Hoạt động thương mai sôi động trở lại trong năm 2021 đã châm ngòi cho việc thiếu hụt Container. HAH là một doanh nghiệp đang hưởng lợi rõ nét từ sự sôi động trở lại của thị trường vận tải.
[Cổ phiếu nổi bật tuần] HAH, hưởng lợi từ việc thiếu hụt Container

Ảnh minh họa.
Diễn biến giá HAH tuần qua
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2 ghi nhận trạng thái đi ngang rất khó chịu của thị trường chung. Tuy nhiên, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải Hải An lại may mắn thoát được sự lình xình của số đông để ghi nhận mức tăng tới 15,42%. Từ 18.800 đồng/cổ phiếu, HAH đã tăng lên 21.700 đồng/cổ phiếu.
hah13 urvf

 Nguồn Tradingview.
Ngoài tốc độ tăng tốt, mức giá đóng cửa cuối tuần qua của HAH còn là mức cao nhất kể từ năm 2016 nên không loại trừ HAH sẽ còn cần kiểm tra lại nền giá mới trước khi tăng tiếp. Hiện thanh khoản của cổ phiếu này sau giai đoạn duy trì khá đều quanh mức 1 triệu đơn vị từ cuối tháng 12/2020 đang có dấu hiệu nhận được lượng tiền mới bổ sung. 
Một số phiên cuối tuần qua đã ghi nhận, giao dịch gấp hơn 2 lần mức bình quân giao dịch 20 phiên gần nhất. Cùng với đó, đường MA5 cũng chỉ mới chớm cắt lên trên MA200 và vẫn đảm bảo được xu hướng ngắn hạn.
Kết hợp với yếu tố đang phá đỉnh đi lên, kịch bản hợp lý là HAH sẽ kiểm tra vùng giá 18.500 – 19.000 đồng/cổ phiếu rồi lại đi tiếp.
Lợi nhuận năm 2021 của HAH có thể tăng gần 30%
Theo đánh giá của Mirae Asset (MAS), Hải An nằm trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển hoàn thiện được chuỗi giá trị ngành Logistics: cảng biển – vận tải biển – dịch vụ kho bãi. HAH đang sở hữu đội tàu container lớn nhất cả nước với quy mô 7 tàu cùng tổng trọng tải đạt hơn 128.000 DWT. Trong đó, HAH chỉ vừa đầu tư tàu HAIAN VIEW vào tháng 7/2020 để tăng công suất thêm 20%.
Ngoài ra, mảng kho bãi HAH đã đầu tư Trung tâm Logistics Pan Hải An vào quý 2/2020. Vị trí Pan Hải An nằm ở cửa ngõ thuận lợi ở vị trí và là nhân tố kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Hải An.
hah2 mkns

 Nguồn MAS
Năm 2020, doanh thu và lãi ròng HAH đạt 1.192 tỷ và 147 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,5% và 10,5% so với cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 19,7% lên 20,1%; 2) mảng khai thác tàu đạt 945 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ nhờ sự phục hồi mạnh từ quý 4/2020; 3) chi phí lãi vay ở mức 23 tỷ đồng, tăng 35,3% do nhu cầu tăng nợ vay đầu tư tàu HAIAN VIEW và Trung tâm Logistics Pan Hải An.
Việc thiếu hụt container ở khu vực Châu Á đã tạo lợi thế lớn cho những doanh nghiệp vận tải biển container như HAH, trong điều kiện ngành hàng không cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng do phải giảm số lượt bay do thiếu hành khách vì dịch Covid. Đây là nhân tố hỗ trợ tăng cước phí và gia tăng lượt vận chuyển hàng cho mảng vận tải bằng container.
Năm 2021, MAS dự báo doanh thu và lãi ròng HAH đạt 1.404 tỷ và 190 tỷ đồng, tăng 17,8% và 28,9% cùng kỳ nhờ: 1) mảng khai thác tàu kỳ vọng doanh thu đạt 1.098 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ; 2) mảng khai thác cảng đạt 221 tỷ, tăng 28,1% nhờ đóng góp mới từ Pan Hải An; 3) biên lợi nhuận cải thiện từ 20,1% lên mức 21,5% nhờ giá vận tải cải thiện tích cực.
MAS đánh giá TÍCH CỰC dành cho HAH nhờ lợi thế bất ngờ từ việc thiếu hụt Container ở khu vực Châu Á và Pan Hải An kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục từ năm 2022 trở đi. Cuối cùng là tăng trưởng nhu cầu vận tải biển tự nhiên, đặc biệt tại khu vực Hải Phòng.


MAI HƯƠNG