30 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 20/04/2024

HomeTài ChínhTháo gỡ những 'điểm nghẽn' để xuất khẩu gạo không dừng ở...

Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để xuất khẩu gạo không dừng ở con số 3 tỷ USD 

1108

 

Vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo hiện nay không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành lúa gạo. Ảnh: TL.

Vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo hiện nay không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành lúa gạo. Ảnh: TL.

Thời gian qua, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo mang về cho nước ta 1,4 tỷ USD.

Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao, việc chen chân vào thị trường cao cấp để nâng giá trị hạt gạo lại chưa thuận lợi. 

Bên cạnh đó, những khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa, trong đó, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí logistics… tăng cao chưa từng có, làm giảm sức cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Để Việt Nam giữ vững “ngôi vị” xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp, bà con nông dân, chia sẻ tại Hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”, ngày 22/6, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo hiện nay không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành lúa gạo. 

Theo ông Toản, nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành lúa gạo đã được đề ra, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn có những nút thắt. Cơ quan nhà nước cần thúc đẩy hỗ trợ các chi phí hạ tầng liên kết, thành lập những tổ công tác cộng đồng liên kết bà con nông dân với các hợp tác xã…

“Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá trị hạt gạo, giá thành xuất khẩu”, ông Toản nói.

Đặc biệt, ông Toản thông tin, hiện nay ngành nông nghiệp cùng với bà con nông dân, các hợp tác xã chuyển đổi sản xuất, trong hoàn cảnh khó khăn của thị trường, nông dân cần có những phương thức tiết kiệm chi phí đầu vào. Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động, tích cực tìm kiếm những thị trường mới.

“Khơi thông thị trường xuất khẩu gạo nằm ở hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan… Việt Nam vẫn phải chịu biện pháp phòng vệ, thuế suất đặc biệt là Trung Quốc. Chuyên gia này lưu ý, khi xuất khẩu gạo số lượng lớn, trong thời gian ngắn vào một thị trường, Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro về thuế quan. Gạo là sản phẩm nhạy cảm nên các hàng rào thương mại là nguy cơ”, ông Toản nhìn nhận.

“Tóm lại, câu chuyện gồm vùng nguyên liệu, giám sát chất lượng, thương hiệu. Cần có giải pháp kèm theo để giải quyết dòng chảy. Không phải khơi thông mà khơi thông nâng cao giá trị lúa gạo. Tôi nghĩ sắp tới cơ hội lớn, chúng ta có đủ điều kiện cho ngành gạo phát triển mạnh hơn”, ông Toản nhấn mạnh.

“Đánh” vào các thị trường bền vững 

Nhận định về vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2021, các thị trường xuất khẩu gạo ổn định như Philippines, Trung Quốc, trong khi Indonesia và Malaysia giảm mạnh, cho thấy thị trường Đông Nam Á chúng ta trông cậy chủ yếu ở thị trường Philippines. 

“Chúng ta nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm nhưng mình không có và ngược lại, người tiêu dùng dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Như thị trường Philippines, họ thích ăn gạo Việt hơn, vậy Việt Nam ổn định thị trường này. Không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng thị trường bền vững”, ông Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nam nhận định, để “lọt” vào thị trường cao cấp rất khó khăn bởi tiêu chuẩn khắt khe và việc đảm bảo chất lượng đồng đều không dễ.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nam cho rằng, để gạo Việt đi vào thị trường Mỹ, Nhật, EU đều phức tạp. Trong khi nhiều năm nay, gạo thơm Việt Nam có tín hiệu xuất khẩu tốt tại Philippines, một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích loại gạo thơm của Việt Nam, kể cả tấm, hay như ST21 của Việt Nam có thể “vượt mặt” Thái Lan khi xuất khẩu sang Trung Quốc…

“Đây là gợi ý cho chúng ta, nên tập trung vào thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối tốt thay vì lan man đi nhiều thị trường như hiện nay”, ông Nam cho hay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến