Các trụ lớn như VCB, VHM, SAB đã được cởi trói trong phiên chiều, vượt trên cả các cổ phiếu đã kéo mạnh nhất sáng nay. Như vậy, thị trường đã vượt qua phiên đáo hạn phái sinh thành công. 
Chứng khoán 18/2: VN-Index đóng cửa cao nhất phiên đáo hạn phái sinh tháng 2

Chốt phiên, VN30 tăng 13,03 điểm lên 1.187,94 điểm còn HĐTL VN30F2102 tăng 10,7 điểm lên 1.187,3 điểm. Như vậy, đã không có một bất ngờ nào diễn ra khiến thị trường phải chứng kiến một cú sốc giá. Nhóm cổ phiếu trọng yếu đã bỏ hết sự dè dặt để tăng giá như VCB (+2%) chỉ đảo chiều từ sau 14h, VHM (+2,2%) bật lên trong phiên ATC. Còn SAB (+6,1%) tăng tốc cũng chỉ trong phiên chiều từ 13h đến 14h.
3 cổ phiếu này đã vượt qua GVR, GAS, VIC để vươn lên đứng đầu trong top kéo điểm. Nhờ vậy, VN30 lẫn VN-Index đóng cửa đều ở trạng thái cao nhất phiên.
Toàn thị trường tới cuối phiên đã có 277 mã tăng so với 166 mã giảm và 55 mã đứng giá tham chiếu. Chỉ số VN-Index tăng 1,61% lên 1.174,38 điểm. Thanh khoản đạt 614,82 triệu đơn vị, tương đương 15.130,2 tỷ đồng,
Lượng tiền bơm vào từ khối ngoại tiếp tục được cải thiện trong phiên chiều. Họ mua ròng 618,34 tỷ đồng trên HOSE với HPG (+220 tỷ đồng), VHM (+108,97 tỷ đồng) là 2 cổ phiếu được mua vào mạnh nhất.
Trên HNX, PVS (+5,8%) giữ được thành quả tăng và không tuột dốc cuối phiên. Chỉ số HNX-Index nhờ đó cũng tăng 0,17% lên 230,96 điểm. Thanh khoản đạt 127,25 triệu đơn vị, tương đương 2.228,2 tỷ đồng.
Còn trên UPCoM, hiệu ứng Dầu khí đã bị kìm hãm lại ở BSR (+2,5%), OIL (+0,8%). Tuy nhiên, các cổ phiếu MSR (+8,3%), CTR (+1,5%), VGI (+6,8%), VGT (+5,8%) lại đón nhận sự khả quan từ HOSE. Chỉ số UPCoM-Index giảm chủ yếu do ACV (-1,4%), VEA (-1,8%) gây ra sự bóp méo, giảm 0,51% xuống 75,35 điểm. Thanh khoản của UPCoM đạt 57,83 triệu đơn vị, tương đương 920 tỷ đồng.
============
Thị trường khó có thể tăng mạnh ngay nên dòng tiền càng phải xoay sở tìm các cơ hội ở nhóm Midcap và Penny để tạo sự chú ý cho nhà đầu tư. Cuối phiên sáng, PVD có dấu hiệu bị chốt lời khá mạnh và chỉ còn tăng 1,8%. Đây là diễn biến khá hợp lý bởi PVD sẽ cần phải kiểm tra lại vùng đỉnh tháng 1. Với một cổ phiếu có tính đầu cơ cao như PVD, nhà đầu tư sẽ càng tận dụng cơ hội hôm nay để thử thách tâm lý phe nắm giữ.

Tuy nhiên, thị trường lại được bổ sung các điểm nóng mới. Khá bất ngờ là cặp đôi DPM (+5,2%), DCM (+6,38%) lại tăng rất mạnh khi 2 cổ phiếu này lẽ ra lại là nhóm bị thiệt khi giá dầu tăng.
Cùng với đó, TCH (+6,3%), DBC (+4,66%) cũng tăng giá rất tốt về cuối phiên sáng nay. VN-Index dù không tăng quá ấn tượng nhưng vẫn đang có được 267 mã tăng so với 157 mã giảm và 65 mã đứng giá tham chiếu. Chỉ số tăng 0,56% lên 1.162,25 điểm. Thanh khoản đạt 430,95 triệu đơn vị, tương đương 10.362 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại hiện vẫn đang để lại dấu ấn khi bơm ròng tiếp 276,58 tỷ đồng. Các mã FUEVFVND (+104,74 tỷ đồng), HPG (+72,92 tỷ đồng), VHM (+43,79 tỷ đồng) là điểm đến của tiền ngoại.
Trong khi đó, HNX-Index đang có phần đuối sức khi PVS (+4,4%) xuất hiện lực bán ra tương tự như PVD. Chỉ số đại diện HNX-Index vẫn cầm cự tăng nhẹ (+0,33%) lên 231,32 điểm. Thanh khoản của HNX hiện đạt 82,72 triệu đơn vị, tương đương 1.462 tỷ đồng.
===============
Câu chuyện giá dầu và GVR vào MSCI vẫn còn nguyên giá trị để phe mua tiếp tục giải ngân vào nhóm cổ phiếu Dầu khí và Khu Công nghiệp. Hiện GVR (+6,8%) lại tăng trần lên 27.450 đồng/cổ phiếu, kéo theo KBC (+4,24%), SZC (+3,44%) tăng giá.

Top kéo điểm của VN-Index. (nguồn: Fiintrade)  
Trong khi đó, nhóm Dầu khí vẫn rất nóng và đang có PVD (+6,84%) xuất hiện ở vị trí cổ phiếu giao dịch mạnh nhất sàn. Chuyển động tăng giá của PVD vẫn đi kèm với các cổ phiếu trong ngành là GAS (+3,8%), PVT (+4,57%), PXS (+6,9%) và PVS (+8,25%) trên HNX.
Với trạng thái có lực kéo này, VN-Index đã rất nhanh chóng vượt qua nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên. Hiện chỉ số chưa thể tăng mạnh do các trụ quan trọng như VNM (-0,37%), VIC (-0,93%), HPG (-0,35%), VCB (-0,8%) đang thủ thế chờ các diễn biến của đáo hạn phái sinh chiều nay.
Ngoài nhóm Khu Công nghiệp và Dầu khí, thị trường không hẳn thiểu các cơ hội nhưng đây chủ yếu là các biến động của nhóm Midcap và Penny. HTN, NHA, IMP, CCL, TDH, LCG đang tận dụng cơ hội để tăng giá tốt hơn so với mặt bằng chung.

 Các cổ phiếu vượt đỉnh trên HOSE. (nguồn Fiintrade)
DGW (+6,2%) là trường hợp ấn tượng nhất của nhóm này. Hiện mức giá của DGW đang được xem là cao nhất lịch sử giao dịch của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn.
Tính đên 10h30, VN-Index đang tăng được gần 6 điểm lên 1.161 điểm. Giao dịch được điều tiết nên giá trị giao dịch đang ở dưới mức 7.000 tỷ đồng.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index  cũng tăng nhẹ lên 231,36 điểm. Nhân tố kéo chính hiện vẫn đang là PVS, đóng góp hiện vẫn đang nhỉnh hơn THD (+0,9%).


MAI HƯƠNG