29.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeTài ChínhLiên tiếp phá rào tại các thị trường 'khó tính', xuất khẩu...

Liên tiếp phá rào tại các thị trường ‘khó tính’, xuất khẩu nông sản tăng trưởng nóng cuối năm

1117

nsk

Xuất khẩu nông sản tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế sau chặng đường 9 tháng. Trong nhiều biến động của thị trường hàng hóa, khó khăn về vận chuyển, chi phí sản xuất tăng cao do giá xăng dầu từ đầu năm tăng gần 50% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương mức tăng 5,4 tỷ USD); nhập khẩu ước đạt 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%.

Đáng nói là, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp lập kỷ lục lịch sử với 6,9 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu của cả nền kinh tế 9 tháng (6,5 tỷ USD).

Đặc biệt, trong 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, Việt Nam có lợi thế lớn về cà phê, cao su, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, ngành hàng cá tra Việt Nam, hiện xuất khẩu suýt soát 2 tỷ USD, cũng được xem là có vị trí độc tôn trên thương trường.

“Điều đáng mừng, là chúng ta đã chủ động, linh hoạt cả trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu lẫn chỉ đạo sản xuất và mở cửa thị trường. Chẳng hạn, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã chuyển dịch thành công sang xuất khẩu viên nén, dăm gỗ, giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.

 Có thể nói đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp đã tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, chủ động mở rộng thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cao.

“Sản xuất nông nghiệp đang giảm dần thế bị động, bám sát nhu cầu, thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định. Cùng với đó, việc mở rộng, hướng tới các thị trường có giá trị cao đã và đang định hình vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt hơn 2 tỷ USD” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Nông sản Việt từ xuất phát điểm đa phần là “vô danh”, xuất khẩu dưới dạng bao trơn hay dưới cái tên của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nay, nông sản Việt cũng đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện là 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Những con số minh chứng ngày càng có thêm nhiều nông sản mang thương hiệu Việt được thế giới biết đến và ưa chuộng.

Đặc biệt, nhờ xoay trục qua các thị trường khó tính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga, Braxin và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông… tăng cả khối lượng và giá trị, khiến còn hơn tuần nữa mới hết tháng 10, song ngành nông nghiệp đã chốt thu 55 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản, trong đó nhiều nhóm hàng lập kỷ lục. 

Cụ thể, gần nhất có 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam – Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt, và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

“Gần một tháng kể từ ngày xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng 100 tấn đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa 2 quốc gia hồi tháng 7, những chuyến xe chở đầy ắp loại quả đặc sản này vẫn tiếp tục nối đuôi nhau lên đường đi sang thị trường 1,5 tỷ dân.

Những ngày đầu tháng 10, khoảng 10.000 tấn sầu riêng đã được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, đánh dấu bước đầu thành công khi thâm nhập vào thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới này. Đáng nói, sầu riêng Việt cạnh tranh được cả về giá lẫn chất lượng với sầu Thái Lan”, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin.

Các doanh nghiệp cho hay họ liên tục nhận được những đơn hàng lớn từ các nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Ví như, Công ty TNHH XNK Vạn Xuân Phát mỗi tháng sẽ xuất 1.000 tấn sang Trung Quốc theo đơn đặt hàng của đối tác.

Công ty CP thương mại XNK Dũng Thái Sơn – cũng tiết lộ, doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng 500.000 tấn sầu riêng. Do đó, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành việc trồng từ 3.000-5.000 ha sầu riêng, tăng số lượng cung cấp cho thị trường tiềm năng này.

Và mới đây, sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Dự kiến tháng 11/2022, lô bưởi đầu tiên sẽ chính thức được xuất khẩu sang Mỹ. Tỉnh Bến Tre, địa phương nổi tiếng với vùng bưởi da xanh, đã đăng ký tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi đầu tiên này.

Theo các chủ nhà vườn, bưởi da xanh hiện đang xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá khoảng 2 USD/kg nhưng nếu xuất khẩu được sang Mỹ thì giá sẽ tăng thêm khoảng 20%-30%.

“Tỉnh Bến Tre có dự án mở rộng 900 ha vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu đi các thị trường, trong đó cơ sở đã bao tiêu 600 ha. Tôi phải xây dựng mã số vùng trồng để khi Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch đối với bưởi da xanh thì có hàng ngay. Một khi đã có mã số vùng trồng rồi thì hàng có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường, chứ không riêng Mỹ hay Trung Quốc”, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre) chia sẻ.

Sau thành công này, hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã nộp hồ sơ để mở cửa xuất khẩu chính ngạch khoai lang, và dừa vào thị trường Trung Quốc. Dự kiến, khoai lang sẽ là mặt hàng tiếp theo được phía Trung Quốc xem xét cho mở cửa xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ khảo sát trực tuyến kiểm tra vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói của Việt Nam để xem xét chấp thuận cho sản phẩm xuất chính ngạch.

Bưởi Việt Nam có cơ hội đem lại giá trị xuất khẩu cao khi Mỹ chính thức mở cửa cho loại quả này. Ảnh: TL.

Bưởi Việt Nam có cơ hội đem lại giá trị xuất khẩu cao khi Mỹ chính thức mở cửa cho loại quả này. Ảnh: TL.

Cùng chung niềm vui, gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi đó, ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – Nguyễn Ngọc Nam, một số sản phẩm gạo chất lượng cao đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Hiện tại, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới vẫn đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam rất cao. Những ngày gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm với giá bán tăng vọt.

“Giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, từ 700-1.250 USD/tấn. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này. Trung An đang dồn lực chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất khẩu dịp cuối năm”, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phấn khởi.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang bước vào “mùa vàng” của năm khi nhu cầu đối với mặt hàng thủy sản từ các thị trường tăng cao để phục vụ mùa lễ hội và Tết.

Ngoài “vua” tôm và “nữ hoàng” cá tra chiếm thế thượng phong, thì mặt hàng mực và bạch tuộc của Việt Nam cũng đang lần lượt ghi tên tại các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ đó, tính đến hết tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 557 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ. Tại khối thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này sang Tây Ban Nha và Pháp cũng tăng tới 152% và 76%.

Một công ty trong ngành thủy sản chia sẻ, thời điểm này, các nhà máy chế biến của họ cũng phải hoạt động hết công suất để kịp trả đơn hàng cuối năm. Bởi, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU,… sẽ tăng mạnh từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội.

Nhiều trợ lực cho xuất khẩu gặt trái ngọt, khi mới đây, tại hội thảo “Đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và thực phẩm trong bối cảnh hậu đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu”, ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM chia sẻ, hàng nông sản Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn thuộc các hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài.

“Hiện nay đại diện các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Walmart, Central Group, Aeon, Lotte, Decathlon,… sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu những sản phẩm gốc Việt vào hệ thống phân phối của họ với những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khắt khe về chất lượng, số lượng, giá cả, phản ứng của người tiêu dùng. 

Theo đó, xây dựng nhà máy và chuẩn hóa bài toán chất lượng để làm sao vào các thị trường khó tính như châu Âu. Hiện nay, hàng hóa vào châu Âu của chúng ta rất thuận lợi”, ông Lữ cho hay.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, nông sản Việt Nam xuất khẩu đang có nhiều lợi thế. Giá USD liên tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trợ lực bởi hàng hóa của Việt Nam sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Thực tế, thị trường châu Âu và Mỹ vào mùa cao điểm lễ hội đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng “nóng” hồi cuối năm 2021.

Quá trình này được dự báo sẽ vắt sang năm 2023, bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động. Điều này đồng nghĩa với giá USD còn đi lên. Ở chiều ngược lại, tiền đồng (VND) đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai, góp phần giúp hàng hóa xuất khẩu tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Đáng chú ý, để trợ lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường cho nông sản Việt; tiếp tục phối hợp với cơ quan thương vụ Việt Nam, tham tán nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.

Cụ thể, đầu tháng 11, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; chanh leo, dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ; bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc; chanh leo xuất khẩu sang Úc, cây có múi xuất khẩu đi New Zealand… Chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống như chuối, thanh long, xoài, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ cũng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.

Cùng với đó, trao đổi, hoàn thiện và thống nhất với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với chuối, thanh long, xoài, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc; thúc đẩy việc đàm phán xây dựng Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối ớt, khoai lang…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến