29.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeNgười Tiêu DùngSôi sục buôn lậu ở biên giới Tây Nam

Sôi sục buôn lậu ở biên giới Tây Nam

1125

Ngoài ra, thuốc lá, xăng dầu, rượu ngoại, hải sản, mỹ phẩm, đường cát… vẫn được vận chuyển trái phép qua biên giới, khiến lực lượng phòng chống buôn lậu ở các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam hết sức vất vả.
 

Hàng nhập và “xuất” lậu

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh An Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trước đây, con buôn tập trung vận chuyển thuốc lá, đường cát, xăng dầu thì nay nhiều mặt hàng vượt biên với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng nước bạn khan hiếm khẩu trang y tế, mặt hàng gia dụng nên tập kết chờ vượt biên trái phép. Khi lực lượng kiểm tra, tài xế không trình giấy tờ. Hầu hết các đối tượng đều khai chở thuê hàng cho các công ty ở TPHCM về Tịnh Biên (An Giang).

Lúc 7 giờ ngày 27-3, từ tin báo của quần chúng, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên triển khai lực lượng tuần tra. Đến khu vực khóm Xuân Phú (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên), Tổ công tác tiến hành dừng xe tải BS: 67C-127.60 do Nguyễn Thành Phú (SN 1983) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 722 thùng khẩu trang y tế với nhiều nhãn hiệu khác nhau (trị giá hàng hóa khoảng 900 triệu đồng). Tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Phú khai được một công ty thuê 5 triệu đồng để vận chuyển số khẩu trang trên từ huyện Bình Chánh (TPHCM) về huyện Tịnh Biên (An Giang).

5a 4827 6

Kiểm tra xe tải chở 772 thùng khẩu trang từ TPHCM về Tịnh Biên chờ “vượt biên”

Trước đó, sáng 26-3, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phát hiện xe tải BS: 67C-043.67 do Nguyễn Phước Hoàng (SN 1981) cầm lái có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra, tìm thấy 1.145 thùng giấy bên trong chứa 34.350 bịch khăn ướt nhãn hiệu YUNIKU (xuất xứ nước ngoài, trị giá 860 triệu đồng).

Tài xế cũng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng. Bước đầu Hoàng khai số khăn ướt trên được một người đàn ông ở quận 12 (TPHCM) thuê vận chuyển về huyện Tịnh Biên với 6 triệu đồng.

Chiều 25-3, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh kiểm tra ôtô BS: 51G-555.60 đang dừng tại khu vực khóm Trà Sư (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên), do Hà Minh Hạnh (SN 1992) điều khiển, phát hiện số lượng lớn hàng hóa nhãn mác nước ngoài, nghi vấn nhập lậu gồm: 4.800 chai dầu các loại, 2.400 miếng dán, 120 hộp kem sâm và 24 chai lăn.

Qua làm việc, Hạnh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn nguồn gốc xuất xứ số hàng trên và khai chở thuê cho người khác. Khoảng 30 phút sau, cũng tại khu vực trên, Tổ công tác phát hiện nhiều thùng giấy bên trong có chứa trên 4.000 sản phẩm dầu, nước hoa, xà bông, bàn chải đánh răng… nhãn mác nước ngoài, nghi vấn hàng hoá nhập lậu nhưng không ai thừa nhận là chủ sỡ hữu.

5a 4827 3Hải quan Kiên Giang bắt số lượng sữa nhập lậu

Sáng 22-3, trong lúc tuần tra chống buôn lậu trên địa bàn huyện biên giới Tịnh Biên, khi đến khu vực khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phát hiện 3 xe tải, có biểu hiện nghi vấn, tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Trên xe BS: 67C-040.08 do Phạm Văn Bào (SN 1993, trú TP.Châu Đốc, An Giang) điều khiển, chở 453 thùng khẩu trang y tế; xe 67C-067.76 do Lâm Thanh Hùng (SN 1979) điều khiển chở 552 thùng khẩu trang y tế và xe 63H-005.68 do Lâm Thanh Tâm (SN 1982) cầm lái chở 430 thùng khẩu trang y tế nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Tại thời điểm kiểm tra, cả 3 tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số khẩu trang y tế trên. Cả 3 khai vận chuyển thuê số khẩu trang y tế trên từ TPHCM về huyện Tịnh Biên với 4 triệu đồng tiền công/xe.

5a 4827 1

Bàn ghế inox cũng được các đối tượng nhập lậu

“Nóng” đường bộ lẫn đường biển

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, sau khi địa phương bình thường mới, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp đường bộ lẫn đường biển.

Hiện nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh tập trung tại TP.Hà Tiên, huyện Giang Thành và phía bắc đảo Phú Quốc, với các mặt hàng như thuốc lá, đường cát, hàng tiêu dùng và xăng dầu. Nhu cầu tăng cao tại thị trường nội địa, các đối tượng đã lợi dụng đường mòn, lối mở trên bộ đưa hàng hóa đến điểm tập kết rồi thuê người dân địa phương vác hàng lậu tuồn qua biên giới.

Trên biển, sau khi lấy hàng lậu từ tỉnh Kampốt, Campuchia, các đối tượng sử dụng vỏ máy tốc độ cao chạy vòng qua đường cửa khẩu chính ngạch rồi vào bờ đất liền để đưa vào nội địa. Thống kê 2 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ hơn 50 vụ vi phạm, xử lý và thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng; khởi tố hình sự 4 vụ với 5 đối tượng. Tang vật gồm gần 8.000 gói thuốc lá lậu, trên 110.000 lít đầu D.O cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Bọn buôn lậu thường dùng chiêu thức “kiến tha lâu đầy tổ”. Đầu tháng 3-2022, lực lượng Hải quan tỉnh Kiên Giang phát hiện một số đối tượng đang tập kết sữa Ensure nhập lậu. Hàng ngày, chúng vận chuyển nhỏ lẻ. Khi đủ số lượng lớn, các đối tượng cung cấp cho đầu nậu.

Qua nhiều ngày theo dõi, ngày 8-3, tại phường Bình San, TP.Hà Tiên, đối tượng chuẩn bị đưa những thùng sữa nghi nhập lậu thì bị Đội Kiểm soát Hải quan Kiên Giang phát hiện. Lực lượng đã tạm giữ tất cả số tang vật gồm 296 thùng sữa (24 chai/thùng, tổng cộng hơn 7.000 chai sữa) sai áp về trụ sở Đội Kiểm soát Hải quan để tiếp tục điều tra làm rõ.

5a 4827 4

Không ít đối tượng dùng xe của gia đình vận chuyển hàng nhập lậu

Trên vùng biển Kiên Giang, hoạt động buôn lậu xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các ngư dân tham gia buôn lậu đã sử dụng hầm chứa cá, thùng chứa nước đá trong khoang tàu để chứa xăng dầu, phía trên phủ kín lưới đánh cá ngụy trang. Họ thường tiến hành mua bán, giao nhận xăng dầu lúc thời tiết xấu; thường xuyên thay đổi số hiệu tàu, sử dụng giấy tờ lưu thông giả gây khó khăn trong công tác bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Trung tuần tháng 2-2022, trong khi tuần tra, kiểm soát tại vùng biển cách phía Nam đảo Thổ Chu khoảng 55 hải lý, Tổ công tác do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 94337 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn và đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Lúc này, trên tàu có 5 thuyền viên, do ông Phan Hoàng Sa (SN 1984) làm thuyền trưởng. Qua xác minh, tàu cá đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO và toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

5a 4827 6 1

Công an tỉnh An Giang thu giữ khăn ướt không chứng từ, hóa đơn
5b 4817

Các đối tượng thuê xe tải vận chuyển số lượng hàng lớn không rõ nguồn gốc

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đang điều tra 3 đối tượng, gồm: Phạm Văn Vũ (SN 1975), Trần Văn Vinh (SN 1980) và Phan Văn Diễn (SN 1979) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bước đầu, 3 đối tượng khai chỉ là người làm thuê, trong đó, Vũ là lái tàu gỗ, còn Vinh và Diễn là người bốc vác. Trước đó, cuối tháng 2-2022, Vũ được một người đàn ông thuê sang Campuchia chở hàng điện máy, điện lạnh về huyện Kiên Lương với tiền công 1 triệu đồng. Tàu cập bến bên Campuchia, Vinh – Diễn cùng nhiều đối tượng tham gia bốc vác tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt đã qua sử dụng xuống ghe gỗ có trọng tải khoảng 50 tấn. Theo yêu cầu của người thuê, Vũ điều khiển tàu cùng với Diễn và Vinh chở hàng trăm bộ thiết bị điện lạnh về Việt Nam.

Đến tối cùng ngày, tàu chạy tới vùng biển thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tàu chở hàng đã bị lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang bắt quả tang cùng với tang vật là 443 bộ thiết bị điện lạnh (gồm máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và tủ lạnh), với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.

Phần lớn các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm thường vắng chủ, khó bắt được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Những đối tượng này thủ đoạn tinh vi, điều khiển từ xa, lợi dụng tình hình không có việc làm của một bộ phận cư dân biên giới, lôi kéo, mua chuộc, thuê mướn vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới.

Các đối tượng hoạt động với nhiều phương thức, nhất là lợi dụng ban đêm, chia nhỏ hàng hóa, mang vác, vận chuyển không theo quy luật và manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để giành giật lại hàng hóa khi bị vây bắt.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến