27.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 28/03/2024

HomeKhácBị 'đứng ngoài' gói hỗ trợ lãi suất, cơ hội nào cho...

Bị ‘đứng ngoài’ gói hỗ trợ lãi suất, cơ hội nào cho doanh nghiệp yếu thế?

1079

Rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để “sống,” song chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động. Ảnh: TL.

Rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để “sống,” song chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động. Ảnh: TL.

Thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đang cấp tốc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất để trình lên Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, Ngân hàng Agribank đã bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế.

“Theo kế hoạch đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, trong hai năm 2022 và 2023, đơn vị dự kiến sẽ dành nguồn vốn khoảng 5.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất trong gói 40.000 tỉ đồng. Trong thời gian chờ quyết định phân bổ vốn, đơn vị sẽ tập trung rà soát những khách hàng đã có hợp đồng tín dụng từ đầu năm để hỗ trợ”, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, thông tin.

Đại diện một số ngân hàng khác cũng khẳng định đang khẩn trương vào cuộc để bơm vốn rẻ cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, hiện phát sinh một số vướng mắc như xác định đúng đối tượng được hỗ trợ, thống nhất cách hiểu về đối tượng được thụ hưởng chính sách…

Ngoài ra, với điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì ngoài các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng thì khoản vay phải được sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác… cũng đang là vấn đề bất cập.

Theo đó, tuy rất kỳ vọng, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng xác định mình “khó mơ” tới gói hỗ trợ này. “Chúng tôi đã bắt đầu phục hồi hoạt động. Khi đầu tư thêm thì vẫn phải chấp nhận vay vốn lãi suất khó có ưu đãi, bởi mọi cơ sở vật chất của chúng tôi đều đi thuê, không được xem là tài sản đảm bảo, rất khó thuyết phục ngân hàng”, ông Đặng Văn, Giám đốc Công ty Korea Food, chia sẻ.

Có thể nói, mức hỗ trợ 2-3% lãi suất vay sẽ không phải là con số quá lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây sẽ là động lực, nguồn hỗ trợ để doanh nghiệp có thể chi trả các khoản như tiền lương người lao động, bù đắp các chi phí khác…

Chính sách từ Chính phủ là rất tốt, song việc thực hiện ở dưới cũng cần thông thoáng hơn, tránh rơi vào tình trạng như nhiều chính sách hỗ trợ thuế đất, lãi suất trước đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không có nhiều, trong khi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Mặt khác, liên tưởng nhất định tới gói hỗ trợ lãi suất 4% được triển khai vào năm 2009. Có ý kiến e ngại rủi ro sẽ phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ, chẳng hạn như nhân viên ngân hàng cố tình giả mạo hồ sơ, giấy tờ để cho vay không đúng đối tượng nhằm tìm kiếm lợi ích cho cá nhân, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho ngân hàng cũng như không thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2009 – 2011…

Cần quy chế riêng cho doanh nghiệp yếu kém 

Xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Ảnh: TL..

Xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Ảnh: TL..

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, hiện, doanh nghiệp đang chật vật để “sống,” vì thế, các cơ quan liên quan, chính quyền từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét, thiếu sót hồ sơ đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.

“Chúng ta phải thống nhất với nhau một ý kiến rằng, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Từ đó, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn đất nước. Với doanh nghiệp, dù yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản vẫn cần được tiếp cận vốn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên phân bổ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đến tất cả các ngân hàng thương mại tùy theo quy mô, khả năng của từng ngân hàng chứ không chỉ gói gọn tại một số ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước khi đó nên có những quy định chung về việc hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện và báo cáo.

Đồng thời, ông Hiếu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình làm việc với các ngân hàng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp phù hợp với từng hoàn cảnh.

“Ở đây, tôi không đề nghị ngân hàng cho vay dưới chuẩn, nhưng với những doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng thì cần một quy chế riêng, có thể là các quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện tại, chúng ta đã có quy định về các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng các quỹ này vẫn rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Tôi mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia quy mô khoảng 30.000 tỷ đồng để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp yếu kém có thể vay được mà không bắt buộc phải hạ chuẩn tín dụng”, ông Hiếu nhìn nhận.

“Thực tế, thời điểm hiện tại hỗ trợ nền kinh tế, “cứu” doanh nghiệp cũng là cách các ngân hàng tự cứu chính mình. Tuy nhiên, vì vướng các quy định ngặt nghèo trong cho vay nên các ngân hàng rất lo ngại rủi ro. Khi có Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, ngân hàng sẽ không còn e ngại để cho vay với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Chính phủ cần có một giải pháp chưa có tiền lệ, mang tính đột phá trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát và thế giới đã bắt nhịp với giai đoạn mới”, ông Hiếu cho hay.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến