27.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeKinh DoanhGiá cà phê 'bạo phát, bạo tàn'

Giá cà phê ‘bạo phát, bạo tàn’

1092

Giá cà phê ‘bạo phát, bạo tàn’

Giá cà phê ‘bạo phát, bạo tàn’

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá cà phê tăng, người trồng và các chủ vựa chưa kịp mừng được bao lâu thì trên cả hai sàn phái sinh, cà phê lại đua nhau giảm giá mạnh trong tuần qua. 

09b0f ca phe
Giá cà phê giảm trên cả hai sàn arabica và robusta – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh

Thị trường cà phê có một tuần chao đảo, giá giảm nhanh làm nhà vườn quá đỗi bất ngờ và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không kịp trở tay.

Tính đến hết ngày 5-3-2021, là ngày thứ sáu liên tiếp giá giảm trên cả hai sàn arabica và robusta – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu.

Từ đỉnh 1.484 đô la Mỹ/tấn giao dịch cơ sở tháng 5-2021 lập ngày 26-2, giá chạy “một lèo” không phanh xuống 1.375 để đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.381 đô la Mỹ/tấn. Sàn arabica New York cũng không vừa. Cả tuần sàn này mất đứt 8,65 cts/lb tương đương với âm 190 đô la/tấn chốt tại 128,85 cts/lb sau khi chạm và bỏ đỉnh cao nhất tính hơn một năm nay là 140,45 cts/lb.

“Lần này đúng là ‘bạo phát, bạo tàn’ thường rất ít gặp trên các sàn cà phê trong thời gian gần đây”, chị Hà – một chủ vựa cà phê tại tỉnh Gia Lai nói. Theo chủ vựa này, giá cà phê trên sàn phái sinh rớt mạnh có thể do nhiều doanh nghiệp thấy giá lên cao trên sàn, gặp phải lúc mới quay lại mua bán sau Tết Nguyên đán, nên chốt giá mạnh khi giá bắt đầu chạm khu vực 1.450 trở lên.

Riêng phía nhà vườn, giá mất quanh 100 đô la/tấn sau vài ngày làm “bọn tôi ngạc nhiên lắm, nhưng không phải vì giá, mà chưa hiểu nỗi vì sao năm mất mùa giá cũng rớt kỳ lạ đến thế,” ông Tương, người có 2 mẫu cà phê tại Đắk Nông nói vậy.

Rủi ro được mất trong mua bán cà phê

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết thường trong các năm trước, mỗi khi giá sàn phái sinh tăng mạnh là thị trường rất nhộn nhịp. Nhưng trường hợp đó không xảy ra trong năm nay. Khâu vận chuyển cà phê ra nước ngoài khó khăn đã làm đầy các kho của người mua cả trong nước lẫn nhập khẩu. Nếu nhộn nhịp chăng, chỉ là công việc chốt giá cho những hợp đồng hàng gởi kho. Còn hàng mua bán trao tay không mấy. Do hàng ứ hự trong kho không chở ra nước ngoài được, người mua tha hồ kêu giá.

“Khi giá phái sinh trong tuần kết thúc ngày 26-2 tăng đột biến, giá mua xuất khẩu từ +70 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) bị kéo xuống còn +30 đô la và thậm chí thấp hơn. “Chưa bao giờ mà công việc canh giá đầu vào và đầu ra khó như mùa kinh doanh hiện nay. Giá trên sàn nhảy nhót đã đành, giá xuất khẩu tính trên chênh lệch cộng/trừ so với giá niêm yết của sàn cũng “đòi học nhảy”. Nếu như đỉnh cao mùa này, giá xuất khẩu +150 đô la cao hơn giá London, thì có lúc chỉ còn bằng giá sàn và nay lục tục cộng mạnh lên lại, chị Hà cho biết.

Điều đó cho thấy khâu vận chuyển không thông gây nên bao nhiêu ách tắc và rủi ro cho nhà vườn, kể cả nhà xuất khẩu vì độ chênh lệch giá trong giao dịch rất cao nhưng chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn.

Chính vì vậy, nếu mua cà phê vào để đầu tư lâu dài, với cơ chế giá hiện nay, cả hàng thực lẫn hàng giấy đều không cho phép vì được mất trong kinh doanh nhanh như trở bàn tay, quá rủi ro.

Giá cả đã loạn xạ, “mặt trận” thông tin thị trường cũng nhiều điều bất nhất. Rất nhiều doanh nghiệp dự báo Brazil năm nay mất mùa nhưng giá vẫn cứ lên xuống như không chịu “chấp nhận” theo chiều lên theo lẽ thường “mất mùa giá tăng”. Tổng hợp nhiều dự báo sản lượng cà phê năm nay của Brazil chừng từ 50-55 triệu bao (bao=60 ki-lô-gam) so với 2020 là 65-67 triệu bao. Cũng ngày 5-3, khi công ty môi giới Marex Spectron (Anh quốc) ước năm nay thế giới thiếu hụt đến 10,7 triệu bao (do Brazil mất mùa), giá rớt cứ rớt.

Đối với một số nhà vườn cà phê tại Tây Nguyên, họ cũng báo mất mùa chừng từ 15%-30%. Nhưng theo ông Tương, “giá rớt nhanh e vì một lý do nào khác. Riêng nhận xét của tôi, giá xăng dầu, phân bón, lương thực đều tăng cả… nếu giá cà phê không tăng, thì cà phê các năm tới có nhiều đâu mà uống”.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/314324/gia-ca-phe-bao-phat-bao-tan.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến