33.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomePháp LuậtÔng Tất Thành Cang còn liên quan đến nhiều vụ khác?

Ông Tất Thành Cang còn liên quan đến nhiều vụ khác?

1166

Cơ quan điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang tội ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’ vì gây thiệt hại 157 tỉ đồng.

 

>> Truy nã quốc tế Tổng giám đốc Nguyễn Kim

Gây thiệt hại 157 tỉ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’, chuyển viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và các đồng phạm về tội danh trên.

Tat Thanh Cang ve
Sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, ông Tất Thành Cang ngồi xem lại nội dung quyết định này – Ảnh: A.X.

Kết luận điều tra chỉ ra ông Cang phải chịu trách nhiệm với thiệt hại 157 tỉ đồng của Văn phòng Thành ủy TP.HCM, tương ứng tỉ lệ sở hữu vốn (16,7%) tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Theo kết luận điều tra, từ ngày 5-2-2016 đến 7-1-2019, ông Cang với vai trò là phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ TP được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua; việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, các công trình, chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ TP.HCM.

Ngày 16-5-2017, ông Cang có bút phê “đồng ý” vào tờ trình số 1148 ngày 28-4-2017 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược là sai theo quy định luật doanh nghiệp.

Ông Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo quy định nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định. Hành vi của ông Cang đã đủ yếu tố cấu thành của tội danh đề nghị truy tố.

Ông Cang phải chịu trách nhiệm với số tiền thất thoát, gây thiệt hại tương ứng phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Công ty SADECO (16,7%) là 157 tỉ đồng.

Công ty SADECO có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác.

Bên cạnh đó, SADECO có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Công ty IPC, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy sẽ cử nhân sự đại diện vốn nhà nước tham gia các vị trí, chức vụ quản lý (hội đồng quản trị, ban kiểm soát…) tại SADECO.

Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỉ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được SADECO gửi ngân hàng lấy lãi. Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại SADECO.

Sự việc này, năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu SADECO chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho SADECO dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước.

Đồng thời phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm SADECO (sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim sở hữu tỉ lệ 34,6% vốn tại SADECO). Trong khi hoạt động kinh doanh tại SADECO rất hiệu quả, tỉ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 10%).

Còn nhóm cổ đông nhà nước sau khi bán 9 triệu cổ phiếu thì tỉ lệ sở hữu vốn tại SADECO đã giảm sâu.

Cụ thể: trước khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu của IPC, Công ty Tân Thuận và Văn phòng Thành ủy lần lượt là 44%, 14,1%, 2,6%. Sau khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ còn lần lượt là 28,8%, 9,2%, 1,7%.

Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” được điều tra khởi đầu vào tháng 5-2019 với việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Tề Trí Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty IPC kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty SADECO và Hồ Thị Thanh Phúc, cựu tổng giám đốc Công ty SADECO.

logo 603392048937200109644754710356857623937024n 15578960137991267602176 15923827074091826029683
Tề Trí Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty IPC kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty SADECO, chịu trách nhiệm xuyên suốt trong thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho Nguyễn Kim

Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt thêm nhiều người liên quan và cuối cùng là ông Tất Thành Cang.

Tổng cộng vụ án này có 19 bị can bị cơ quan điều tra kết luận đề nghị viện kiểm sát truy tố về các tội danh liên quan.

“Bị cấp dưới gài”

Ông Tất Thành Cang – cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – cho rằng đã bị cấp dưới làm giả, hợp thức hóa tờ trình để ông bút phê đồng ý cho việc bán 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần.

Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO, trong đó Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO) với giá 26.100 đồng/cổ phần.

logo tat thanh cang 15458914765081673904886 16105104422741475848340

Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần.

Tháng 11-2016, Nguyễn Kim đề nghị SADECO xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần nhằm hợp tác thực hiện 2 dự án của SADECO.

Dù đại hội cổ đông SADECO đã thống nhất việc tăng vốn bằng phương án khác nhưng HĐQT SADECO lại thống nhất giao cho ban điều hành tính toán phương án tăng vốn theo hướng đề nghị của Nguyễn Kim.

Từ đây các cá nhân đại diện vốn cho IPC và Văn phòng Thành ủy làm thủ tục xin chấp thuận chủ trương tăng vốn theo quy định.

Theo quy định khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, những người liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đã đồng ý phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát, thiệt hai.

Cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang bị cho là phải chịu trách nhiệm vì gây thất thoát, thiệt hại 157 tỉ đồng, tương ứng với phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Công ty SADECO.

Khai nhận với cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cho biết sau khi nhận được tờ trình 1148 xin chủ trương của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về phát hành cổ phần, ngày 16-5-2017, ông bút phê “đồng ý” vào tờ trình 1148.

Điều đáng nói là, ông Cang cho rằng hai cấp dưới là Huỳnh Phước Long, Hồ Thị Thanh Phúc đã làm giả, hợp thức hóa các tờ trình trước đây đưa vào tờ trình 1148 trình cho Văn phòng Thành ủy xin chủ trương đồng ý của ông.

Theo ông Cang, người đại diện vốn đã báo cáo không trung thực, che giấu việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, không cung cấp đầy đủ thông tin khi xin ý kiến Thành ủy.

Theo kết luận điều tra, căn cứ vào ý kiến đồng ý của ông Cang, thông báo đồng ý của Văn phòng Thành ủy về việc chấp thuận chủ trương, nhóm đại diện quản lý vốn Thành ủy gồm Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện tiến hành biểu quyết đồng ý phương án bán 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Nguyễn Kim.

Kết luận điều tra cho rằng là người nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm của SADECO phải thực hiện đấu giá và thực hiện thẩm định giá giá trị cổ phần theo quy định, nhưng ông Tất Thành Cang vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược là vi phạm pháp luật.

Liên quan 7 vụ việc khác

Cơ quan điều tra tách 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tiếp tục điều tra từ vụ án ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’ vì bán “rẻ’ 9 triệu cổ phần tại Công ty SADECO, thiệt hại 940 tỉ đồng.

Kết luận điều tra quy các ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và 18 đồng phạm phải chịu trách liên quan khi gây thiệt hại cho công ty SADECO 940 tỉ đồng, từ việc bán 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000/cổ phần.

Thiệt hại của SADECO dẫn đến thiệt hại cho cổ đông nhà nước, gồm UBND TP.HCM, 413 tỉ đồng, Văn phòng Thành ủy TP.HCM là 157 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong vụ án, ngoài nội dung đã được kết luận trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM còn tiếp nhận hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ Thanh tra thành phố để tiến hành điều tra.

Cơ quan điều tra cũng phát hiện thêm 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Có 2 vụ việc được Thanh tra thành phố chuyển theo kết luận thanh tra số 33/KL-TTTP-P6 kết luận một số sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước.

doc lenh bat ong tat thanh cang 1 hsqw
Ông Tất Thành Cang đang đứng nghe điều tra viên đọc lệnh khởi tố

Đó là việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu – Long An (Công ty IPC hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh); việc phát hành 40 triệu cổ phiếu cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc để tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty TNHH thẩm định giá MHD xác định giá trị cổ phần có dấu hiệu sai phạm.

4 vụ việc được Thanh tra thành phố chuyển theo kết luận thanh tra số 14/KL-TTTP-P6 về việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hóa, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC. Đó là 4 vụ việc:

Hành vi có dấu hiệu “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của ông Tề Trí Dũng và các cá nhân liên quan tại Công ty IPC trong việc chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây.

Việc thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn – IPD thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn – ESL không tuân thủ quy định và các sai phạm sau cổ phần hóa tại Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn, theo kết luận thanh tra số 14 của Thanh tra thành phố.

Việc thực hiện dự án Long Thới và chuyên nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp với giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC, vốn nhà nước, theo kết luận thanh tra số 14 của Thanh tra Thành phố. Hành vi có dấu hiệu “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong việc chuyển nhượng dự án Khu Công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, theo kết luận thanh tra số 14 của Thanh tra thành phố.

Cuối cùng là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được phát hiện trong quá trình điều tra vụ án: Vụ việc Tề Trí Dũng có dấu hiệu “Tham ô tài sản” trong việc chiếm đoạt tiền thù lao và tiền thưởng người đại diện vốn không chuyên trách do Công ty TNHH Sepzone Linh Trung chi trả cho thành viên hội đồng thành viên.

Cơ quan điều tra ra quyết định tách 7 vụ việc nêu trên để điều tra, xử lý sau. Nguyên nhân là đến nay đã hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, kết quả cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức liên quan; còn một số tình tiết cần tiếp tục làm rõ…

Như vậy, ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các đồng phạm trong vụ án còn có thể liên quan đến 7 vụ việc được Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra.

https://tuoitre.vn/hoan-tat-dieu-tra-ong-tat-thanh-cang-vu-gay-thiet-hai-157-ti-dong-20210109082354072.htm

https://tuoitre.vn/ong-tat-thanh-cang-khai-bi-cap-duoi-gai-20210112211533242.htm

https://tuoitre.vn/ong-tat-thanh-cang-co-the-lien-quan-7-vu-viec-duoc-tach-ra-tu-vu-an-ban-9-trieu-co-phan-20210113104115048.htm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến