33.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeĐời sống - Xã hội136 tỷ đồng xúc tiến đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp...

136 tỷ đồng xúc tiến đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận đối tác

1243

100 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ 136 tỷ đồng, đã giúp sản phẩm của doanh nghiệp đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.

Trái cây Việt Nam đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính thông qua công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Ảnh: T.L.
Trái cây Việt Nam đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính thông qua công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ xúc tiến thương mại

Ngành da giày Việt Nam hiện nay vẫn được cho là ngành gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng không lớn, nên theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, công tác xúc tiến thương mại không có đóng góp nhiều. Tuy nhiên, xúc tiến thương mại lại rất quan trọng với ngành hàng này vì không chỉ mang lại đơn hàng mà còn quảng bá thế mạnh để Việt Nam trở thành đối tượng ưu tiên lựa chọn sản xuất của các nhãn hàng.

“Nike, Adidas đã chuyển 50% sản xuất về Việt Nam, điều này sẽ tạo hiệu ứng tốt và kéo được các thương hiệu và nhãn hàng nhỏ hơn di chuyển chuỗi sản xuất về Việt Nam”, bà Xuân cho biết.

Xúc tiến thương mại được đẩy mạnh cũng giúp những địa phương như Sơn La có cơ hội quảng bá và xuất khẩu nhiều nông sản, đặc sản tiềm năng. Hiện sản phẩm nông sản của tỉnh đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn trong nước; 17 sản phẩm nông sản đã xuất khẩu sang thị trường 21 nước.

Năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt trên 730 tỷ USD, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại. Kết quả này được ghi nhận tại Hội nghị công tác xúc tiến thương mại năm 2022 ngày 29/12 của Bộ Công thương.

Báo cáo từ Cục Xúc tiến thương mại cũng cho thấy, hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, đã hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Chương trình đã được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ 136 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương và phát triển thị trường trong nước.

Ngoài ra, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam hỗ trợ quảng bá và khẳng định uy tín cho sản phẩm, thương hiệu Việt đối với đối tác trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến thương mại trên môi trường số được đẩy mạnh, doanh nghiệp, địa phương được xúc tiến thương mại thông qua hệ thống Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài…

Vượt khó khăn trong năm 2023

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin đưa hàng hóa sang những thị trường khó tính. Ảnh: T.L.
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin đưa hàng hóa sang những thị trường khó tính.

Nhận định tình hình năm 2023 sẽ rất khó khăn, đặc biệt 3 – 6 tháng đầu năm, những yếu tố không thuận lợi sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới xuất nhập khẩu trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu trong năm tới cần hướng cụ thể hơn vào từng thị trường.

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết cần phân tích những mặt hàng nào người dân duy trì mua, mặt hàng nào nhu cầu giảm để có hướng xúc tiến thương mại phù hợp. Ưu tiên cho các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng cho biết năm tới, Vụ này sẽ tăng cường phối hợp cùng hệ thống thương vụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Công tác giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ theo chuyên đề ngành hàng để nâng cao hiệu quả.

Về phía địa phương, ông Nghiêm Văn Tuấn đề xuất Bộ Công Thương cho phép Sơn La tổ chức hội chợ thường niên dịp 2/9, bởi đây là dịp địa phương thu hút lượng lớn khách du lịch, hiệu ứng quảng bá sẽ rất tốt. Ông Tuấn cũng cho rằng nên thống nhất một mô hình Trung tâm xúc tiến thương mại để phối hợp hiệu quả hơn và phải có quy chế phối hợp rõ ràng giữa các vùng.

“Các hội chợ hiện nay do đòi hỏi phải có vốn đối ứng buộc ban tổ chức phải đưa vào các gian hàng thương mại, điều này vừa khó quản lý, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh. Chương trình xúc tiến thương mại nên bỏ phần đối ứng, tập trung toàn bộ ngân sách để địa phương xây dựng gian hàng quảng bá”, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Sơn La đề xuất.

Cho rằng, khu vực phía Nam chiếm tỷ trọng lớn các ngành trọng điểm của nền kinh tế nhưng nhân sự của Cục Xúc tiến thương mại còn thiếu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Cục này cần rà soát lại và hoàn thiện nhanh nhất về cơ cấu tổ chức cán bộ để hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại khu vực này tốt hơn.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết năm 2023 Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại (DECOBIZ) sẽ được đưa vào ứng dụng mạnh mẽ: “Chúng tôi mong muốn toàn bộ hệ thống xúc tiến thương mại cố vấn cho địa phương ứng dụng rộng rãi DECOBIZ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại”, ông Phú nhấn mạnh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến