28.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 20/04/2024

HomeKinh DoanhPhần mềm học trực tuyến mạnh ai nấy dùng

Phần mềm học trực tuyến mạnh ai nấy dùng

1066

Phần mềm học trực tuyến mạnh ai nấy dùng

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Từ nguy cơ bảo mật của ứng dụng Zoom mà Cục An toàn thông tin vừa cảnh báo, có thể nhìn thấy rằng việc học trực tuyến thời gian qua vẫn mang tính chất “mạnh ai nấy lo”. Thầy cô giáo đang tự mày mò tìm phần mềm học trực tuyến thích hợp hoặc dựa theo hướng dẫn của một số trang tin công nghệ.

9b963 vnapotaltamdungdentruongnhungkhongdungviechoc
Hình thức học trực tuyến đang được triển khai ở nhà trường với nhiều phần mềm, giải pháp công nghệ… khác nhau. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Hàng ngoại vẫn đang chiếm ưu thế

Từ ngày học sinh không tới trường do phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, các trường học chuyển qua hình thức dạy học trực tuyến (học online) với nhiều phần mềm học trực tuyến khác nhau. Trong số các phần mềm học trực tuyến, ứng dụng được các thầy cô giáo cấp tiểu học, trung học… chọn dùng nhiều nhất vẫn là Zoom (Zoom Cloud Meeting); kế đến là Microsoft Team, Skype, Google Classroom…

Trên thị trường, hiện tại có nhiều phần mềm, nền tảng học trực tuyến với hình thức sử dụng khác nhau; có những phần mềm chủ yếu cung cấp kênh giao tiếp video giữa giáo viên và học sinh, sinh viên. Nhưng cũng có những nền tảng học trực tuyến phát triển kênh giao tiếp video để thầy trò tương tác, chia sẻ tài liệu học tập với nhau; cũng như khởi tạo ra các bài giảng để người học chọn bài theo từng cấp lớp học.

TBKTSG Online ghi nhận hiện đang có những nền tảng học trực tuyến phổ biến như VNPT Elearning, Viettel Study, VioEdu… tích hợp các bài giảng, bài thi, kênh giao tiếp trực tuyến… nhưng cũng có những phần mềm chủ yếu cung cấp kênh giao tiếp video cùng một số tính năng hỗ trợ cơ bản như Zoom, Google Meet, lophoctructuyen.vn…

“Cần sử dụng cách thức định danh những người tham gia mới có thể vận hành lớp học qua Zoom một cách an toàn; tránh trường hợp có người lạ do biết được số phòng học (ID) và mật khẩu là có thể nhảy vào phá rối”

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo Quản trị và An ninh mạng Athena.

Cũng có những công cụ hỗ trợ kênh giao tiếp video nói chung dành cho hoạt động học tập và họp trực tuyến (dành cho nhà trường, doanh nghiệp…) mà điển hình là Zoom. Do có tính năng sử dụng đơn giản, cài đặt dễ dàng, không cần đăng ký trước… nên Zoom đã trở thành phần mềm học trực tuyến phổ biến nhất hiện nay.

Phần lớn các trường học đã triển khai hình thức học trực tuyến và gần như các thầy cô giáo phải tự tổ chức lớp học với các phần mềm khác nhau, thiếu vắng sự hỗ trợ từ bộ phận chuyên môn; ngoại trừ các trường có điều kiện vật chất tốt, có chuyên viên công nghệ thông tin. Đây cũng là một yếu tố khiến cho hoạt động học trực tuyến trở nên thiếu hiệu quả, giảm sự an toàn, dễ bị kẻ xấu tấn công khi lớp học diễn ra…

Trong thời gian qua, các phần mềm học trực tuyến, làm việc từ xa… do công ty trong nước phát triển cũng được nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khuyến nghị dùng nhưng vẫn chưa được phổ biến tới các trường; hầu như nhà cung cấp dịch vụ phải tìm cách tiếp cận các cơ quan quản lý ngành giáo dục tại địa phương, trường học… để giới thiệu giải pháp học trực tuyến của mình.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM, cho rằng việc sử dụng các phần mềm giao tiếp video khác (ngoài Zoom) có khá nhiều trên thị trường; có thể kể tới như Cisco Webex, Google Meet, Skype… hoặc SureMeet là giải pháp học hành, họp trực tuyến trong nước do Công ty cổ phần tin học Lạc Việt phát triển.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm: Hiện tại, không chỉ có Zoom là cung cấp miễn phí, một số phần mềm giao tiếp video khác (dùng để họp hoặc học trực tuyến) cũng đang có phiên bản miễn phí; hoặc người dùng có thể chọn cách sử dụng thử vài tháng sau đó thấy hài lòng mới đăng ký dùng bản trả phí.

Theo ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Mắt Bão, việc sử dụng phần mềm học trực tuyến nào sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của từng doanh nghiệp, nhà trường… Điều quan trọng là để tăng cường bảo mật khi tổ chức các lớp học trực tuyến, người điều hành phải định danh được từng thành viên tham gia lớp học trực tuyến; đây là một điều kiện quan trọng để quản lý lớp học hoặc cuộc họp trực tuyến.

Hiện tại, các nền tảng học trực tuyến của các doanh nghiệp viễn thông trong nước, các hãng công nghệ nước ngoài… đều yêu cầu đăng ký sử dụng phần mềm trước, thông qua quy trình cài đặt phần mềm, định danh người dùng bằng tài khoản đăng ký trên hệ thống học trực tuyến. Sau khi hoàn tất việc định danh người dùng, hệ thống mới chấp nhận cho người dùng tham gia vào các lớp học hoặc chọn các bài giảng trực tuyến.

cf501 06cfe hs lam bai kiem tra tren he thong 789.vn
Học sinh các cấp học đang tham gia các lớp học trực tuyến thông qua nhiều phần mềm, nền tảng học trực tuyến khác nhau. Ảnh minh hoạ: Vân Ly.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn dùng Office 365


Văn bản số 1247/BGDĐT-GDCTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet có đề cập tới việc: Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chủ yếu các trường hiện tại đang mò mẫm thí điểm các phần mềm học trực tuyến khác nhau; vẫn chưa có một danh mục chính thức cũng như tổ chức hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm dạy học qua internet. Do đó, có giáo viên thì yêu cầu phụ huynh dùng Zoom hoặc Facebook Messenger, có một số giáo viên cho biết trường bắt đầu chuyển qua dùng Microsoft Team theo hướng dẫn của cơ quan quản lý…

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản số 1071/GDĐT-TTTT về triển khai giải pháp O365 online dạy học trực tuyến, căn cứ theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD&ĐT. Các trường sẽ triển khai giải pháp dạy học trực tuyến trên nền tảng  ứng dụng Office 365 của hãng Microsoft.

Cụ thể, thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp cùng Microsoft Việt Nam (đơn vị hỗ trợ giải pháp), một số trường học tại TPHCM cũng bắt đầu tiến hành cài đặt, hướng dẫn sử dụng, cung cấp tài khoản cho giáo viên, học sinh… để tổ chức các lớp học trực tuyến trong tháng 4-2020.

Mặt khác, khi chuyển qua sử dụng phần mềm khác do bị thiếu những tính năng mà Zoom cung cấp (như giơ tay phát biểu, điểm danh học sinh qua màn hình…), một số thầy cô giáo đang tìm cách sử dụng kết hợp Zoom cùng với phần mềm chính thức được nhà trường triển khai (như Microsoft Teams, Office 365). Điều này sẽ gây rắc rối không ít cho phụ huynh học sinh khi mở máy tính, điện thoại thông minh… cho các bé học trực tuyến.

Các chuyên gia của Kaspersky đã nghiên cứu về mức độ bảo mật của những ứng dụng họp trực tuyến để đảm bảo an toàn an ninh mạng và tối đa trải nghiệm giao tiếp của người dùng trong giai đoạn nhiều quốc gia đang tiến hành cách ly xã hội. Kết quả phân tích đã phát hiện khoảng 1.300 tệp có tên tương tự những ứng dụng họp trực tuyến phổ biến hiện nay như Zoom, WebEx và Slack. Các ứng dụng họp trực tuyến mang đến phương thức để mọi người dễ dàng kết nối thông qua video, âm thanh hoặc văn bản khi không thể gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, tin tặc cũng sẽ không bỏ qua cơ hội này để phát tán các mối đe dọa an ninh mạng dưới vỏ bọc của những ứng dụng phổ biến. Trong số 1.300 tập tin, có tới 200 nguy cơ bảo mật được Kaspersky phát hiện.

Mời đọc thêm

Học trực tuyến tăng đột biến do kỳ nghỉ kéo dài vì Covid 19

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến