30 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 19/04/2024

HomeTài ChínhViệt Nam đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu xanh ở...

Việt Nam đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu xanh ở khu vực ASEAN

1084

Climate Bonds và Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo mới chỉ ra xu hướng chính cần nắm bắt nhằm củng cố tài chính bền vững ở khối ASEAN, đồng thời đề cập đến những trái phiếu chưa được xếp loại từ các nhà phát hành có chiến lược phù hợp với vấn đề khí hậu.

Đáng chú ý, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua.

1507_20.HSBC_2

Thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 với lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ GSS đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020, và nợ liên kết bền vững (sustainability-linked) đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng này phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch Covid-19 bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp trong dài hạn.

Các khoản nợ được phân loại nhãn xanh (Green-labelled), bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh, tiếp tục là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS trong năm 2021.

63,9% các giao dịch GSS bắt nguồn từ ASEAN trong năm 2021 là giao dịch xanh, sau đó là tới giao dịch bền vững (35,5%), trong đó mảng bền vững cũng tăng lên so với năm 2020 (26%). Tỷ trọng phát hành nợ xã hội trong khu vực còn khá thấp (0,6%) trong năm 2021.

Trái phiếu do doanh nghiệp phi tài chính phát hành chiếm phần lớn (79%) khối lượng giao dịch xanh của ASEAN trong năm 2021, trái phiếu chính phủ tiếp tục thống lĩnh thị trường xã hội và bền vững, chiếm 51% lượng phát hành.

Nợ liên kết bền vững chứng kiến mức tăng trưởng theo cấp số nhân, ghi nhận thêm 27,5 tỷ USD trái phiếu liên kết bền vững (sustainability-linked bonds – SLB) và khoản vay liên kết bền vững (sustainability-linked loans – SLL) trong năm 2021 và nhờ vậy vượt qua khối lượng nợ GSS truyền thống. Tổng giá trị thị trường SLL và SLB vào cuối năm 2021 cũng tương đương với giá trị thị trường nợ xanh, đạt khoảng 39 tỷ USD.

Thị trường trái phiếu chuyển đổi vẫn còn sơ khai. ASEAN ghi nhận trái phiếu chuyển đổi đầu tiên trong năm 2021 khi Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở Singapore phát hành 2 tỷ USD trái phiếu nhằm hỗ trợ các ngành phát thải các-bon nhiều ở Trung Quốc như khí đốt và các hoạt động sản xuất điện khác, sản xuất và thép.

Tăng trưởng của thị trường nợ bền vững ASEAN vẫn được khuyến khích bởi những bước tiến về chính sách hỗ trợ trong năm 2021. Các bên liên quan đã và đang nỗ lực thiết lập hệ thống phân loại xanh quy chuẩn nhằm mang đến một định nghĩa chung rõ ràng về các hoạt động bền vững.

Doanh nghiệp phi tài chính thống lĩnh thị trường phát hành nợ xanh ở ASEAN năm 2021. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp phi tài chính thống lĩnh thị trường phát hành nợ xanh ở ASEAN năm 2021. Ảnh minh họa.

Ở cấp độ khu vực, ASEAN Taxonomy Board đã công bố bản dự thảo Hệ thống phân loại của ASEAN vào tháng 11/2021 trong khi nhiều nước thành viên như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang đạt được tiến độ nhất định trong việc phát triển hệ thống phân loại quy chuẩn của từng nước. Nhiều nước vẫn duy trì chương trình của Chính phủ tài trợ chi phí phát hành trái phiếu GSS, ví dụ như Singapore và Malaysia. Yêu cầu về báo cáo bền vững đối với các doanh nghiệp cũng được tăng cường tại Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.

Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Hai giao dịch lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vinpearl và khoản vay xanh 400 triệu USD của VinFast (giá trị tại thời điểm công bố giao dịch tháng 12 năm 2021. Giao dịch nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, giúp tăng quy mô khoản vay lên 500 triệu USD khi giao dịch đóng sổ).

Theo HSBC, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn các ngân hàng phát triển là nhóm phát hành lớn thứ hai.

Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số sửa đổi quan trọng; trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Việt Nam đang phát triển hệ thống phân loại được ban hành cùng với bộ luật, dự kiến được ban hành vào năm nay.

Bên cạnh đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon.

Sean Kidney, Tổng Giám đốc, Climate Bond Initiative cho rằng, một số chính sách trong khu vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của tài chính bền vững ở ASEAN và có thể thấy rõ nhận thức về rủi ro khí hậu đã được nâng cao cả từ phía các nhà làm chính sách lẫn nhóm nhà đầu tư.

“Mặc dù chúng tôi có thể thấy sự quan tâm lớn trên thị trường, vẫn còn đó một khoảng trống cần được sớm lấp đầy. Các ngành phát thải nhiều và khó thay đổi phải nhanh chóng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”. Đó là những hoạt động, tài sản và dự án liên quan đến năng lượng, công nghiệp sản xuất nặng và nông nghiệp. Những sáng kiến ở phạm vi quốc gia như Green Financial Industry Taskforce (GFIT) của Singapore là một khởi đầu tốt nhưng chúng ta cần hành động nhanh hơn để những khu vực dễ bị tổn thương như ASEAN bớt bị ảnh hưởng trước hậu quả của biến đổi khí hậu”, ông bày tỏ.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến