37.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeKhácThúc đẩy phát triển thương mại điện tử Việt: ‘Vẽ’ đường cho...

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử Việt: ‘Vẽ’ đường cho mua trước, trả sau ‘chạy’

1216

Mua trước trả sau là hình thức đang thịnh hành khi người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ mà không cần phải thanh toán một lần. Ảnh: T.L.

Mua trước trả sau là hình thức đang thịnh hành khi người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ mà không cần phải thanh toán một lần. Ảnh: T.L.

Tiềm năng song hành thách thức

Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later – BNPL) đang trở thành hình thức thanh toán thịnh hành trong những năm gần đây, khi khách hàng có thể dễ dàng mua sắm mọi hàng hóa mà không phải trả toàn bộ chi phí một lần.

Theo Research and Markets, thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 126 % hàng năm. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước dự báo tăng hơn gấp 21 lần, từ 496 triệu USD năm 2021 lên 10.528 triệu USD năm 2028.

Điểm khác biệt là nếu với các khoản vay trả góp hay vay tín dụng truyền thống, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không có dữ liệu lớn để đánh giá điểm tín dụng của khoản vay, nên yêu cầu người yêu dùng vay tài chính phải cung cấp thêm các giấy tờ chứng minh thu nhập, tài sản. Thì với BNPL dựa vào dữ liệu lớn của các tổ chức cung cấp dịch vụ để chấm điểm khoản vay mà không nhiều loại thủ tục xét duyệt.

Ông Nguyễn An Sơn – Trưởng phòng Phát triển Dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, (Bộ Công Thương) cho biết, đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, việc xuất hiện thêm các hình thức thanh toán mới góp phần làm thị trường thay đổi và sôi động hơn theo hướng phát triển hơn.

Người tiêu dùng ngoài hình thức thanh toán nhận hàng trả tiền (COD), hoặc các hình thức thanh toán thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, thì họ có thêm lựa chọn nữa để thanh toán cho đơn hàng trên thương mại điện tử. Với tốc độ phát triển của thương mại điện tử trên 20%/năm, dư địa phát triển BNPL là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, những thách thức chung của thương mại điện tử nói chung vẫn còn, sẽ ảnh hưởng đến mua trước trả sau ở Việt Nam.

Đầu tiên là tỉ lệ COD tại Việt Nam vẫn còn rất cao, khoảng 73%. Thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau là làm sao chuyển đổi lượng khách hàng này sang hình thức thanh toán phi tiền mặt.

Thách thức thứ hai là BNPL hay các hình thức thanh toán trả góp sẽ phát huy hiệu quả với những đơn hàng có giá trị cao, trên 3 triệu đồng. Tuy nhiên, các đơn hàng trên 3 triệu đồng hiện nay trên thương mại điện tử chỉ chiếm 40-43%. Với số lượng như vậy cũng ảnh hưởng đến quy mô thị trường BNPL.

Thứ ba, hiện nay, một vài hình thức cho vay ngang hàng, có những vụ việc lừa đảo cũng ảnh hưởng đến hình thức thanh toán mới như BNPL.

“Để khắc phục khó khăn nêu trên, vấn đề hàng đầu mà các nhà cung cấp BNPL cần giải quyết là niềm tin của khách hàng. Khi người tiêu dùng đã có niềm tin và các dịch vụ phát triển phù hợp với quy định của nhà nước thì các vấn đề khác sẽ dần được tháo gỡ, khắc phục”, ông Sơn nhấn mạnh.

Gỡ từ cơ chế

Niềm tin của người tiêu dùng sẽ quyết định đến tỷ lệ tham gia BNPL tại Việt Nam. Ảnh: T.L.

Niềm tin của người tiêu dùng sẽ quyết định đến tỷ lệ tham gia BNPL tại Việt Nam. Ảnh: T.L.

Với hình thức mua trước trả sau, ông Lê Văn Dương, Luật sư thành viên công ty Luật Indochine Counsel cho biết, do đây là một mô hình kinh doanh mới nên hành lang pháp lý hiện chưa thể bao phủ. Do đó, giả định giao dịch hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước cần đưa thêm nhiều quy định để bảo vệ thanh toán giữa người mua hàng – người cung cấp dịch vụ – người bán hàng.

“Bởi trong mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống, chỉ diễn ra giữa người mua và người bán, Bộ Luật Dân sự cho phép giao dịch diễn ra lựa chọn hình thức trả chậm. Nhưng hình thức BNPL, có đơn vị thứ 3 tham gia cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng, nên để đảm bảo an toàn thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nên có quy định đảm bảo yêu cầu nền tảng về công nghệ, bảo mật dữ liệu…”, ông Dương cho hay.

Còn theo ông Nguyễn An Sơn, việc chấm điểm công dân rất quan trọng. Khi nguồn dữ liệu càng lớn, không chỉ trong hoạt động tín dụng, mà cả ở những lịch sử mua hàng của chính người tiêu dùng sẽ phần nào đánh giá bức tranh người tiêu dùng đó có uy tín hay không và ra quyết định cho vay khoản tiền đó. Do vậy, hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đang nghiên cứu một vài giải pháp hạ tầng quan trọng để hỗ trợ niềm tin của người tiêu dùng và hỗ trợ gián tiếp BNPL.

“Đầu tiên, chúng tôi đang nghiên cứu Trục thanh toán đảm bảo nhằm giải quyết tranh chấp xảy ra trong một giao dịch thương mại điện tử. Nếu BNPL là đánh giá điểm của người mua thì Trục sẽ đánh giá điểm của người bán. Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ của người bán cung cấp cho người mua không được đảm bảo, khoản tiền đó sẽ được trả lại cho người mua. Khi hệ thống Trục được hoàn thiện và vận hành, kết hợp với các giải pháp thanh toán như BNPL, trong một giao dịch thương mại điện tử thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đánh giá được tín nhiệm của cả người mua và người bán, giúp các giao dịch trở nên an toàn và đáng tin cậy hơn”, ông Sơn cho hay.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để lấy ý kiến. Các bên phát triển dịch vụ fintech đều đang kỳ vọng Nghị định sớm được thông qua để tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến