34.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 24/04/2024

HomeKhác Nhiều áp lực 'co kéo' có khiến doanh nghiệp xuất khẩu hạ mục...

 Nhiều áp lực ‘co kéo’ có khiến doanh nghiệp xuất khẩu hạ mục tiêu lợi nhuận?

1079

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, Ảnh: TL.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, Ảnh: TL.

‘Cửa’ rộng nhưng vẫn ‘vướng’

Mặc dù còn nhiều khó khăn và cạnh tranh đến từ các thị trường khác nhưng gạo Việt vẫn đang mang về những tín hiệu tích cực khi giá gạo của Việt Nam đánh bật “‘ngôi vương” của Thái Lan và vẫn duy trì ở mức cao hơn so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. 

Đặc biệt, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 – 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 – 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 – 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 – 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 – 590 USD/tấn.

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…

“Cơ hội xuất khẩu gạo hiện nay đang rất cao, qua dịch Covid-19, qua cuộc chiến tranh vừa mới xảy ra đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của thế giới rất lớn. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo và thể hiện vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận.

Mặc dù xuất khẩu gạo khởi sắc, nhưng các chuyên gia nhận định, chúng ta không nên vui mừng quá sớm bởi giai đoạn hiện nay, việc giữ ổn định gạo giá cao để giữ vững thị phần là bài toán khó khi giá cả vật tư nông nghiệp đang leo thang từng ngày.

Đơn cử, hiện nay, thị trường tầm trung nhưng khá tiềm năng là Châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn dù chất lượng gạo Ấn Độ thua xa chất lượng gạo Việt.

“Nếu xét về cạnh tranh giá, thì gạo Việt Nam khó so được với gạo Ấn Độ, vì hiện tại, đến 80% sản lượng gạo Việt Nam đã chuyển từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao. Hệ lụy từ giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh. Nhiều đơn hàng bán CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) có thể bị lỗ”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định.

Cùng với đó, kênh tiêu thụ trong nước cũng đối mặt với “thế gọng kìm” tương tự. Ông Dư Phúc Thịnh – Quản lý kênh bán hàng hiện đại của Công ty TNHH Gạo Hoa Sen (Lotus Rice), cho biết, sức mua thị trường đã giảm 15-20% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm giãn cách xã hội.

“Giá xăng dầu, vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào tăng chưa từng có và chưa có chiều hướng giảm cũng đẩy doanh nghiệp vào thế bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá đầu ra trong khi sức mua thị trường thấp”, ông giải thích thêm.

Theo đó, các doanh nghiệp chuyên sản xuất gạo đã phải liên tục cân đối mục tiêu lợi nhuận để đảm bảo các khoản chi phí trong quá trình vận hành.

Trước thềm phiên họp thường niên, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) điều chỉnh lợi nhuận sau thuế giảm gần 6 lần so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trước đó, việc đề chỉ tiêu ghi nhận 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của TAR được xem là mốc đột phá kỷ lục.

Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – AGM) cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong phiên họp bất thường cuối tháng 6 này. Cụ thể, doanh thu hợp nhất sẽ giảm hơn một nửa, lợi nhuận trước thuế giảm hơn hai phần ba so với con số được thông qua ở phiên họp thường niên trước đó. Như vậy, doanh nghiệp này lường trước kịch bản chỉ ghi nhận lợi nhuận chưa bằng một nửa so với năm ngoái.

Để giá gạo “ăn chắc mặc bền”?

Chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh:  TL.

Chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: TL.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, để giữ được mức giá xuất khẩu cao, theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICED, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới

Ngoài ra, phải chú ý tăng sản lượng, chất lượng và giảm chi phí sản xuất mới mang đến lợi nhuận. Dòng gạo thơm của ta trên thị trường đang có giá tốt, cạnh tranh được Thái Lan, Campuchia, bảo đảm được chất lượng mới tạo ra uy tín, được khách hàng tôn trọng, từ đó mua hàng sẽ tốt hơn.

“Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%”, ông Có cho hay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, để giá gạo có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải ký kết để tạo được chuỗi liên kết, nghĩa là tạo được vùng nguyên liệu. Một điểm nữa là cần phải có đội ngũ nhân sự, thương lái thu mua thật tốt và ổn định cả về sản lượng và chất lượng.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học – công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…”, ông Tiến cho hay. 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến