30 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 20/04/2024

HomeSPECIALCPI cả năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề...

CPI cả năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

1213

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm. Ảnh: TL.

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm. Ảnh: TL.

Ngày 29/12, theo báo cáo được Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV và cả năm 2022 tăng lần lượt 4,41% và 3,15% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI, trong đó giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt. Giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng học phí năm học 2022-2023…

Một số yếu tố góp phần làm giảm CPI, bao gồm giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước. Nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước, làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm. Giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Riêng trong tháng 12, CPI giảm nhẹ 0,01% so với tháng trước và tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất sau một năm với 11,8% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,14% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,21%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,7%; giá lương thực tăng 2,91% và thực phẩm tăng 5,01%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tháng 12 giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu giảm 6,77%, dù giá vé taxi tăng 6,62%; vé ô tô khách tăng 16,62%; vé máy bay tăng 36,69%.

Trong tháng 12, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/12, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11.

Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng USD suy yếu. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12 tăng 0,45% so với tháng trước; 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.

Tính đến ngày 25/12, chỉ số USD bình quân tháng 12 trên thị trường quốc tế đạt mức 104,51 điểm, giảm 3,2 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.235 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 12 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09%.

Trong năm 2023, để hoàn thành mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI bình quân khoảng 4,5% Quốc hội đã đề ra, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan đề ra.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến