31.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 25/04/2024

HomeKhácChính sách tài khóa: 'Liều thuốc' tăng sức đề kháng cho doanh...

Chính sách tài khóa: ‘Liều thuốc’ tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng

1142

Thời gian qua, các chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ví như liều vaccine giúp doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TL.

Thời gian qua, các chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ví như liều vaccine giúp doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TL.

Nhiều nút thắt được tháo gỡ

Từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.

Chính vì vậy, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. 

Cụ thể vào đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.

Tiếp đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, với quy mô hỗ trợ lên tới 350 nghìn tỷ đồng…

Đây được cho là những giải pháp khá kịp thời, dài hơi, với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm tới 83% trong tổng số các nhiệm vụ của chương trình này. 

Nhấn mạnh về kết quả đạt được qua một loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khủng hoảng, chia sẻ tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình Phục hồi, Phát triển kinh tế – xã hội”, ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, đến thời điểm này, một số chính sách, như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống, được dư luận đánh giá cao. 

“Hàng loạt doanh nghiệp trong nước quay trở lại hoạt động với số lượng đăng ký cả quý 1/2021 đạt kỷ lục hơn 60.000 đơn vị, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cũng tiếp tục tăng hơn 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85,58 tỷ USD bất chấp tình hình vận chuyển quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia còn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.

Đồng thời, giải đáp một số vấn đề nóng tại diễn đàn, như giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến hồi phục, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế”.

Bộ Tài chính luôn có tính toán để làm sao đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.

“Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là làm sao phát triển của doanh nghiệp, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Khi kéo dài gói kích cầu từ 2022 – kết thúc 2023, đòi hỏi các công tình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, cung ứng vật tư kịp thời, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi, thu hồi nhanh, thực hiện dự án nhanh”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Bên cạnh đó, xoay quanh ý kiến về hoàn thuế cho ngành điện, Tư lệnh ngành tài chính cho hay, khi ban hành Nghị định phải lấy ý kiến 1 số bộ ngành khi đưa vào yêu cầu giấy phép sử dụng điện. Tuy nhiên, công trình hoàn thành mới có giấy phép này còn dở dàng thì không có nên sẽ không nằm trong đối tượng được hoàn. Nhưng sắp tới sẽ đề xuất đưa vào họp Chính phủ để có nghị quyết riêng để giải phóng những điểm nghẽn này.

Tính chuyện đường dài cho doanh nghiệp

Khẳng định thông điệp luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh:

Khẳng định thông điệp luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh cùng doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Ảnh: TL.

Chia sẻ tại diễn đàn, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, nêu ý kiến, “Đề nghị Bộ trưởng Tài chính lưu ý vấn đề về thủ tục hành chính, dù nói cắt giảm nhưng mỗi khi có luật mới, nghị định mới được ban hành là lại có thủ tục mới và bao giờ cũng phức tạp hơn thủ tục cũ”.

“Thế giới cảnh báo tình trạng các chính phủ áp dụng quán tính như trong đại dịch là rất nguy hiểm. Vì vậy, Chính phủ cần trở về chức năng của mình là quản lý nhà nước bằng Chính phủ số, Chính phủ điện tử; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thực hiện lợi ích, quyền hợp pháp của mình, không can thiệp vào quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nêu rõ.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng chỉ rõ 3 quan điểm đề nghị Bộ trưởng lắng nghe: Một là quan điểm hệ thống toàn diện, không chỉ tính tới thu chi ngân sách mà cần coi đó là vấn đề phục hồi kinh tế. Hai là cần có quan điểm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi để kinh tế phát triển. Ba là tính tới lợi và hại.

“Petrovietnam tăng thu, tăng nộp thuế rất cao trong quý đầu năm thì phải tính đến nếu giải quyết bài toán xăng dầu để doanh nghiệp vận tải phát triển, họ cũng sẽ nộp cho ngân sách Nhà nước, không phải nhận trợ cấp nữa. Đó là bài toán khó, mong rằng Bộ giao cơ quan nào đó có năng lực để ra phương án trình Bộ trưởng và Chính phủ với giá xăng dầu trong thời gian tới”, ông Mại nhìn nhận.

Để kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, Bộ trưởng Tài chính cho hay, sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu.

Đồng thời, tích cực rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

“Chúng tôi đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi xin tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Tài chính nói.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến