29.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 24/04/2024

HomeKinh DoanhThu thuế các nền tảng số xuyên biên giới có gì mới?

Thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới có gì mới?

1116

Thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới có gì mới?

Thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới có gì mới?

Chánh Trung

(TBKTSG Online) – Bộ Tài chính đang đề xuất cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số – thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu cũng như thực hiện nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

ede0f ap 600

Nhà cung cấp nước ngoài phải khai thuế tại Việt Nam

Ngày 25-2-2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 1914/BTC-TCT để lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Theo bản Dự thảo này, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Ngoài việc nộp thuế trực tiếp thì các doanh nghiệp này có thể nộp qua mạng theo Dự thảo mới. Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nhà cung cấp ở nước ngoài được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử, đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc tổ chức, đại lý thuế được ủy quyền thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan quản lý thuế trực tiếp cấp và gửi vào địa chỉ thư điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế.

Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài. 

Tổng cục Thuế là cơ quan thuế quản lý thuế trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, có trách nhiệm cấp mã số thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định cũng như tiếp nhận tờ khai thuế và thực hiện các công việc có liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Khấu trừ thuế thông qua giao dịch ngân hàng

Theo Tổng cục Thuế, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã nộp thuế với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft… đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.

Theo Tổng Cục thuế, số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam, như Google, YouTube, Facebook tăng từ 46,86 tỉ đồng năm 2016 lên tới 1.010 tỉ đồng vào năm 2019.

Năm 2020, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143 tỉ đồng.

Đối với trường hợp của Netflix, Tổng Cục thuế cho biết, công ty này chưa thực hiện nộp thuế. Tuy nhiên lãnh đạo Netflix cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để triển khai các thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông các nền tảng nước ngoài như AppleTV, Netflix ước thu được 44 triệu đô la Mỹ doanh thu mỗi năm từ số lượng thuê bao đang tăng mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên hiện tại, Netflix và Apple TV hiện chưa nộp thuế tại Việt Nam.

Các quy định mới về thuế nói trên sẽ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tình trạng một số nền tảng xuyên biên giới chưa nộp thuế, gây ra sự cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2021 sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ trang web của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho ngân hàng để thực hiện khấu trừ thuế.

Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong nước.

Hiện nay, ngành thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu như phối hợp với cơ quan Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định nhân thân người nộp thuế.

Ngành thuế cũng thu thập dữ liệu của các ngân hàng thương mại, công ty vận chuyển trung gian, hàng hóa, các ví điện tử, đối chiếu xác minh và sẽ làm việc với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử nhằm hướng dẫn việc kê khai và nộp thuế.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/td/314266/thu-thue-cac-nen-tang-so-xuyen-bien-gioi-co-gi-moi.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến