29.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 24/04/2024

HomeKhácNỗi lo bị thay thế khi ‘người ảo’ có thể làm MC,...

Nỗi lo bị thay thế khi ‘người ảo’ có thể làm MC, chăm sóc khách hàng…, thậm chí trở thành thần tượng

1099

Cui Xiaopan (trái) - nhân viên xuất sắc của công ty bất động sản và Ayayi - thần tượng mới của giới trẻ Trung Quốc đều là những người ảo được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: T.L.

Cui Xiaopan (trái) – nhân viên xuất sắc của công ty bất động sản và Ayayi – thần tượng mới của giới trẻ Trung Quốc đều là những người ảo được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: T.L.

‘Người ảo’ vượt mặt người thật.

Theo SCMP, Cui Xiaopan – chuyên viên thu nợ ảo vừa được vinh danh là nhân viên xuất sắc năm 2021 của Tập đoàn kinh doanh nhà ở lớn thứ ba Trung Quốc China Vance.

Cui Xiaopan được tạo ra bằng AI (trí tuệ nhân tạo) với gương mặt xinh đẹp, có khả năng thu hồi các khoản nợ với tỷ lệ thành công 91,4%.

China Vance hiện có khoảng 140.000 nhân viên, tuy nhiên tham vọng của tập đoàn này là có thể dùng robot và AI để quản lý 40% công việc trong vài năm tới.

Tại Trung Quốc, nơi thị trường phần mềm AI được dự báo sẽ đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2030 (theo IDC), đang phát triển mạnh mẽ một hệ sinh thái người ảo, thay thế cho người thật trong nhiều công việc.

Đặc biệt, các thần tượng ảo như Ayayi, Ling Yuezheng, Angie đang sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên các mạng xã hội và có thể giúp các nhãn hàng quảng bá sản phẩm, thương hiệu không thua kém bất kì người nổi tiếng nào.

a3

Ở Việt Nam, hồi tháng 4/2021, startup Educommerce đã cho ra đời hàng loạt người nhân tạo, như “Miss Thanh Niên” (chuyên viên chăm sóc khách hàng và độc giả của báo Thanh Niên), “Chú Tư Cà Mau” (chuyên viên tư vấn của công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau), “Gumee” (Người mẫu đại diện của Công ty Thời trang Gumac)…

Sam Trương, Founder & CTO Educommerce cho biết, với diện mạo thân thiện, xinh đẹp như con người, người nhân tạo có thể trở thành phiên bản của bất cứ ai, từ nhân viên chăm sóc khách hàng, ca sĩ, đại sứ thương hiệu cho đến MC, diễn viên ảo cho các TVC, MV… để hỗ trợ cho các công ty tăng hiệu suất trong các công việc cũng như các thương hiệu tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.

Thực tế, nhiều thương hiệu toàn cầu như Dior, L’Oréal và Florasis đã phát triển nhiều hơn các thần tượng ảo để phục vụ việc quản bá của mình. Ví dụ như Mr. Ou được L’Oréal xây dựng là một doanh nhân làm đẹp, 24 tuổi, người Pháp gốc Trung và đặc biệt quan tâm đến yếu tố bền vững. 

“Các nhân viên, thần tượng ảo mãi mãi không già đi, có thể làm việc cả ngày lẫn đêm, có thể tùy ý điều chỉnh theo mong muốn của ông chủ, nhãn hàng bất cứ lúc nào để phù hợp với từng loại công việc khác nhau nên sẽ dần được các nhãn hàng ưa chuộng thay vì phải mất rất nhiều tiền thuê KOL như hiện giờ”, một chuyên marketing cho hay.

Nỗi lo bị thế chỗ

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc trong 5-7 năm tới, sẽ có khoảng 70% trong số 2,7 triệu công nhân may, hơn 1,7 triệu công nhân giày da và gần 1 triệu công nhân liên quan đến lĩnh vực lắp ghép điện tử… mất việc do các công ty tăng sử dụng người máy tại các công đoạn có tính chất lặp đi lặp lại.

Mặc dù nhận định này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, nhưng không thể phủ nhận việc người máy đang ngày càng hoàn thiện chức năng và tham gia nhiều hơn vào công việc trong đời sống.

Theo Wired, năm 2021, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhà máy dập kim loại hơn 100 năm tuổi ở Chicago là Polar Manufacturing đã thuê nhân viên robot đầu tiên, để thực hiện công việc lặp đi lặp lại là uốn miếng kim loại trên máy ép. Giá thuê robot là 8 USD/giờ làm việc, trong khi mức lương tối thiểu của nhân viên là 15 USD/giờ.

Tuy vậy, Polar cho biết sẽ không thay thế bất kỳ ai trong số 70 nhân viên, vì với sự trợ giúp của robot, nhân viên có thể thực hiện thêm nhiều công việc khác giúp tăng sản lượng mà không cần thuê thêm nhân công mới.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy do đại dịch Covid-19, nỗi lo về việc thiếu hụt lao động càng tăng lên, buộc các công ty tăng mua/thuê máy móc để dần thay thế một số công việc của con người. 

Hiệp hội Tự động hóa Tiến bộ (A3) cho biết, các công ty đã đặt hàng gần 29.000 đơn vị robot trong chín tháng đầu năm 2021. Còn Liên đoàn Người máy Quốc tế (IFR) cũng dự đoán số lượng robot công nghiệp được cho thuê hoặc dựa vào phần mềm đăng ký sẽ tăng từ 4.442 (năm 2016) lên 1,3 triệu (năm 2026).

Robot đang tham gia nhiều hơn vào các công việc trong đời sống, xã hội. Ảnh: T.L.

Robot đang tham gia nhiều hơn vào các công việc trong đời sống, xã hội. Ảnh: T.L.

Thực tế, Sam Trương, Founder & CTO Educommerce cũng cho biết, các nhân sự ảo sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong quá trình làm việc. Ví dụ, khi họ là tổng đài viên tiếp nhận thông tin, với những thông tin cơ bản, các nhân sự ảo sẽ thay thế tư vấn viên giải đáp thắc mắc cho khách hàng, bằng hệ thống kiến thức đã được tích hợp. Tuy nhiên với những câu hỏi khó hơn, các trợ lý ảo sẽ phân loại và chuyển đến nhân viên tư vấn, đồng thời khi nhân viên tư vấn muốn quản lý, truy vấn thông tin cũng có thể dễ dàng thực hiện nhờ các trợ lý ảo.

Còn theo PGS.TS Võ Đại Lược, việc máy móc có thể thay thế con người hay không, lỗi không phải ở máy móc mà ở việc có thể đào tạo lao động có kỹ năng điều hành máy móc hay không. Robot thay thế con người nhưng ở mỗi ngành, mỗi nước sẽ có mức độ khác nhau bởi lẽ robot không phải lao động đại trà và xu hướng khách hàng sẽ muốn có những sản phẩm tinh xảo, mang tính cá nhân hóa, trong khi khả năng robot có thể tạo ra những sản phẩm như thợ lành nghề hay không vẫn chưa rõ.

Vì vậy, vấn đề của Việt Nam là phải tạo ra những lao động có kỹ năng lành nghề thay vì là những công nhân với kĩ năng cơ bản, chỉ có thể tham gia vào các khâu sản xuất có giá trị gia tăng thấp.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến