33.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 16/04/2024

HomeKhác5 năm xây dựng chính sách cho thị trường khởi nghiệp, Việt...

5 năm xây dựng chính sách cho thị trường khởi nghiệp, Việt Nam được gì?

1166

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan. Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan. Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Mở đường từ chính sách

Năm 2016, một quyết định của Chính phủ được xem như mở đường cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, đó là Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, hay còn gọi là Đề án 844.

Sau 5 năm thực hiện, Đề án 844 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới kết nối và nâng cao năng lực cho các chủ thể hệ sinh thái; hỗ trợ các các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Sau Đề án 844, hàng loạt chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp cũng ra đời, liên quan đến việc quản lý tài chính cho Đề án 844; thành lập và có cơ chế, chính sách ưu đãi với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; các đề án hỗ trợ phụ nữ, sinh viên, học sinh khởi nghiệp…

Cùng với chính sách mở đường, Chính phủ Việt Nam hiện đã cụ thể hóa việc hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp bằng việc xây dựng hàng loạt các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF), Cơ quan Quốc gia về Phát triển Công nghệ, Doanh nhân và Thương mại hóa (NATECD), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (NSSC), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (NIC).

Đồng thời, hàng loạt các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam cũng ra đời như Vietnam Venture Summit, Techfest, Festival khởi nghiệp, Startup Wheel, Vietnam Startup Day, Vietnam Innovation Summit, Startup Kite…Đây là những bệ đỡ vô cùng quan trọng giúp cho thị trường Việt Nam có thể phát triển. 

Chính sách len lỏi vào thị trường khởi nghiệp

Chính sách hỗ trợ dần

Chính sách hỗ trợ dần “thấm” cũng là lúc thị trường khởi nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá. Ảnh: T.L.

Nhờ có sự mở đường từ các cơ chế chính sách, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Theo thống kê từ Văn phòng Đề án 844, năm 2021, con số tiếp cận đầu tư của startup Việt Nam đã vượt qua 1,5 tỷ USD, một con số cao kỷ lục đối với một hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 startup, trong đó có 4 startup đạt ngưỡng kỳ lân (giá trị trên 1 tỷ USD), 11 startup có giá trị trên 100 triệu USD, cùng hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đang hoạt động.

Hệ sinh thái khởi nghệp Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore, và được kỳ vọng là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures.

Ông Từ Minh Hiệu, Phó trưởng Phòng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo,Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, sự lên ngôi, phát triển của các công cụ mới, các ứng dụng khoa học kĩ thuật là những lời giải cho sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu và động lực phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn dư địa rất lớn.

Còn ông Lý Đình Quân, Tổng Giám Đốc Trung Tâm Ươm Tạo Khởi Nghiệp Sông Hàn nhận định, trong bối cảnh Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục lan tỏa vào các chính sách vĩ mô, bộ ngành, địa phương,..

Đặc biệt, Đại hội Đảng 13 đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm và quyết sách cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn, mục tiêu 2030 và 2045. Sự chuyển dịch tư duy phát triển và kế hoạch hành động về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có sự chuyển dịch rõ nét, như phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh, logistics,…

Ngoài ra, hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã lan tỏa vào các trường đại học mạnh mẽ, mạng lưới nghiên cứu các nguồn lực tri thức với gần 300 trường đại học, cao đẳng tham gia. Cùng với đó mạng lưới các nhà trí thức và chuyên gia của kiều bào ở hơn 20 quốc gia đã được liên kết, hợp tác. Các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển khởi nghiệp ở các địa phương đã được ban hành cụ thể, dễ dàng triển khai,.. hàng trăm startup đã nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước gần 2 năm qua, báo hiệu cho giai đoạn chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã đi vào cuộc sống ngày càng sâu”, ông Quân cho hay.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến