37.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Hai, 27/05/2024

HomeKinh DoanhHỗ trợ cho doanh nghiệp sau dịch: cần chính sách sát thực...

Hỗ trợ cho doanh nghiệp sau dịch: cần chính sách sát thực tế hơn

1121

Hỗ trợ cho doanh nghiệp sau dịch: cần chính sách sát thực tế hơn

Hỗ trợ cho doanh nghiệp sau dịch: cần chính sách sát thực tế hơn

T.H

(TBKTSG Online) – Theo một số chuyên gia kinh tế, định hướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đưa ra khá phù hợp. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, mức độ hỗ trợ còn nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp. Chính sách miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí không nhiều, một số điều kiện hỗ trợ chưa sát thực tế và thủ tục giải ngân phức tạp.

Đại dịch COVID-19 xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động nặng nề, hàng loạt giải pháp của Chính phủ đưa ra như giảm lãi suất cho vay, chính sách gia hạn 4-5 tháng nộp các khoản thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tiền hưu trí.

b3206 detmay quochung
Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Hùng

Số liệu đưa ra tại buổi toạ đàm “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19?” tổ chức  ngày 9-6 cho thấy, có khoảng 26.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền Phong dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chính sách hỗ trợ cần đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chẳng hạn như giảm giá điện đồng loạt hay tiền thuê đất mà không có tiêu chí phân loại rõ ràng sẽ làm kém hiệu quả.

Đối với nhóm doanh nghiệp không hoạt động, không phát sinh doanh thu, các chính sách thuế đối với họ là vô nghĩa. Vì vậy, cần khoanh hoặc ngưng các chi phí tài chính như khoanh nợ, lãi, tiền thuê đất cho đến khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới tính đến các biện pháp kích thích tín dụng, kích thích vay nợ đối với họ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Mức độ hỗ trợ của các chính sách quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp. Chính sách miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí quá ít. Giải pháp hỗ trợ manh mún, một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế.

Trước thực trạng trên, ông Cung bày tỏ kỳ vọng, cơ quan chức năng có thêm các chính sách khác nhằm hỗ trợ DN như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Ông Cung cũng đề xuất giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sau hơn một tháng triển khai gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa có khoản vay nào được giải ngân.

Theo Người lao Động, trong khi ngân hàng sẵn sàng cho vay thì khâu xét duyệt hồ sơ gặp trở ngại, cùng với những bất cập trong điều kiện cho vay khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết vấn đề không nằm ở nguồn tiền bởi NHNN đã chuẩn bị sẵn gói trợ cấp này. Vướng mắc nếu có là ở khâu thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để chứng minh và nhu cầu của doanh nghiệp.

Câu trả lời từ các doanh nghiệp cho thấy, vấn đề nằm ở khâu thủ tục, điều kiện cho vay cùng những bất cập trong chính sách cho vay. Theo họ, hạn mức cho vay ưu đãi quá thấp, thời hạn vay ngắn lại tốn thời gian làm thủ tục nên họ tự đi mượn tiền để xoay xở.

Tiền Phong dẫn lời bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều của dịch COVID-19. Theo bà Hạnh, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt. Tuy nhiên, thực tế, với các doanh nghiệp trong Vinatex, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động mất việc lại không áp dụng được.

Theo quy định, để được nhận gói hỗ trợ này, các doanh nghiệp bị vướng ở điều kiện quy định phải có số lao động bị mất việc làm tới 50%. Trong khi các doanh nghiệp thuộc Vinatex, nếu để mất việc làm tới 50% đồng nghĩa với việc phá sản.

    

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/304596/ho-tro-cho-doanh-nghiep-sau-dich-can-chinh-sach-sat-thuc-te-hon.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến