28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 28/03/2024

HomeKinh DoanhÚc trả hàng của doanh nghiệp Việt vì dùng chất tạo màu...

Úc trả hàng của doanh nghiệp Việt vì dùng chất tạo màu E131 trong bánh ngọt

1087

Úc trả hàng của doanh nghiệp Việt vì dùng chất tạo màu E131 trong bánh ngọt

Úc trả hàng của doanh nghiệp Việt vì dùng chất tạo màu E131 trong bánh ngọt

Nam Bình

(TBKTSG Online) – Thay vì sử dụng chất tạo màu E131, là chất tạo màu có nguy cơ gây ung thư, ngộ độc cho người sử dụng…, doanh nghiệp có thể sử dụng E133 hoặc các loại chất tạo màu tự nhiên được Bộ Y tế cho phép.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong tháng 12-2020 vừa qua, khi kiểm tra các lô hàng có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Úc đã phát hiện một lô hàng bánh ngọt nhập khẩu từ Việt Nam có chất tạo màu E131. Đây là chất tạo màu không được phép có trong sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Úc.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, thỉnh thoảng, vẫn có một số lô hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới xuất khẩu vào Úc bị phát hiện tồn dư các chất cấm sử dụng hoặc cho phép sử dụng nhưng có dư lượng vượt mức cho phép.

Ví dụ như trong tháng 8-2020, Việt Nam có đến 6 lô hàng bị cơ quan chức năng Úc phát hiện có tồn dư những chất/vi sinh vật bị cấm. Phần lớn các lô hàng này là sản phẩm trái cây hoặc sản phẩm thịt, thủy sản (thịt cua). Hay như trong tháng 6-2020, Việt Nam có 3 lô hàng là ớt tươi và hoa tươi bị Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Úc không cho thông quan.

Những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng nước này. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, hằng tháng, cơ quan chức năng phía Úc và Thương vụ Việt Nam tại Úc vẫn thông tin cho các doanh nghiệp có liên quan kết quả kiểm tra các thực phẩm có rủi ro cũng như kết quả kiểm tra ngẫu nhiên các thực phẩm thuộc diện giám sát. Việc cảnh báo này là thường xuyên để doanh nghiệp rút kinh nghiệm.

“Thương vụ cũng đã gửi đến các Hiệp hội để cảnh báo doanh nghiệp. Không riêng gì Việt Nam, doanh nghiệp nhiều nước khác đôi khi cũng mắc phải các vi phạm này, có thể là lỗi không cố ý!”, ông Hòa cho biết.

a76db banh
Một lô hàng bánh ngọt của Việt Nam xuất khẩu vào Úc đã bị phát hiện có sử dụng chất tạo màu E131, là chất tạo màu có nguy cơ gây ung thư, bị cấm sử dụng tại Úc. Ảnh: Nam Bình.

Riêng đối với các chất tạo màu dùng trong thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho rằng, chất lượng của một sản phẩm được đánh giá dựa trên giá trị dinh dưỡng và giá trị cảm quan.

Màu sắc là một trong những nhân tố quan trọng của giá trị cảm quan. Chính vì thế, màu thực phẩm ngày càng được sử dụng khá phổ biến trong chế biến và sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, không phải chất nào sử dụng cũng đều được và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với chất tạo màu E131 – Patent Blue V, là chất có màu xanh nhạt, dùng trong sản xuất bánh kẹo, thực phẩm tráng miệng, kem,… được đánh giá là chất có yếu tố nguy hiểm và có nguy cơ gây ung thư, ngộ độc đối với sức khỏe con người.

Chính vì thế, hiện tại, chất này không chỉ là chất cấm sử dụng ở Úc mà ngay tại Việt Nam, E131 đang là chất cấm sử dụng khi không nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm (theo thông tin tại Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm). Do đó, tất cả các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM không sử dụng chất này trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm.

Thay vào đó, các doanh nghiệp thực phẩm trong nước có thể sử dụng một số chất thay thế được Bô Y tế cho phép sử dụng như E133 (Brilliant Blue FCF) cũng màu xanh dương với màu chỉ nhạt hơn một chút.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các phẩm màu tự nhiên với độ an toàn cao hơn rất nhiều, tuy nhiên độ bền màu thường kém hơn (nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ), hạn sử dụng ngắn hơn, đặc biệt là giá thành cao hơn nhiều và phải thử để đánh giá các yêu cầu mong muốn.

Cũng theo bà Chi, trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước như Úc… thì cần phải nghiên cứu trước quy định của nước nhập khẩu về các chất tạo màu được cho phép, sử dụng cho phù hợp.

Đối với các sản phẩm trái cây tươi, Úc là thị trường lớn của Việt Nam. Hiện Úc đã cho phép nhập khẩu một số loại trái cây như vải, thanh long, bưởi, nhãn, chanh dây…

0c551 img 7351
Đối với sản phẩm trái cây, doanh nghiệp cần thực hiện việc kiểm dịch thực vật kỹ lưỡng trước khi xuất khẩu vào Úc. Ảnh: Nam Bình.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, ngoài việc tuân thủ các quy định về nhãn mác, việc kiểm dịch thực vật trước khi xuất hàng đi là cực kỳ quan trọng. Việc này nhằm đảm bảo sản phẩm trái cây tươi không có tồn dư các hoạt chất hóa học hoặc vi sinh vật bị cấm tại thị trường này.

“Doanh nghiệp phải làm công tác kiểm dịch thực vật thật kỹ lưỡng, tránh trường hợp tổn hại không chỉ riêng doanh nghiệp đó mà toàn bộ chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài”, ông Tùng nói.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/313956/uc-tra-hang-cua-doanh-nghiep-viet-vi-dung-chat-tao-mau-e131-trong-banh-ngot.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến