28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 28/03/2024

HomeĐời sống - Xã hộiTăng trưởng 8%: mừng và lo

Tăng trưởng 8%: mừng và lo

1212

Chưa bao giờ con số tăng trưởng GDP lại khiến tôi vui – buồn, mừng – lo lẫn lộn như kết quả 8% của năm 2022.

GDP 2022

Mừng vì đất nước đã trải qua một năm phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới “họa vô đơn chí”: chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai. Kinh tế thế giới vốn bị tổn thương, thiệt hại nặng nề sau hai năm dịch bệnh, cộng thêm xung đột quân sự gây ra nhiều hệ lụy: khủng hoảng năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng đứt gãy, giá cả, lạm phát toàn cầu tăng vọt (8,8% năm 2022 từ mức 4,7% năm 2021).

Cuộc chiến chống lạm phát diễn ra ở hầu hết các quốc gia bằng những công cụ truyền thống như tăng lãi suất, thu hẹp lượng cung tiền qua cả chính sách tài khóa và tiền tệ; rủi ro vỡ nợ tăng, thị trường tài chính – tiền tệ căng thẳng hơn do lãi suất cao, tỷ giá biến động mạnh, thời kỳ tiền rẻ đã hết, tồn kho, tồn đọng tài sản tăng; người dân, doanh nghiệp bất an, thắt chặt hầu bao chi tiêu và đầu tư… Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì thế ước đạt khoảng 3% năm 2022, giảm mạnh từ mức tăng 6% năm trước.

Trong bối cảnh đó, có ba lý do giải thích cho mức tăng trưởng của Việt Nam, gồm: một là quyết định mở cửa nền kinh tế sớm, nên các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục nhanh hơn; hai là, các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều như: nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ (xét về phía cung), còn về phía cầu, “cỗ xe tam mã – xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng” cũng phục hồi tích cực; ba là, con số năm nay được so với mức nền khá thấp của năm trước.

Lạm phát nằm ở mức khá thấp vì Việt Nam cơ bản kiểm soát được nguồn cung hàng thiết yếu, giá lương thực – thực phẩm, giá xăng dầu và một phần giá nhà ở – vật liệu xây dựng (ba nhóm này chiếm đến 67% lượng tăng CPI của năm). Đồng thời, một số chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giảm thuế VAT, giãn hoãn và giảm thuế, phí đã thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cũng góp phần giảm lạm phát. Giá một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục được bình ổn, chưa tăng theo lộ trình… Ngoài ra, lượng cung tiền thấp (cả năm ước chỉ tăng khoảng 4%, bằng một nửa năm 2021) và vòng quay tiền chậm cũng khiến lạm phát tăng thấp. Với kết quả này, năm 2023 có thể chấp nhận lạm phát tăng ở mức cao hơn để tháo gỡ nút thắt về vốn, về kìm hãm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu nêu trên.

Đây là những tiền đề góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025, tạo một phần dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa cho năm 2023.

Điều khiến tôi lo là kinh tế thế giới dự báo suy thoái năm 2023 (dù cục bộ và ngắn hạn), chỉ tăng khoảng 2-2,2%, đã và đang ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, nhất là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ. Thực tế, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, xuất khẩu giảm đà tăng trưởng từ tháng 8 đến nay. Cơ quan thống kê cho biết trong quý 4/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,1% so với quý 3/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Những lĩnh vực giảm nhiều đơn hàng lại đang thuê nhiều nhân công nhất như dệt may, da giày, gỗ, điện tử – điện máy…

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 4/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh từ mức tăng 10,9% của quý 3/2022. Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 11% so với năm trước. Rủi ro tài chính – tiền tệ toàn cầu; giá cả, lãi suất, biến động tỷ giá đang giảm nhiệt trong năm 2023 nhưng còn ở mức cao, đều có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính – tiền tệ và mặt bằng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam, trong khi năng lực chống chịu chỉ ở mức trung bình – khá (có thể chuyển sang trạng thái xấu hơn nếu quản lý không tốt).

Nỗi lo thứ hai liên quan đến nội tại nền kinh tế nước ta. Giải ngân đầu tư công, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, dù Chính phủ rất sốt ruột, đã đôn đốc nhiều.

Du lịch nội địa phục hồi mạnh, đạt hơn 101 triệu khách, tăng 19% so với năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19), nhưng du lịch quốc tế chỉ phục hồi 20% so với trước dịch, chủ yếu do khâu visa du lịch chưa điều chỉnh kịp thời, cách làm du lịch của cơ quan quản lý, nhiều địa phương và đơn vị lữ hành chưa có gì đột phá so với trước đây, nên chưa đủ thuyết phục khách quay lại, chi tiêu nhiều hơn.

Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối mặt nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cả năm 2022 vẫn tăng 34,3% so với cùng kỳ, chứng tỏ sự phục hồi chưa đồng đều giữa các lĩnh vực; tiếp cận vốn còn khó khăn, một số vướng mắc về pháp lý (nhất là lĩnh vực đất đai, bất động sản, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng…) chưa được tháo gỡ. Thị trường lao động đặt ra nhiều thách thức khi một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, chủ yếu là do thiếu đơn hàng, tồn kho, nợ đọng lẫn nhau hay đối tác thay đổi chiến lược kinh doanh.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản điều chỉnh rất mạnh (sau hơn hai năm tăng nóng), bộc lộ rủi ro, vi phạm cần xử lý; thanh khoản hệ thống tài chính – tiền tệ eo hẹp hơn so với những năm trước; ảnh hưởng lớn đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư. Thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều phối, kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Một nỗi lo nữa liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và hành lang pháp lý (kể cả cơ chế thử nghiệm – sandbox) phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Quá trình này còn chậm so với kỳ vọng, làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh quốc gia. Năng suất lao động tăng thấp, chỉ có 4,8%, còn khá xa so với mục tiêu 6,5% giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Cuối cùng, một nỗi lo rất lớn, từng được tôi đề cập, là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn, sẽ làm chậm quá trình thực thi công vụ, có thể làm mất cơ hội và tăng chi phí vận hành nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải rất khôn khéo, ứng biến trong điều hành. Song song với cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

Giữa nhiều nỗi lo đó, điều giúp tôi yên tâm hơn là qua các cuộc họp với nhiều bộ, ban ngành, địa phương, tôi nhận thấy, những thách thức này về cơ bản đã được cơ quan chức năng nhận diện và quyết tâm khắc phục.

Năm 2023, thách thức sẽ nhiều, công việc sẽ bề bộn, nhưng ít nhất, nhìn thẳng vào bản chất điểm nghẽn, nhận diện chính xác các trở ngại là cơ sở quan trọng để vạch ra đường đi nước bước đúng đắn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến