31.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeKinh DoanhGiáo sư phát triển vaccine AstraZeneca trở thành hình mẫu cho trẻ...

Giáo sư phát triển vaccine AstraZeneca trở thành hình mẫu cho trẻ em

1180

Hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Mattel Inc. vừa ra mắt phiên bản mới búp bê Barbie từ hình mẫu Giáo sư Sarah Gilbert, để vinh danh nhà khoa học đồng sáng chế vaccine Covid-19 Oxford/AstraZeneca, người trước đó đã vinh dự được Hoàng gia Anh phong tước hiệu Quý bà và được tôn vinh khi tham dự trận khai mạc giải đấu quần vợt Wimbledon. Cả khán đài khi đó đã đứng dậy vỗ tay cảm ơn người mẹ vĩ đại 3 con có mặt trong Royal Box, vì những cống hiến to lớn cho khoa học và y đức.

NHÀ KHOA HỌC “GIÀU CÓ”

Nhà sản xuất dòng búp bê Barbie là Mattel Inc. đã xác nhận 6 mẫu búp bê mới được chế tác theo những “nhân vật tiêu biểu”. Ngoài Giáo sư Sarah Gilbert, 5 phụ nữ còn lại cùng được vinh danh với dòng sản phẩm búp bê Barbie  lần này đều trong lĩnh vực y học.

Giáo sư Sarah Gilbert
Giáo sư Sarah Gilbert

Đó là: y tá phòng cấp cứu Amy O’Sullivan, người đã điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại bệnh viện Wycoff ở Brooklyn ở New York, Mỹ; Tiến sỹ Audrey Cruz, nhân viên tuyến đầu, người đã đấu tranh chống phân biệt chủng tộc cùng với các nhân viên chăm sóc sức khỏe người Mỹ gốc Á khác; Tiến sỹ Chika Stacy Oriuwa, bác sĩ tâm thần người Canada đã chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; Tiến sỹ Jaqueline Goes de Jesus, nhà nghiên cứu y sinh người Brazil, đi đầu trong việc giải trình tự gene của một biến thể virus SARS-CoV-2 tại Brazil; và Tiến sỹ Kirby White, người phát triển áo choàng phẫu thuật có thể tái sử dụng trong đại dịch.

Trước đây, hãng Mattel Inc. đã cho ra mắt một số mẫu búp bê Barbie mô phỏng hình dáng của một số người nổi tiếng trên thế giới như ca sĩ Beyoncé, diễn viên Marilyn Monroe và cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt… Theo CNN, hình mẫu búp bê của Giáo sư Gilbert mang mái tóc màu nâu vàng, cặp kính viền đen quá khổ, cùng bộ suit màu xanh navy và áo sơ mi màu trắng.

Về phần mình, nhà khoa học Sarah Gilbert bày tỏ hy vọng mẫu búp bê Barbie này sẽ khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em và giúp thế hệ mầm non nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đối với thế giới xung quanh. Bà cũng mong muốn mẫu đồ chơi này sẽ giúp trẻ em hiểu thêm về những ngành nghề mà có thể chúng chưa biết đến như nghiên cứu vaccine.

Bà Gilber từng trả lời báo The Star (Malaysia) rằng: “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine”.

Báo The Guardian (Anh), ngày 26/8 đưa tin Giáo sư Sarah Gilbert được định mức lương hơn 20 triệu bảng Anh khi công ty công nghệ sinh học do bà đồng sáng lập chuẩn bị có mặt trên thị trường chứng khoán ở Mỹ. Bà Gilbert, sở hữu 5,2% cổ phần của Vaccitech, một công ty con của Đại học Oxford sở hữu công nghệ sinh học đằng sau vaccine AstraZeneca và những loại thuốc khác dành cho Mers, viêm gan B, virus gây bệnh zona và một loạt bệnh ung thư.

MỘT BÀ MẸ 3 CON CHĂM CHỈ

Vào tháng 1/2020, nhóm của nhà khoa học Gilbert tại Viện Oxford’s Jenner đang chế tạo vaccine virus Ebola. Nhưng tâm trí của Gilbert lúc đó – và của hầu hết mọi người trong cộng đồng vaccine – đều hướng về loại coronavirus mới đang lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc. Một ngày sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của Covid-19, Gilbert đã hướng dẫn nhóm của mình quay sang nghiên cứu vaccine coronavirus.

 
Ngay từ đầu, chúng tôi coi đây là một cuộc chạy đua với virus chứ không phải một cuộc chạy đua với các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền.

– Giáo sư Sarah Gilbert –

Người phụ nữ 59 tuổi này là người làm việc chăm chỉ nhất trong nhóm. Báo thức của bà ấy luôn kêu lên vào lúc 4 giờ sáng và bà làm việc từ lúc đó cho đến tối muộn. “Đó là công việc khó khăn và hiện tại vẫn vậy, nhưng đó là sự khó khăn để làm một điều gì đó thực sự quan trọng,” – nhà khoa học Glibert từng chia sẻ với tờ Observer (Anh). “Chúng tôi có một số lượng lớn những người đã làm việc thực sự, thực sự chăm chỉ trong rất nhiều giờ, ngày này qua ngày khác. Liên tục không ngừng. Nhưng chúng tôi biết điều đó có thể giúp ích rất nhiều người nên đã cùng nhau nỗ lực”.

Quả thật, mọi khó khăn đã được đền đáp. Vaccine đã phát huy tác dụng. Bà Gilbert và trường đại học Oxford đã hợp tác với hãng dược AstraZeneca để sản xuất vaccine trên quy mô lớn, với điều kiện vaccine sẽ được bán trên cơ sở phi lợi nhuận. “Ngay từ đầu, chúng tôi coi đây là một cuộc chạy đua với virus chứ không phải một cuộc chạy đua với các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi là trường đại học và chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền,” hãng tin BBC (Anh) dẫn lời bà Gilbert.

Hiện vaccine AstraZeneca có giá chưa đến 3 USD/liều, trong khi giá của vaccine Sinopharm là khoảng 16 USD/liều hay Moderna khoảng 23 USD/liều tại châu Âu.

Bà Gilbert sinh tại Northamptonshire. Cha bà làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giày và mẹ là giáo viên tiếng Anh. Bà lấy bằng cử nhân ngành sinh học tại Đại học East Anglia rồi tiếp tục học tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull. Lúc đó, bà nhận ra rằng mình không thích chuyên ngành đã chọn và có ý định từ bỏ. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục theo đuổi việc học của mình. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, bà làm việc tại trung tâm nghiên cứu bia và tập trung vào cách kiểm soát men bia rồi mới chuyển sang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ con người.

Một ngày sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của Covid-19, Gilbert đã hướng dẫn nhóm của mình quay sang nghiên cứu vaccine coronavirus.
Một ngày sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của Covid-19, Gilbert đã hướng dẫn nhóm của mình quay sang nghiên cứu vaccine coronavirus.

Bà Gilbert chưa từng có ý định trở thành một chuyên gia về vaccine. Tuy vậy, vào năm 1994, bà đã đến Đại học Oxford để làm việc với giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner về nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét. Bà Gilbert nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu vaccine thử nghiệm, bắt đầu với loại vaccine kích thích tế bào bạch cầu để chống lại bệnh sốt rét, sau đó là vaccine cúm “phổ thông”.

Sự nghiệp khoa học của Gilbert gián đoạn vào năm 1998, khi bà sinh ba con, 2 gái và một trai. “Tiền đưa chúng đi nhà trẻ còn nhiều hơn thu nhập của tôi lúc đó,” bà Gilbert chia sẻ. Sau đó, chồng bà, nhà khoa học Rob Blundell, đã hy sinh sự nghiệp để ở nhà chăm sóc con cái. Các con của bà Gilbert mới đây cũng thể hiện sự ủng hộ mẹ bằng cách tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine Oxford/AstraZeneca.

Hiện các con của bà Gilber đều chọn ngành hóa sinh. Hai con gái là Caitlin và Susannah, theo học tại Oxford và con trai bà, Freddie, là sinh viên Đại học Bath.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến