29.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 24/04/2024

HomeTài ChínhTăng lãi suất điều hành: 'Nước cờ' khôn ngoan của Ngân hàng...

Tăng lãi suất điều hành: ‘Nước cờ’ khôn ngoan của Ngân hàng Nhà nước?

1084

 

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Ảnh: TL.

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Ảnh: TL.

Điều gì cần đến đã đến

Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/9, ngân hàng Nhà nước  đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/09/2022.

Sau một  thời gian “nín” hết cỡ, việc tăng lãi suất của Việt Nam chính thức góp mặt vào “dàn đồng ca tăng lãi suất” – là một xu thế khó tránh khỏi và đã được dự báo trước cả quyết định ngày 21/9 của Fed. Những con số thống kê thanh khoản và phân tích áp lực từ tỷ giá đã cho thấy: Tăng lãi suất – việc gì đến sẽ phải đến. 

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở lớn. Hơn bốn mươi ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất ít nhất hai, ba lần từ đầu năm với mức tăng tổng cộng 2%-3%. Sau các đợt tăng lãi suất dứt khoát với mức 0,75%/năm/đợt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mặt bằng lãi suất toàn cầu đã ở tầm mới. Cả thế giới đang vào cuộc chống lạm phát. Việt Nam kiềm chế lạm phát tốt từ đầu năm đến nay, song áp lực lạm phát đang tăng lên. Nếu không chủ động ngăn chặn và hoá giải áp lực lạm phát ngay lúc này, trước sau lạm phát bên ngoài cũng sẽ lan tới Việt Nam.

Bởi trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước có 2 công cụ chính gồm lãi suất và cung tiền. Dù Việt Nam từ đầu năm tới nay chưa dùng tới công cụ lãi suất nhưng dùng cung tiền rất chặt. Mà trong chính sách tiền tệ liên quan tới cung tiền còn mạnh hơn yếu tố lãi suất.

Về cung tiền, từ đầu năm Việt Nam hạn chế tăng trưởng tín dụng bằng room tín dụng cấp cho các ngân hàng. Thứ hai, kiểm soát cung tiền từ việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, thu tiền VNĐ từ hệ thống ngân hàng về. Thứ ba là công cụ phát hành tín phiếu để thu tiền về. Việt Nam vẫn làm mạnh kiểm soát cung tiền, đó là lý do vì sao chưa tăng lãi suất.

Đến thời điểm này tăng lãi suất vì câu chuyện Fed đưa ra chính sách “diều hâu”, không chỉ tăng 0,75% trong tháng 9 mà còn có thể tăng tiếp hơn 1% cuối năm. Đồng USD tăng lên là rõ, nên đây là thời điểm phù hợp nhà điều hành sử dụng công cụ lãi suất để điều hành vĩ mô trong thời gian tới.

Ngoài cung cụ kiểm soát cung tiền thì phải tăng lãi suất VND để ổn định tỷ giá chứ không thể sử dụng mãi công cụ bán ngoại tệ ra được, nếu bán nhiều quá thì dự trữ ngoại hối giảm nhanh.

Trên thực tế, khoảng cách chênh lệch lãi suất trước đó giữa VND và USD là 6% và 2,5%; sau đó là 4% và 0%; hiện tại FED tăng lãi suất lên 2,5% trong khi lãi suất chính sách Việt Nam vẫn để 4%.

Theo đó, khi FED tăng tiếp lên mức 3,25%, nếu lãi suất chính sách của VND vẫn để 4% thì biên độ chênh lệch lãi suất quá hẹp, kéo theo đó là rủi ro cho VNĐ và gây áp lực khủng khiếp lên tỷ giá khi tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ bùng trở lại như từng diễn ra trong các năm 2007 – 2010.  

“Đây rõ ràng là một trong biện pháp hành động trước, đi trước một bước để sau này không phải đối mặt với những căng thẳng. Khác với Fed, trước đây nới lỏng quá lâu, hành động muộn dẫn tới phải tăng lãi suất gấp rút trong điều kiện lạm phát phi mã. Việt Nam nhìn câu chuyện đó cũng rút ra bài học”, các chuyên gia nhận định.

Cũng phải nhìn nhận rằng, việc “ra tay” lần này được đánh giá là bước đi cần thiết giữ chân và thu hút các nguồn vốn đầu tư. Với lần điều chỉnh lãi suất điều hành này của Ngân hàng Nhà nước, mức độ biến động không quá lớn. Đồng nghĩa với việc bảo toàn giá trị đầu tư của các dòng đầu tư ngoại. Dù tác động tâm lý đâu đó không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tuần. Giá trị bán ròng gần 600 tỷ đồng (597 tỷ), tính riêng trên sàn HSX, tương đương 25 triệu USD. Nhưng tính chung quý III, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng.

“Theo khảo sát mới đây của chúng tôi, các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên đến các yếu tố vĩ mô như câu chuyện lạm phát hay chính sách của ngân hàng trung ương với lãi suất là gì. Ở Việt Nam nhờ sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ các yếu tố này đang được điều hành tốt nên Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất trong các thị trường mới nổi theo như một khảo sát mới đây của chúng tôi”, ông Dominic Brown – Giám đốc thông tin và phân tích thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield, đánh giá.

Có sự đánh đổi? 

Bây giờ là thời điểm

Bây giờ là thời điểm “lửa thử vàng” để doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tiết giảm chi phí trên mọi phương diện và cạnh tranh để giữ thị phần. Ảnh: TL.

Trong báo cáo cập nhật về động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Dù vậy, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Do đó, biên độ lợi nhuận toàn ngành dự báo sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng.

Tại phiên họp trước đó ngày 22/9, Thủ Tướng đã yêu cầu ngân hàng nhà nước xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ  ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, rõ ràng hiện nay việc tăng lãi suất điều hành đặt trong mối tương quan bình ổn lãi suất cho vay theo gợi ý của Chính phủ cho thấy tính khả thi của khả năng bình ổn này rất khó khăn, nếu như không muốn nói là bất khả thi.

Bởi lý do đơn giản khi đã tăng các lãi suất đầu vào, chi phí vốn của ngân hàng sẽ tăng lên, lãi suất huy động tăng đương nhiên giá vốn đầu vào cao hơn, nếu như không có sự hỗ trợ của nhà nước thì đương nhiên lãi suất đầu ra của ngân hàng phải tăng lên theo. Như vậy, cam kết giữ lãi suất đầu ra sẽ rất khó khăn, đặc biệt Việt Nam hiện nay không những can thiệp vào lãi suất mà còn can thiệp vào cả mặt lượng – tức là trần tín dụng.

Dù đã có sự chuẩn bị từ trước cho viễn cảnh Fed tăng lãi suất. Ví dụ như thời gian gần đây mức lãi suất trong nước đã “rục rịch” tăng lên. Lãi suất qua đêm luôn ở mức 4%-5%, tạo sự chênh lệch lớn với lãi suất USD ở thời điểm hiện tại…song hiện nay, việc mất cân đối giữa huy động-cho vay đã lên tới 7%, điều này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên đà tăng lãi suất.

“Về lâu dài đây có sự đánh đổi, mình chấp nhận hy sinh một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong nước nhưng giữ được cam kết về vấn đề tỷ giá. Và khi khó khăn của kinh tế thế giới qua đi, mình có thể kéo dòng vốn ngoại trở lại tốt hơn”, ông Phạm Thế Anh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhìn nhận.

Song suy đi ngẫm lại, với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng đã dự đoán việc tăng lãi suất từ quý II năm nay và ít nhiều có sự chuẩn bị. Vấn đề đối với họ chỉ là thời điểm nào? Do đó tăng lãi suất lần này giống như cởi bỏ tâm lý. Giới doanh nghiệp, những người vay vốn chấp nhận lãi suất mới với kỳ vọng gì? Đó là tăng trưởng kinh tế. Có tăng trưởng, có sức mua, hàng hoá vẫn tiêu thụ được, dòng tiền vẫn về là điều doanh nghiệp cần. 

Mặc dù, người đi vay chắc chắn không dễ chịu bởi chi phí sản xuất bị đẩy lên, nhưng ít nhất họ vay được và dòng tiền luân chuyển sẽ nhanh hơn. Tiền được quay vòng nhanh, chảy vào đúng nơi cần sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm bớt các hiện tượng ứ đọng như chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp vốn đang rất phổ biến.

Đây được xem là thời điểm “lửa thử vàng” để doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tiết giảm chi phí trên mọi phương diện và cạnh tranh để giữ thị phần.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến