27.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 29/03/2024

HomeTài ChínhHạn hán đe dọa Trung Quốc, cơ hội 'sáng' với nhiều cổ...

Hạn hán đe dọa Trung Quốc, cơ hội ‘sáng’ với nhiều cổ phiếu ngành gạo và điện

1148

 Giá gạo toàn cầu sẽ lên mức cao

Trung Quốc đã trải qua hơn 10 tuần hạn hán lịch sử, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải thành phố Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở phíaTây Nam. Nhiều dòng sông lớn bị cạn nước dẫn đến khan hiếm nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp trong bối cảnh tháng 8 và tháng 9 là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho vụ thu hoạch, vụ được cho chiếm tới 2/3 tổng lượng lương thực hàng năm của nước này.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong bảy tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta sau Philipines, chiếm trên 11% tổng trọng lượng và trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt hơn 466 ngàn tấn gạo ( tương đương 242,74 triệu đô la). Do chính sách Zero Covid mà chính phủ nước này thực hiện, kết quả trên đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn đã tự chủ sản xuất hơn 95% gạo, lúa mì và ngô cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của Chứng khoán VNdirect cho biết: “Tình trạng hạn hán kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến vụ thu hoạch hè thu tại Trung Quốc, làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này từ các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan”. Ngoài ra, khi nhu cầu nhập khẩu của đất nước đông dân này gia tăng cũng sẽ góp phần gia tăng áp lực thêm cho nguồn cung toàn cầu vốn đang gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. 

“Chúng tôi cho rằng một số doanh nghiệp được hưởng lợi gián tiếp qua việc xuất khẩu gạo sang thị trường EU. Ngoài áp lực từ nguồn cung khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, thời tiết khô hạn tại Ấn Độ (quốc gia dẫn đầu thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu với 40%) cũng khiến cho vụ mùa nước này gặp nhiều khó khăn, hai yếu tố này nhiều khả năng sẽ đẩy giá gạo toàn cầu lên mức cao, bao gồm cả giá gạo Việt Nam xuất sang thị trường EU”, bà Trần Thị Khánh Hiền nhận định.

Cũng theo bà, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Âu dự kiến tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), mặc dù vậy thị trường EU mới chỉ chiếm 0,53% tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu và không nhiều doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vào thị trường này.

Bà Hiền khuyến nghị ba cổ phiếu ngành gạo gồm Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), Công ty GạoTrung An (HNX: TAR) và Tập đoàn PAN (HoSE: PAN). Đây là những doanh nghiệp được dự đoán sẽ ghi nhận tích cực ở mảng xuất khẩu.

Ngành điện hưởng lợi gián tiếp

Về ngành điện, theo chuyên gia của VnDirect, tình trạng hạn hán nắng nóng của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng trực tiếp do “hai quốc gia không có nhiều mối liên hệ trong ngành”. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp lại khó tránh khỏi.

“Hạn hán Trung Quốc sẽ có những tác động gián tiếp đến ngành điệnViệt Nam liên quan tới vấn đề giá cả nguyên liệu đầu vào cho phát điện, đặc biệt là giá than”, bà Trần Thị Khánh Hiền chia sẻ.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNdirect

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNdirect

Trung Quốc hiện đang là quốc gia tiêu thụ than nhiệt nhiều nhất thế giới khi chiếm khoảng 40% nhu cầu toàn cầu trong năm 2021, kéo theo nhu cầu than nhập lớn, trong đó hai quốc gia cung cấp lớn nhất là Indonesia với tỷ trọng là 62%, xếp sau là Nga với 17%.

Trong khi đó, nhu cầu điện tăng cao trong bối cảnh nắng nóng, cùng với tình trạng hạn hán làm hạn chế công suất các nhà máy thủy điện nên khả năng sẽ gây áp lực huy động nhiều hơn cho các nhà máy nhiệt điện than.

Đại diện VNdirect cho biết: “Chúng tôi cho rằng, nhu cầu than của Trung Quốc sẽ tăng cao, qua đó, gây áp lực lên giá than toàn cầu và sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên giá đầu vào của các nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn than nhập khập tại Việt Nam như Nhiệt điện Thái Bình, Sông Hậu… (sử dụng 100% than nhập khẩu), trong khi đó các nhà máy sử dụng than trộn sẽ bị ảnh hưởng nhẹ hơn do hiện tại Tập đoàn TKV và Tổng Công ty than Đông Bắc vẫn bảo đảm được nguồn cung trong nước”.

Hiện nay giá than nhiệt thế giới (tham chiếu với giá than Newcastle Úc) đã lại tăng lên vùng giá kỷ lục được thiết lập vào cuối tháng 2 (khoảng 420 USD/tấn), gấp gần 2,5 lần so với đầu năm nay.  

Tuy vậy, việc các nhà máy nhiệt điện than gặp khó khăn do giá than tăng cao có thể mở ra cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện khí khi diễn biến giá dầu (giá tham chiếu của giá bán khí tại Việt Nam) đang có xu hướng hạ nhiệt so với thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Và hiện Việt Nam vẫn đang hoàn toàn tự chủ nguồn cung cho các nhà máy điện khí nội địa.

“Theo đó, chúng tôi cho rằng một số cổ phiếu thuộc nhóm điện khí có thể được hưởng lợi gồm: NT2 và POW”, bà Hiền khuyến nghị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến