28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 19/04/2024

HomeKhácChuyên gia Đại học Fullbright: Việt Nam có thể yên tâm về...

Chuyên gia Đại học Fullbright: Việt Nam có thể yên tâm về lạm phát trong năm nay

1193

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: T.L.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: T.L.

Việt Nam vẫn ở ‘vùng xanh’

Mặc dù đã bước qua giai đoạn khủng hoảng nhất của đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta, nhưng bối cảnh thế giới vẫn đang đầy biến động, bất ổn và khó đoán định.

Trong đại dịch, các nền kinh tế đua nhau bơm tiền, làm tăng tổng cầu của nền kinh tế, đẩy giá lên cao. Năm 2022, căng thẳng địa chính trị làm xu hướng giá năng lượng tăng. Cùng với đó, vẫn có những nền kinh tế như Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm dịch gắt gao gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả làm cho áp lực lạm phát toàn cầu tăng lên nhanh chóng.

Khi áp lực lạm phát tăng cao, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải đi theo hướng chính sách tiền tệ thắt chặt và đẩy mạnh tăng lãi suất điều hành. Việc này tác động đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Các báo cáo kinh tế cho thấy, hiện chỉ có 2 nền kinh tế lạm phát thấp nhất là Trung Quốc (2,5%) và Nhật Bản (2,6%) nên chưa áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Những nền kinh tế như Anh (9,9%), EU (9,1%), Hoa Kỳ (8,3%) đang gánh chịu áp lực lạm phát rất cao. Đây cũng là những nơi mạnh tay nhất trong việc thắt chặt tiền tệ. Trong khu vực châu Á và Đông Nam Á, cũng có những quốc gia lạm phát chạm mức trên dưới 7% như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Philippines.

Việt Nam hiện đang giữ mức lạm phát là 2,9%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, thực tế con số lạm phát có thể cao hơn, bởi thời gian qua, giá vật liệu xây dựng đã tăng 18-20%, lương thực thực phẩm 8-12% nhưng theo cách tính kỹ thuật rổ hàng hóa Việt Nam, lương thực thực phẩm chiếm 1/3; trong đó, mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất là gạo và thịt heo không tăng giá quá nhiều.

Ngoài ra, giá năng lượng tính đến tháng 6 năm nay dù tăng 50% nhưng cách tính của Việt Nam là giá năng lượng đóng góp vào lạm phát thông qua giá vận tải, đặc biệt là dịch vụ vận tải doanh nghiệp chứ không tính vào chi phí của các cá nhân.

“Về mặt kĩ thuật lạm phát chỉ tăng 2,9%, nhưng các nhà hoạch định cũng hiểu rằng áp lực lạm phát có thể cao hơn nên phải thận trọng hơn. Tuy vậy, Việt Nam vẫn ở vùng xanh nên không phải quá mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ như các quốc gia ở vùng xanh và vùng đỏ”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Thận trọng và linh hoạt

Các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng để kiềm chế lạm phát trong năm 2022. Ảnh: T.L.

Các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng để kiềm chế lạm phát trong năm 2022. Ảnh: T.L.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu như nước tính lạm phát bằng cách so sánh chỉ số của mỗi tháng với cùng kì năm ngoái, còn Việt Nam tính bình quân các tháng. Nhưng khi loại bỏ giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu thì lạm phát cơ bản của các sản phẩm khác đã tăng liên tục trong những tháng qua, từ 0,7% vào tháng 12 năm ngoái lên 3,1% vào tháng 8 năm nay. Điều này buộc nhà điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng với lạm phát.

Thực tế, từ khi xảy ra chiến tranh, căng thẳng địa chính trị dẫn đến lạm phát cao trên toàn cầu, có một sự thay đổi trong định hướng chính sách ở Việt Nam. Năm ngoái, khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế với định hướng sẽ hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2022. Chính tín hiệu đó đã giúp trong 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng lên rất mạnh, lên đến 9,4% so với cuối năm trước. Nhiều ngân hàng sử dụng hết hay gần hết hạn mức tín dụng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, nếu như kì vọng của thị trường là cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng, thì ngân hàng nhà nước hiện vẫn vẫn muốn duy trì mức tăng trưởng tín dụng 14% cả năm. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ được giữ rất kiên định và thận trọng để kiểm soát lạm phát, trong khi đó chính sách tài khóa nới lỏng và thúc đẩy tăng trưởng nhờ chính sách tài khóa chứ không phải tiền tệ.

“Do đó, trong tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã chậm hẳn, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại, nhưng vẫn trong tính toán là tín dụng cả năm tăng 14%. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục suy giảm rõ rệt trong tháng 9 và tháng 10 thì việc tăng thêm tín dụng vào tháng 11 và 12 là rất có thể và tín dụng có thể tăng thêm được 460 nghìn tỷ cho đến cuối năm”, ông Thành dự đoán.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện có 2 kịch bản được đưa ra về xu hướng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng như động thái điều hành của nhà hoạch định.

Một quan điểm cho rằng lạm phát đã tăng cao vào tháng 6, như vậy với việc ngân hàng nhà nước kiên định chính sách tiền tệ như hiện nay, tiền không bơm ra nhiều, sẽ không có áp lực lạm phát mạnh. Từ phía chi phí đẩy, đặt cược vào việc giá dầu dao động 100-110 USD/thùng, nếu như giá dầu tiếp tục tăng lên, vẫn còn dư địa điều hành trong nước để giảm giá xăng dầu thì từ nay đến cuối năm, lạm phát có thể đi xuống.

Một quan điểm khác đó là lo ngại về việc lạm phát bắt đầu bước vào vòng thứ 2 khi mặt bằng giá cả tiếp tục tăng do nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng lên. Có thể trong tháng 7-8, mặt bằng giá giảm xuống do giá xăng dầu giảm, nhưng chưa thể chắc chắn rằng từ nay đến cuối năm mặt bằng giá sẽ giảm. Cùng với đó, xuất khẩu sang năm sẽ khó khăn khi các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU tăng lãi suất, chiến sự Nga-Ukraine còn bất ổn, Trung Quốc chưa chấm dứt chiến lược Zero Covid-19, thì các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục thắt chặt, mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao.

“Chúng ta đều hi vọng năm nay có thể kiểm soát lạm phát tốt thì sang năm chính sách tiền tệ, tài khóa có thể nới lỏng. Nếu vậy, cho dù hiện giải ngân đầu tư thấp nhưng từ năm 2023 sẽ là chu kỳ đầu tư lớn, tương tự thời kì 2017, đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng trưởng GDP quay trở lại 11%”, ông Thành nhận định.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến