33 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeKinh DoanhLong An muốn chuyển nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu...

Long An muốn chuyển nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị

1097

Long An muốn chuyển nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị

Long An muốn chuyển nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – UBND tỉnh Long An muốn các bộ, ngành và Chính phủ ủng hộ chuyển đổi dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (tại huyện Thạnh Hóa), một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, sang thực hiện dự án khu đô thị.

 

4777e phuongnam baonhandan
Nhà máy Bột giấy Phương Nam “trùm mền” gần mười năm qua, để lại khối nợ hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: nhandan.org.vn

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Hồ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa – địa phương nơi đặt dự án nhà máy bột giấy Phương Nam – xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về việc chuyển đổi dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam sang thực hiện dự án khu đô thị. “Nhưng, đây mới chỉ là đề xuất miệng thôi, chứ không phải đề xuất bằng văn bản”, bà Lan cho biết.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An xác nhận với TBKTSG Online, ông đã có trao đổi đề xuất với Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về việc chuyển dự án nhà máy bột giấy Phương Nam sang thực hiện dự án khu đô thị. Tuy nhiên, văn bản chính thức thì chưa được địa phương này gửi đi.

Lý do đề xuất chuyển đổi sang dự án khu đô thị, theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, nếu tiếp tục thực hiện dự án sản xuất bột giấy sẽ tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có thể làm “chết” dòng sông Vàm Cỏ. “Nói gì nói, chứ làm sao kiểm soát hết ô nhiễm, cho nên, mình đề xuất thôi (đề xuất chuyển sang dự án khu đô thị – PV)”, bà Hồ Thị Ngọc Lan nói, nhưng cho rằng, chưa có bất cứ một kết luận nào về việc này.

Theo bà Lan, đã có một nhà đầu tư là Công ty TNHH An Thịnh Bến Lức xin UBND tỉnh khảo sát quy hoạch lại tỷ lệ 1/5.000 toàn bộ khoảng hơn 3.000 héc ta diện tích của xã Thuận Nghĩa Hoà (huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An), chứ không riêng phần diện tích của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

“UBND tỉnh đã cho chủ trương khảo sát quy hoạch khu công nghiệp đô thị”, bà Lan nói và tái nhấn mạnh, hiện chỉ mới khảo sát để lập đề cương, nhiệm vụ quy hoạch… rồi mới trình Sở Xây dựng. “Nói chung, thủ tục còn rất dài và ban đầu tỉnh đã cho chủ trương đơn vị này khảo sát”, bà Lan cho biết.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam được Thủ tướng đồng ý cho Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư vào tháng 10-2003 với tổng vốn hơn 1.487 tỉ đồng, quy mô sản xuất 100.000 tấn bột giấy mỗi năm.

Đến tháng 11-2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách cấp 69,486 tỉ đồng, vay nước ngoài hơn 1.322 tỉ đồng, vay ngân hàng thương mại 28,252 tỉ đồng, vay Công ty Tài chính dầu khí hơn 845 tỉ đồng và vốn tự có 21,519 tỉ đồng.

Đến tháng 6-2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam từ Tracodi sang Tổng công ty giấy Việt Nam (Vinapaco) do Tracodi gặp một số khó khăn. Tổng vốn đã được Tracodi đầu tư vào dự án là hơn 2.000 tỉ đồng.

Đến tháng 6-2012, Vinapaco đã cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải, nhưng khi vận hành có tải không thành công. Sau đó, Vinapaco đã nâng tổng mức đầu tư của dự án lên gần 3.410 tỉ đồng, nhưng dự án vẫn không thể vận hành.

Sau nhiều lần Vinapaco tháo gỡ khó khăn bất thành, Bộ Công Thương đã có đề xuất và Chính phủ đồng ý cho dừng dự án vào năm 2014 và giao đơn vị này xây dựng phương án xử lý như: thanh lý, nhượng bán…, nhưng đến nay dự án vẫn “trùm mền”.

Trước đó, vào ngày 25-12-2020, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, đã chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo.

Tham dự phiên họp có các thành viên của Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty liên quan.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, thời hạn phải hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án là tới hết năm 2020 (trường hợp phải kéo dài, không quá nửa đầu năm 2021).

Đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đề xuất phương án mới, khả thi hơn phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang được nghiên cứu.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/td/312353/-long-an-muon-chuyen-nha-may-bot-giay-phuong-nam-thanh-khu-do-thi.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến