34.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 24/04/2024

HomeSPECIALCEO Gạo Trung An: Đừng nhập gạo thơm từ Campuchia, Thái Lan...

CEO Gạo Trung An: Đừng nhập gạo thơm từ Campuchia, Thái Lan sau đó gắn mác gạo Việt Nam để xuất khẩu

1230

 

Ông Phạm Thanh Bình, CEO Gạo Trung An. Ảnh: T.L.

Ông Phạm Thanh Bình, CEO Gạo Trung An. Ảnh: T.L.

‘EU không gây khó nhưng chúng ta phải làm đúng’

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, con đường xuất khẩu tươi sáng hơn dành cho gạo Việt cũng mở ra, và những doanh nghiệp trong ngành gạo như Trung An cũng được hưởng lợi.

Ông Phạm Thái Bình, CEO Công Ty TNHH Trung An cho biết, trước đây, khi EVFTA chưa có hiệu lực, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng thuế xuất rất cao, từ 5% đến 45% tuỳ từng quốc gia thành viên. Vì vậy gạo Việt rất khó cạnh tranh với gạo ở những nước như Campuchia, Myanmar … vì họ là những nước nghèo được EU miễn thuế nhập khẩu. Còn gạo Thái Lan dù bị đánh thuế nhưng có thương hiệu nên vẫn tiêu thụ tốt. Do đó, EVFTA giúp các doanh nghiệp trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ.

“Thời gian trước, khi xuất khẩu gạo vào châu Âu, có khi nhà nhập khẩu gạo của chúng tôi phải đóng thuế tới 200 Euro/tấn, bây giờ với việc không đóng thuế nhập khẩu nữa, các nhà nhập khẩu có được mức giá rất cạnh tranh. Hơn nữa, những năm gần đây, gạo Việt cũng đã có chất lượng tốt hơn, đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới nên bước vào thị trường châu Âu một cách danh chính ngôn thuận, giá trị được nâng cao, người tiêu dùng châu Âu đã không những chấp nhận mà còn rất tin dùng”, ông Bình cho hay.

Trước lo ngại về việc châu Âu tăng cường hàng rào kĩ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, ông Bình cho rằng hạn ngạch 80.000 tấn gạo dành cho Việt Nam chỉ là con số nhỏ so với lượng nhập khẩu 2 triệu tấn mỗi năm của khu vực này. Ngoài ra, chính sách bảo hộ doanh nghiệp quốc nội nước nào cũng có nên chắc chắn châu Âu không nhòm ngó hoặc giăng hàng rào kỹ thuật để gây khó. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải làm đúng.

“Đừng nhập gạo Thơm từ Campuchia, Thái Lan sau đó gắn mác gạo Việt Nam để xuất khẩu hoặc xuất những loại gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hay có doanh nghiệp cố tình chào giá thấp để giành khách hàng. Giống như cá tra là đặc sản độc tôn một thời gian dài của Việt Nam, song vì sự cạnh tranh phá giá giữa các doanh nghiệp Việt với nhau, tới mức có thời gian công ty cá phải phá sản, ngưng nuôi vì không thể xuất khẩu. Chúng ta hãy làm thật tốt hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0, mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt”, ông Bình nhấn mạnh.

Làm Global Gap không khó

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu gạo sang EU với số lượng và giá trị lớn hơn nếu doanh nghiệp Việt kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Ảnh: T.L.

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu gạo sang EU với số lượng và giá trị lớn hơn nếu doanh nghiệp Việt kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Ảnh: T.L.

Tuy nhiên, vị CEO gạo Trung An cho biết không dễ để có được lúa gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, vì phải chuẩn bị từ gieo trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến xuất khẩu.

Tại Trung An, ngay từ những năm 2012, doanh nghiệp này đã trong tư thế sẵn sàng để đưa gạo vào châu Âu, dù lúc đó Hiệp định EVFTA vẫn đang trong giai đoạn đàm phán. Bởi với người tiêu dùng khu vực này, dù có hay không có Hiệp định, thì tiêu chuẩn chất lượng để nông sản vào thị trường của họ cũng không bao giờ thay đổi. Do đó doanh nghiệp gạo Việt phải làm theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP.

“Người châu Âu rất xem trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có gạo. Nếu nông sản có dư lượng hóa chất, thì họ sẽ tẩy chay ngay. Không chỉ ở châu Âu, mà cả Mỹ, Malaysia hay Nhật Bản và Hàn Quốc, tất cả các vấn đề an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.

Tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, nói khó thì không khó, chỉ là chúng ta có làm hay không mà thôi. Theo tôi, VietGAP hay GlobalGAP hoặc ChinaGAP; ThaiGAP… tiêu chuẩn đều giống nhau, gọi tiêu chuẩn GAP tức “thực hành nông nghiệp tốt”, nôm na là không có dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp; chỉ cần chúng ta trồng trọt rau, củ, quả; hoặc chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thuỷ sản hay trồng lúa gạo, theo tiêu chuẩn GAP là đủ chuẩn đưa vào châu Âu”, ông Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị CEO U70 cũng chia sẻ lý do chọn tiêu chuẩn GlobalGAP chứ không phải là VietGAP vì đã có những sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP nhưng khi đi vào châu Âu, hoặc Mỹ vẫn còn dư lượng kháng sinh, có thể do việc cơ quan cấp chứng chỉ còn “du di”, khiến hàng hóa bị trả lại, ảnh hưởng đến niềm tin của đối tác.

Ngoài ra, theo ông Bình, mặt hàng lúa gạo hay các mặt hàng nông sản khác cũng cần chọn lọc để xuất khẩu. Nếu muốn xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu và ở phân khúc tiêu dùng đẳng hạng sang, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.

Ví dụ, Trung An chọn phân khúc là trọng tâm – trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu châu Âu, mà cả tiêu dùng trong nước. Do vậy, công ty này phải hỗ trợ đầu tư toàn bộ vật tư đầu vụ và hướng dẫn quy trình canh tác cho nông dân, nông dân sản xuất canh tác trồng lúa theo yêu cầu. Khi thu hoạch, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài từ 20- 500 đồng/kg lúa tùy theo tiêu chuẩn.

“Chúng tôi không kinh doanh theo cách mà các doanh nghiệp ngành gạo đã làm hàng mấy chục năm qua đó là: người nông dân trồng gì thì doanh nghiệp mua cái đó để xuất khẩu. Trung An bắt tay ngay vào xây dựng vùng nguyên liệu lúa để có sản phẩm gạo đạt chuẩn theo nhu cầu của từng thị trường, cụ thể đó là công ty liên kết với nông dân sản xuất canh tác lúa một cách bền vững.

Chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có sẵn. Sản phẩm phổ thông bán được nhưng giá trị không cao và đầu ra bấp bênh. Nói thật, gạo Việt dù luôn xuất khẩu sản lượng lớn, đứng thứ 2 hoặc 3 thế giới, xong có năm bán được, có năm phải giải cứu. Trong khi gạo sạch, an toàn năm nào cũng không đủ để đáp ứng cho các thị trường cao cấp, khó tính”, ông Phạm Thái Bình nói.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến