dõi được và tự điều chỉnh tiến độ). Tờ khai nào sau 15 ngày không xuất khẩu, thì số lượng không xuất khẩu đó sẽ bị tụt lại sau cùng theo quy định.

Việc hàng hóa tồn đọng ngoài cảng đang gây áp lực rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) cho rằng, đơn vị này hiện đang có 500 container hàng (tương đương 12.500 tấn) đã đóng container, có số seal và tất cả thủ tục kiểm dịch thực vật, khử trùng đã xong, nhưng vẫn đang ách tắc. “Với lượng hàng hóa tồn động như vậy, mỗi ngày chi phí tiền lưu container, lưu kho bãi mà chúng tôi phải chịu là 350 triệu đồng”, ông cho biết và nói rằng đó là chưa kể hàng hóa bị giảm chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, xác nhận việc tồn đọng lớn khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lưu kho, bãi, chi phí vận chuyển hàng hóa lên kho bãi, chi phí nâng hạ… là rất lớn.

Ngoài ra, theo ông, doanh nghiệp phải chịu lãi suất, bị phạt hợp đồng, chi phí nhân công… có thể là vô cùng lớn, nhất là khi lượng hàng hóa bị tồn đọng lên đến hàng trăm nghìn tấn. Do đó, nếu các lô hàng không được thông quan xuất khẩu sớm, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến