27.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeKhác41% doanh nghiệp đã từng hưởng lợi từ EVFTA

41% doanh nghiệp đã từng hưởng lợi từ EVFTA

1096

xuất khẩu gạo

Cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ về EVFTA

Sáng 10/11, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, với sự hỗ trợ của Viện FNF (Đức) công bố báo cáo “Doanh nghiệp sau 2 năm thực thi EVFTA: Thực tiễn và cảm nhận”.

Báo cáo cho thấy, sau 2 năm kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, từ góc độ thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn 8/2020-7/2022 đạt hơn 83 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA tăng dần từ 14,8% năm 2020, lên hơn 20% năm 2021 và hơn 24% trong 6 tháng đầu năm 2022. Các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định gồm EVFTA là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)…

Cũng theo khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện.

Đặc biệt, cứ 10 doanh nghiệp khảo sát thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, nhóm doanh nghiệp FDI có tỷ lệ biết khá rõ/rõ về EVFTA cao nhất (43%), tiếp tới là nhóm dân doanh (37%), cuối cùng là nhóm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (13%).

“Động lực lợi ích từ EVFTA có lẽ là đủ lớn để thu hút sự quan tâm tìm hiểu của doanh nghiệp. Đồng thời, kết quả này cũng cho thấy các hoạt động phổ biến tuyên truyền về Hiệp định này của cả các cơ quan Nhà nước, VCCI và các đơn vị truyền thông trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực”, báo cáo nhận định.

Sự chủ động là điều kiện cần

13% doanh nghiệp chủ động thay đổi, điều chỉnh sản xuất để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: T.L.

13% doanh nghiệp chủ động thay đổi, điều chỉnh sản xuất để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: T.L.

Cũng theo báo cáo, có tới gần 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Trong số này, lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (40-42% doanh nghiệp); tiếp đó là các hiệu ứng như tăng đơn hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận từ cung ứng hàng hóa/dịch vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với EU, hoặc cơ hội hợp tác, liên kết để tận dụng EVFTA (30-37% doanh nghiệp); và cuối cùng là các nhóm lợi ích khác có tính dài hạn như cơ hội đầu tư hay bảo hộ tài sản trí tuệ ở EU (9-12% doanh nghiệp).

Đối với 59% các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong hai năm qua, các lý do phổ biến là chưa có giao dịch nào với đối tác EU trong thời gian này (69%); không biết lợi ích cụ thể nào của Hiệp định để tận dụng (24%); một số lý do khác từ hạn chế chủ quan của doanh nghiệp hay từ các vướng mắc khách quan trong tổ chức thực thi EVFTA của cả EU và Việt Nam (4-7%).

Cũng có khoảng 4,2% doanh nghiệp cho biết đã từng chịu thiệt hại từ Hiệp định, chủ yếu ở dạng các chi phí tuân thủ tăng, sản phẩm chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa EU nhập khẩu.

Về sử dụng các ưu đãi thuế quan, có 17% doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 1 lô hàng xuất khẩu, 16% đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi. Đa số họ biết tới các ưu đãi này là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết (73%) và/hoặc được đối tác gợi ý, hỗ trợ tận dụng (36%).

Về việc doanh nghiệp đã làm gì để được hưởng ưu đãi, có tới 34% doanh nghiệp cho biết nhờ nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại may mắn đã đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA; chỉ có 13% doanh nghiệp là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.

Với các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu (20-33% doanh nghiệp) hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như GSP hay thuế MFN thấp (18-31%). Tuy nhiên, cũng có một số ít không được hưởng ưu đãi do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan (10-11%) hay thậm chí không biết gì về các ưu đãi này (15%). Báo cáo cũng ghi nhận 76% doanh nghiệp cho rằng các FTA sẽ có tác động tới triển vọng kinh doanh của họ trong 3 năm tới.

“Sự chủ động trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp là điều kiện cần, và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các lợi ích từ EVFTA hay các FTA nói chung. Trong khi đó, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, sẽ là yếu tố trợ lực có ý nghĩa để việc tận dụng các cam kết hội nhập của doanh nghiệp được hiệu quả, an toàn và bền vững hơn”, báo cáo nhận định 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến