30.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeKhácThời đến với những 'tỷ phú đại dịch' châu Á giữa bối...

Thời đến với những ‘tỷ phú đại dịch’ châu Á giữa bối cảnh phân cực xã hội

1140

Thế giới thời Covid-19 vẫn cứ bày ra hai mặt nhức nhối. Trong khi những phú gia đã giàu sẵn lại được nhồi nhét thêm đầy hầu bao, còn 140 triệu người khác lại rơi vào cảnh túng đói vì đại dịch do bị mất việc làm, xóa sổ những năm tháng chắt bóp được ít nhiều trong thân phận nghèo túng.

Một người bán hàng in bóng phía trước một đại tự Trung Quốc. Giới nghèo trong đại dịch sống vất vưởng như những chiếc bóng. Ảnh AFP

Một người bán hàng in bóng phía trước một đại tự Trung Quốc. Giới nghèo trong đại dịch sống vất vưởng như những chiếc bóng. Ảnh AFP

Đó là đúc kết sơ bộ của báo cáo từ một tổ chức viện trợ công bố hồi tháng 3 năm 2021. Lợi nhuận gom góp được từ sản xuất và phân phối dược phẩm, thiết bị y tế cũng như cung cấp các dịch vụ cần thiết đáp ứng với đại dịch đã biến 20 cái tên mới trở thành tỷ phú. Đối nghịch lại, tình trạng bế tắc và kinh tế đình trệ đồng thời cũng đã phá hủy sinh kế của hàng trăm triệu người khác. Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Nhật Bản, có thể kể sơ qua một, hai nhóm tân tỷ phú. Chẳng hạn đó là Li Jianquan, người có công ty Winner Medical, chuyên sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, hay Dai Lizhong, ông chủ sở hữu Sansure Biotech chuyên thực hiện các thử nghiệm Covid-19 và tung ra thị trường những bộ dụng cụ chẩn đoán bệnh từ dịch.

Tổng số tỷ phú ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng gần một phần ba, từ 803 hồi tháng 3 năm 2020 lên 1.087 vào tháng 11 năm ngoái, với khồi tài sản tập thể của họ cũng tăng ba phần tư (74%). Theo đánh giá của Mustafa Talpur, người đứng đầu các chiến dịch tại Oxfam châu Á, 1% nhóm giàu nhất sở hữu nhiều tài sản hơn 90% tổng dân nghèo nhất trong khu vực.

Hiện thực đối nghịch ấy dấy lên lời ta thán trong công đồng xã hội rằng, thật đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được khi những người nghèo ở châu Á dường như bị bỏ mặc trước sự hoành hành nghiệt ngã của đại dịch. Từ đó họ phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, thất nghiệp, đói kém và bị đẩy vào cảnh nghèo túng, xóa sổ chút thành quả xã hội đã đạt được qua nhiều thập kỷ trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Oxfam cảnh báo: Người nghèo “đua nhau” khánh kiệt vì Covid-19 trong khi người giàu ngày càng giàu. Ảnh Getty Images

Oxfam cảnh báo: Người nghèo “đua nhau” khánh kiệt vì Covid-19 trong khi người giàu ngày càng giàu. Ảnh Getty Images

Sự đối nghịch ngày càng hằn rõ nét. Trong khi số phú gia có đặc quyền lại có cơ hội tăng tốc củng cố vận may và bảo vệ sức khỏe, những người nghèo nhất châu Á từ phụ nữ, lao động tay nghề thấp, người di cư, đến các nhóm yếu thế khác… lại là khối đại đa số bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, vào năm 2020, ước tính có khoảng 81 triệu việc làm đã biến mất, và làn sóng thất nghiệp đã đẩy thêm 22–25 triệu người đến tình trạng nghèo khó. Trong khi đó, các tỷ phú khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng thêm 1,46 tỷ USD, con số đủ để trả cho tất cả những ai bị mất việc làm vì dịch, mỗi người gần 10.000 USD.

Chưa hết, chỉ riêng ở châu Á, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người, đó là chưa tính đến vô số trường hợp tử vong nữa sẽ xảy ra do tình trạng nghèo đói và gián đoạn các dịch vụ y tế mỗi lúc mỗi gia tăng. Theo chi tiết trong các báo cáo, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều nguy cơ bị mất việc làm hoặc cắt giảm thu nhập hơn. Giới nữ theo bản tính vốn có nhiều khả năng làm việc ở các vai trò nho nhỏ trong xã hội nên cũng khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giới này chiếm hơn 70% trong lực lượng nhân viên y tế và 80% trong số họ là y tá. Có thể ví von, vì đại dịch khối công nhân nhà máy thuộc các nước châu Á đang sa lầy trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, vốn khởi đầu bộc phát từ phương Tây.

Nhìn riêng vào vùng Nam Á cũng chẳng khá hơn. Những người thuộc các tầng lớp thấp phần lớn thường làm công việc vệ sinh, luôn trong tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ và phải đối mặt với các mối đe dọa đói nghèo và phân biệt đối xử khiến họ càng khó thể tiếp cận các dịch vụ y tế. Oxfam đúc kết và nhận định, đại dịch đã làm trầm trọng thêm “vết loét” này khiến khoảng cách giàu nghèo từng có thành sâu hoắm.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra 20 tỷ phú mới ở châu Á, đối nghịch với lượng 140 triệu người rơi vào cảnh túng quẫn. Ảnh AFP

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra 20 tỷ phú mới ở châu Á, đối nghịch với lượng 140 triệu người rơi vào cảnh túng quẫn. Ảnh AFP

Giữa thực trạng ấy, ngân hàng Credit Suisse lại dự báo ở chiều ngược lại. Theo họ, đến năm 2025 sẽ có thêm 42.000 người sở hữu gia sản hơn 50 triệu USD ở châu Á – Thái Bình Dương và khối tỷ phú vùng này sẽ đạt con số 99.000 người. Trong khi đó, chỉ riêng số lượng triệu phú thôi vào năm 2025 dự kiến đã là 15,3 triệu cái tên, tăng 58% tính từ 2020. Ngay cả Ngân hàng Thế giới lẫn IMF đều cho rằng, dịch bệnh do virus corona sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng kinh tế toàn cầu.

Có một sự thật khó chối cãi đang diễn ra hiện nay, các hệ thống chính trị xem chừng thiên bảo vệ lợi ích của thiểu số tầng lớp giàu có, trong khi các chính phủ lại liên tục thất bại về việc “bảo kê” kinh tế cho đa số người dân yếu thế trong đại dịch. Lẽ ra đó mới chính là điểm nối của sự đoàn kết toàn cầu, nhưng hóa ra lúc này các quốc gia giàu có và những công ty dược phẩm lớn lại như đang trong cảnh ngoảnh mặt làm ngơ.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến