31.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeTài ChínhÁp lực trước sức nóng của 'mặt trận' tiền tệ

Áp lực trước sức nóng của ‘mặt trận’ tiền tệ

1081

Xoay chuyển tình thế

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã gây nhiều sức ép với chính sách điều hành tiền tệ trong nước. Qua thời tiền rẻ, lãi suất liên ngân hàng đối mặt với mặt bằng mới.

Giữa tháng 6, trong bối cảnh các ngân hàng trong tình trạng cạn room tín dụng tín dụng, thanh khoản dư thừa, hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu và trên thị trường ngoại hối đã được NHNN thực hiện, từng có thời điểm khoảng 170 nghìn tỷ đồng được hút về. Thanh khoản trên thị trường tiền tệ nhanh chóng được điều chỉnh.

Không lâu sau đó, thanh khoản trên hệ thống lại gặp nhiều áp lực. Theo SSI Research, nguyên nhân đến từ việc thực hiện các hợp đồng bán USD kỳ hạn, một nguyên nhân khác là do thời điểm nộp thuế quý II/2022 về Kho bạc Nhà nước, một hoạt động mang tính thời vụ. Và điều này lại khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh khi dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống một số lượng nhất định.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lãi suất qua đêm chỉ mới chưa đầy hai tháng trước còn quanh 0,4%/năm đã vọt lên tới vùng 4-5%/năm, thậm chí có ngày trên cả 5% như ngày 27/7.

Rất nhanh chóng, NHNN bơm ròng một lượng lớn tiền ra thị trường. Sau nhiều năm, NHNN thả lãi suất OMO cho thị trường định giá nhằm xác định mức lãi suất hợp lý trên kênh này. Lãi suất OMO đã bật tăng mạnh mẽ ngay sau đó. 

Thống kê từ SSI Research cho thấy, tính riêng tuần vừa qua “NHNN đã bơm ra thị trường 58,4 nghìn tỷ đồng trong đó có 46 nghìn tỷ thông qua kênh OMO và gần 13 nghìn tỷ thông qua kênh tín phiếu đáo hạn”. Kết tuần, tỷ suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt. Ngày 30/7, lãi suất tuần thậm chí chỉ còn 0,78%.

Tỷ giá trung tâm nhanh chóng hạ nhiệt sau những động thái của NHNN cũng như việc đồng USD đã quay lại đà giảm giá. Tính đến sáng 1/8, tỷ giá trung tâm ở 23.161 đồng, giảm mạnh 15 đồng so với phiên giao dịch liền trước trước, đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp với tổng mức giảm là 40 đồng.

“Bên cạnh việc giảm bớt áp lực điều hành của NHNN nhằm ổn định tỷ giá, cũng cho thấy NHNN đang tương đối linh hoạt nhằm điều tiết thị trường tiền tệ và mức lãi suất OMO có thể giảm trở lại khi thanh khoản hạ nhiệt”, SSI nhận định.

Có thể nói, NHNN đã sử dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định thị trường. Theo tính toán của các chuyên gia SSI, hai tuần tới, một lượng lớn tín phiếu và OMO đáo hạn sẽ tác động không nhỏ tới thị trường.

“Ước tính có khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn sẽ giúp hạ nhiệt thanh khoản, tuy nhiên lượng OMO phát hành trong tuần trước cũng đáo hạn, ngược lại sẽ tác động tiêu cực tới thanh khoản”, SSI cho biết và nhận định: “Thanh khoản hệ thống có thể tạm thời vẫn đang chịu áp lực và nghiệp vụ OMO vẫn kỳ vọng tiếp tục được thực hiện trong tuần tới”. 

Dư địa chính sách vẫn còn nhiều

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, NHNN đang tạo dư địa nhằm đưa tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời cơ quan này can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá. 

“Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Những động thái trên kỳ vọng góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, theo ông Phan Linh, sáng lập Cty Tư vấn đầu tư Take Profit cho biết, hiện dư địa chính sách tiền tệ trong nước vẫn còn cho phép NHNN có nhiều chính sách thích hợp.

“Dư địa chính sách của Việt Nam vẫn còn khi mà dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp và có thể tăng để điều tiết tiếp tỷ giá. Thậm chí nếu nhìn về mặt tích cực, VND đang trở nên khoẻ hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực”, ông Linh cho biết.

Thời gian tới, thách thức và khó khăn với nhà điều hành sẽ không phải là ít, đòi hỏi sự chủ động, kịp thời trong các chính sách, như mong mỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp gần đây.

“Trong điều kiện lạm phát chủ yếu do chi phi đẩy thì chính sách tiền tệ càng phải thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Nếu thị trường thế giới thu hẹp thì phải đẩy mạnh thị trường trong nước, sử dụng phù hợp các công cụ tài khóa như thuế, phí, lệ phí, đầu tư công”, Thủ tướng nhấn mạnh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến