28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 19/04/2024

HomeKinh DoanhGiải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững

1132

Tại Lễ vinh danh Doanh nhân xuất sắc 2022 trong khuôn khổ Chương trình công bố và vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022, Doanh nhân Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.

Được biết, Tân Long đang liên kết với nông dân triển khai chuỗi giá trị lúa gạo, hình thành những cánh đồng lớn. Xin ông cho biết về chuỗi liên kết lúa gạo của Tân Long?

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động xây dựng tại các tỉnh Đông bằng sông Cửu Long bắt đầu từ năm 2011. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào triển khai thì đến nay vẫn còn gặp nhiều bất cập như: quy mô còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác tiên tiến chưa được áp dụng đồng bộ, chuỗi liên kết lỏng lẻo dẫn đến đôi bên không thực hiện đúng các cam kết ban đầu, vai trò của hợp tác xã chưa được phát huy tối đa…

Xuất phát từ những hạn chế này nên chuỗi giá trị lúa gạo mà Tân Long đang triển khai rất khác so với các chuỗi lúa gạo – cánh đồng lớn của các doanh nghiệp khác; liên kết sâu hơn, chặt chẽ hơn và toàn diện hơn. Chúng tôi không bao tiêu theo phương thức đến ngày nông dân gặt thì mới đến cân mua cho từng hộ. Ngược lại, Tân Long tham gia ngay từ đầu và tham gia vào toàn bộ quá trình.

Sẽ không có tình trạng bỏ không thu mua lúa hay thu mua không đúng như cam kết ban đầu, phải luôn đảm bảo được thu nhập cho nông dân và cho HTX vận hành. Về lâu dài, Tân Long hướng đến việc tham gia sâu vào HTX để trở thành một thành viên, một cổ đông của HTX. Từ đó có thể đóng góp vốn để tham gia vận hành các hoạt động của HTX như mua vật tư nông nghiệp với chi phí rẻ hơn và toàn bộ chiết khấu từ mua vật tư giá thấp hơn đều dành để đưa lại cho nông dân thông qua HTX.

Tuy nhiên đây là một quá trình và chúng tôi sẽ thực hiện từng bước để hình thành nên một mối liên kết ngày càng bền chắc, HTX – nông dân và doanh nghiệp đều có niềm tin ở nhau, cùng nhau chia sẻ, cộng hưởng và cùng nhau tạo nên giá trị.

Vậy nông dân trong mô hình liên kết của Tân Long có vai trò như thế nào và hiệu quả về mặt kinh tế đối với mô hình này cũng như thu nhập của nông dân ra sao, thưa ông?

Cánh đồng lớn thực sự phải là cánh đồng mà người dân có ruộng tham gia hợp tác xã dưới dạng góp quyền sử dụng mảnh ruộng cho hợp tác xã. Nông dân vừa là cổ đông trong hợp tác xã, vừa là lao động làm thuê cho hợp tác xã. Khi đó cánh đồng thuộc quyền của một chủ thể duy nhất – đó là hợp tác xã, chứ không phải của nghìn chủ thể nông dân nữa.

Trong mô hình liên kết với Tân Long, nông dân sẽ được chia cổ tức bởi hợp tác xã, họ trở thành lao động trong hợp tác xã, tức là không phải là cày cấy trên mảnh ruộng của họ, mà làm việc theo sự phân công của hợp tác xã.

Có người lo ngại rằng khi nông dân không tự canh tác trên thửa ruộng của họ thì năng suất thấp. Nhưng không cần lo ngại điều đó, vì chúng tôi đầu tư để đưa máy móc vào canh tác, giải phóng sức lao động của nông dân trên những cánh đồng lớn. Tất cả các khâu từ cày bừa, làm đất, san phẳng mặt ruộng, gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… đều cơ giới hóa và có sự theo sát của kỹ sư nông nghiệp.

Doanh nhân Trương Sỹ Bá (người đứng giữa) nhận giải thưởng doanh nhân xuất sắc tại Lễ công bố và vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022.
Doanh nhân Trương Sỹ Bá (người đứng giữa) nhận giải thưởng doanh nhân xuất sắc tại Lễ công bố và vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022.

Nhờ chuỗi liên kết này, chúng tôi tạo ra sản phẩm đạt chuẩn khe khắt về chất lượng. Tân Long đang ở những bước đầu của quá trình liên kết nên chưa có những con số cụ thể về kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi cam kết đảm bảo thu nhập chí ít cũng phải bằng so với trước đây hoặc là cao hơn. Nếu sản xuất mô hình đem lại hiệu quả kinh tế thấp hơn, thì Tập đoàn Tân Long sẽ bù cho nông dân. Ngoài ra, tham gia vào mô hình hợp tác xã kiểu mới, sức lao động tay chân mà nông dân phải bỏ ra ít hơn và có thể tận dụng thời gian đó thể tham gia sản xuất, tăng thu nhập bằng các công việc khác.

Tân Long đang phát triển thương hiệu gạo A An, phục vụ chủ yếu là thị trường nội địa.Vậy theo ông, tiêu thụ gạo ở thị trường trong nước có những đặc điểm nào khác, thuận lợi và khó khăn nào khác so với xuất khẩu?

Gạo đóng túi có nhãn mác, thương hiệu tại thị trường nội địa hiện nay chỉ chiếm sản lượng khoảng 2 triệu tấn trong số 16 – 17 triệu tấn gạo tiêu dùng hàng năm của của nước, tương đương với tỷ lệ chỉ khoảng 12%. Nếu bàn về câu chuyện chất lượng thì con số này đang rất khiêm tốn. Chưa kể, gạo nội địa còn có một “nỗi đau” loạn thị trường: loạn chủng loại, loạn nhãn mác dẫn đến tình trạng người tiêu dùng đôi khi mua gạo tại nơi mình tin tưởng nhưng vẫn chưa chắc đã mua được đúng loại gạo ngon, gạo sạch. Đó là câu chuyện thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên người tiêu dùng hiện nay cũng đang dần chú ý hơn đến việc lựa chọn một sản phẩm uy tín, đảm bảo sức khỏe, nhất là trong vấn đề ăn uống.

Một vấn đề khác liên quan đến chính sách của ngành lúa gạo mà Tân Long và nhiều doanh nghiệp làm lúa gạo khác đang phải đối mặt, đó là chính sách thuế VAT 5% đối với gạo đóng túi, có nhãn mác bán ở thị trường trong nước trong khi xuất khẩu gạo không phải chịu thuế hoặc tư thương, hộ kinh doanh cá thể bán gạo sẽ được miễn VAT và chỉ phải nộp thuế khoán.

Không chỉ riêng Tân Long mà các doanh nghiệp nói chung muốn làm gạo sạch bài bản thì phải bắt đầu từ cánh đồng lớn, từ liên kết chuỗi với nông dân. Quá trình này quả thực nhiều rào cản và bất cập như tôi đã đề cập ở trên, cộng với chính sách thuế hiện tại nên doanh nghiệp làm gạo trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Được biết, ông cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của BaF Việt Nam – một công ty phát triển mảng chăn nuôi với kế hoạch đầy tham vọng. Xin ông  chia sẻ về dự án này?

Tại Việt Nam, trong tổng đàn lợn 30 – 35 triệu con thì tỷ trọng các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 50%. Bước vào lĩnh vực chăn nuôi thông qua việc thành lập và phát triển công ty BaF, chúng tôi cũng xác định sẽ làm quyết liệt với nhiều mục tiêu và khát vọng. Đó là trở thành một doanh nghiệp chăn nuôi xứng tầm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng thành công một thương hiệu thịt heo sạch của người Việt Nam mà người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm, hoàn toàn tin tưởng khi lựa chọn thực phẩm hàng ngày.

Cũng bắt đầu từ mục tiêu lớn này mà BaF xác định xây dựng chuỗi 3F (Feed – Farm – Food) là con đường tất yếu để công ty hoàn toàn chủ động và kiểm soát được các yếu tố từ giống, nguồn thức ăn, trang trại đến nhà máy chế biến thịt thành phẩm. Có thể hình dung bức tranh chăn nuôi đầu tiên là Feed đến Farm, bây giờ doanh nghiệp nào có Feed, có Farm thì tồn tại; doanh nghiệp nào chỉ làm Feed đang dần thoái trào. Dự đoán 10 năm nữa Feed và Farm vẫn tồn tại tốt. Tuy nhiên nếu cung vượt cầu, cạnh tranh heo hơi sẽ rất khó khăn. câu chuyện cạnh tranh sẽ nằm ở yếu tố Food.

Hiện nay BaF vẫn bán một phần heo hơi ra ngoài nhưng tương lai sẽ giết mổ hoàn toàn để phân phối trong hệ thống chuỗi cửa hàng SibaFood và các điểm bán thịt mô hình xe đẩy Meat shop theo mô hình mẹ – con. Cứ mỗi cửa hàng SibaFood sẽ có 4 – 5 điểm bán thịt vệ tinh là Meat Shop, được phân bố ở những điểm đông dân cư và di chuyển thuận lợi với đông đảo người tiêu dùng.

Còn một điểm hoàn toàn khác biệt khác của thịt heo BaF, đó là nguồn thức ăn dinh dưỡng mà BaF sử dụng trong chăn nuôi. Không chỉ kiểm soát được thành phần thức ăn chăn nuôi đầu vào mà chính đội ngũ chuyên gia đã nghiên cứu công thức dinh dưỡng chứa 100% thành phần từ thực vật, nghĩa là cám chay hay heo chỉ “ăn chay”; được sản xuất và cung cấp độc quyền cho heo BaF chứ không bán thương mại ra thị trường. Điều đó giúp chúng tôi tự tin giới thiệu sản phẩm thịt heo sạch mang thương hiệu BaF đến phục vụ cho người tiêu dùng.

Xin cám ơn ông!

 

Doanh nhân Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tân Long – một trong những Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Hơn 20 năm đi cùng sứ mệnh “Tỏa sáng cùng Nông nghiệp Việt”, doanh nhân Trương Sỹ Bá đã chèo lái con tàu Tân Long cập bến nhiều thành tích ấn tượng: Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Á, EU, Mỹ; trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa thương hiệu gạo A An tiến vào Nhật Bản, xuất hiện trong bữa trưa phục vụ cho văn phòng nội các Nhật Bản và một số thị trường khó tính khác như Thụy Điển, Đức.

Năm 2021, Doanh nhân Trương Sỹ Bá chính thức tiếp quản đội bóng Sông Lam Nghệ. Đầu năm 2022, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam – Top 5 công ty chăn nuôi heo trong nước hiện nay.

 

#box1665655856683{background-color:#9effda}

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến