30.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeKhácNgười được, kẻ mất trong nền kinh tế tuần hoàn

Người được, kẻ mất trong nền kinh tế tuần hoàn

1099

Các sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ phải hướng tới tăng cường công năng sử dụng để kéo dài vòng đời sản phẩm. Ảnh minh họa.

Các sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ phải hướng tới tăng cường công năng sử dụng để kéo dài vòng đời sản phẩm. Ảnh minh họa.

Khi nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần cho đến năm 2030, vượt ngoài khả năng cung ứng và chịu tải của môi trường, thì nhu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn càng trở nên cấp bách. Hiểu nôm na, trong nền kinh tế tuần hoàn, tuổi thọ của vật chất sẽ được kéo dài và các tác động tiêu cực với môi trường sẽ bị loại bỏ.

Nhưng, không chỉ dừng lại ở góc độ môi trường, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được dự báo mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Ước tính, nó có thể mang lại 4,5 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới tới năm 2030.

Tuy nhiên, hiện tỉ lệ tuần hoàn trong nền kinh tế thế giới chỉ chiếm 8,6%. Do vậy, để đạt được mục tiêu Net Zero đến năm 2050, theo bà Emmanuelle Ledoux, Tổng Giám đốc Viện Kinh tế tuần hoàn Quốc gia Pháp, cần phải thay đổi nhanh mô hình về sản xuất, các mô hình công nghiệp.

Trong đó, mô hình đầu tiên là phát triển nền kinh tế công năng, tức phát triển công năng sử dụng của sản phẩm thay vì sở hữu. Tư duy mới này sẽ thay đổi hoàn toàn dây chuyền sản xuất, đồng thời cũng tác động làm mất đi nhiều khâu trung gian trong chuỗi giá trị.

Cụ thể, trong mô hình kinh tế tuyến tính, một sản phẩm khi được làm ra sẽ được các khâu khai thác tối đa lợi ích kinh tế. Người bán sản phẩm muốn bán nhiều nhất có thể, người lắp đặt muốn lắp được nhiều nhất có thể và người sửa chữa mong muốn sản phẩm hỏng càng nhiều càng tốt.

Nhưng một mô hình mới, tập trung nhiều vào công năng sử dụng, tức sản phẩm phải có vòng đời lâu hơn, thời gian sử dụng dài hơn, thiết kế phải thân thiện với môi trường. Do vậy, nhà sản xuất phải thay đổi lớn, phải đầu tư nhiều hơn vào khâu thiết kế và công nghệ.

“Người sản xuất và người bán vẫn có thể bán sản phẩm, nhưng sẽ có 2 đối tượng bị tác động nhiều là những người lắp đặt và sửa chữa. Bởi sản phẩm có vòng đời lớn hơn đồng nghĩa với công việc của họ ít hơn. Để triển khai mô hình mới này cũng vấp phải sự phản kháng của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, đây là sự khó khăn khi tổ chức một mô hình kinh tế mới”, bà Emmanuelle Ledoux cho biết.

Tài nguyên thiên nhiên dần khan hiếm đặt ra yêu cầu cấp bách phải tìm kiếm nguồn tài nguyên mới cũng như cách thức sử dụng mới để đảm bảo mục tiêu bền vững. Ảnh: T.L.

Tài nguyên thiên nhiên dần khan hiếm đặt ra yêu cầu cấp bách phải tìm kiếm nguồn tài nguyên mới cũng như cách thức sử dụng mới để đảm bảo mục tiêu bền vững. Ảnh: T.L.

Tuy nhiên, xét ở góc độ bao quát hơn, mô hình kinh doanh mới trong kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các lực lượng lao động tham gia. Tại châu Âu, ước tính kinh tế tuần hoàn mang về 600 tỷ Euro mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới.

Do đó, vấn đề một phần rất nhỏ khâu trung gian trong nền kinh tế tuyến tính bị sụt giảm không đáng lo ngại, vì họ vẫn còn rất nhiều cơ hội việc làm mới trong nền kinh tế mới. Điều quan trọng, hướng tới kinh tế tuần hoàn là hướng tới một mô hình kinh tế phát triển bền vững, nơi tài nguyên thiên nhiên không bị tận diệt, môi trường sống và sức khỏe con người được đảm bảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM, mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là các giải pháp tối ưu các nguồn nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm. Kinh tế tuần hoàn nó cũng giống như nền kinh tế bình thường. Tất cả những mô hình kinh tế, kinh doanh đang làm có thể tích hợp thêm yếu tố tuần hoàn để doanh nghiệp có thể phát triển.

“Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn bắt nguồn từ việc có nguồn nguyên liệu như thế nào, thị trường là đâu, ai là nhà cung cấp, phân phối và các nguồn lực khác hỗ trợ. Tại mô hình kinh doanh này, mỗi doanh nghiệp sẽ đi sâu vào một khâu nào đó, như trở thành doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu (trấu, bã cà phê…), các doanh nghiệp kết hợp chia sẻ với nhau về nguồn lực, lúc đó mới có thể khẳng định mô hình kinh doanh đó có tồn tại được hay không”, ông Quân khuyến nghị.

Tại Việt Nam, quan điểm về kinh tế tuần hoàn đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phát triển kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm trong các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về phía doanh nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để thúc đẩy đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, tạo ra thị trường mới và cơ hội việc làm mới.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến