34.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 18/04/2024

HomeKhácHướng đi nào cho doanh nghiệp Việt để làm chủ 'cuộc chơi'...

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt để làm chủ ‘cuộc chơi’ M&A?

1059

Thị trường M&A ngày càng chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước, cho thấy

Thị trường M&A ngày càng chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước, cho thấy “sân chơi” này không dành riêng cho doanh nghiệp ngoại. Ảnh: TL.

Cuộc lột xác tỷ USD của “ông lớn” Việt 

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, thị trường M&A Việt Nam vẫn bùng nổ và sôi động. Theo KPMG Việt Nam, giá trị thương vụ M&A trong nước đã tăng 2,2 tỉ USD vào năm 2020, tăng trưởng 201% so với năm 2019. Năm 2021, giá trị giao dịch vẫn được duy trì ở mức ổn định với 1,6 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, nếu như trước đây, hoạt động M&A chủ yếu được dẫn dắt bởi các “ông lớn” từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, thì làn gió đã đổi chiều khi thị trường đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp nội, khi ngày càng chiếm thế chủ động trong cuộc chơi M&A.

Cụ thể, các nhà đầu tư trong nước đã tham gia mạnh mẽ vào hoạt động M&A với 133 giao dịch; các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành lần lượt 30 và 19 giao dịch. Đặc biệt, các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD, chỉ kém 68 triệu USD so với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần FE Credit (trị giá 1,3 tỷ USD), thì các doanh nghiệp Việt Nam vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.

Điển hình, vào đầu năm 2021, thị trường M&A Việt đã bùng nổ nhiều thương vụ bom tấn làm khuấy động thị trường trong cả vai trò bên mua và bên bán, khi chứng kiến cuộc “đổi chủ” tại Vinahud bằng việc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thoái vốn, nhường “sân chơi” tại Vinahud cho sự trở lại của ông Trương Quang Minh và nhóm cổ đông mới tới từ R&H Group.

Hay như đầu tháng 6 năm nay, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt công bố đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông Công ty CP Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu Dự án Chung cư Bình Dương Tower và toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển, kinh doanh dự án này.

Gần đây nhất, Quỹ đầu tư Quadria Capital tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên khắp Nam Á và Đông Nam Á đã rót 100 triệu USD vào chuỗi Con Cưng giữa tháng 1/2022, dự báo, chuỗi Con Cưng sẽ có cuộc lột xác ngoạn mục với 1.000 cửa hàng mới sẽ ồ ạt được “khai sinh” trong năm 2022.

“Gia tăng M&A giúp doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh, đây là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, góp phần tạo chuỗi cung ứng trong và ngoài nước liền mạch, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng”, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định.

Chiến lược “thay máu” để đi để đường dài

Tái cấu trúc để phân bổ nguồn lực hợp lý hơn là cách để doanh nghiệp vực dậy và vững bước trong bối cảnh mới như hiện nay. Ảnh: TL.

Tái cấu trúc để phân bổ nguồn lực hợp lý hơn là cách để doanh nghiệp vực dậy và vững bước trong bối cảnh mới như hiện nay. Ảnh: TL.

Năm 2022 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã sẵn sàng đón nhận những cơ hội cũng như thách thức mới. Để đi đường dài, bên cạnh việc tích lũy đủ nguồn lực, dòng tiền để sẵn sàng tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, thì họ đã chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái, tạo lập chuỗi giá trị mới thông qua hoạt động M&A như một chiến lược “thay máu” để vươn mình.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland “chuyển mình” từ nhà phát triển bất động sản thuần túy thành tập đoàn đa ngành. Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc Novaland cho biết, ngoài việc phát triển quỹ đất để vừa xây dựng dự án, phương châm của nhà sáng lập là kiến tạo cộng đồng, phụng sự cộng đồng, buộc NovaGroup phải hệ thống xây dịch vụ hỗ trợ cho khu đô thị như hệ thống F&B, resort, giáo dục… Do đó từ các nhánh nhỏ Tập đoàn đầu tiên tự phát triển sau đó M&A để gom lại thành Nova Service Group để hỗ trợ NovaLand để kiến tạo cộng đồng.

Tương tự Novaland, Công ty cổ phần Bamboo Capital, đã liên tục M&A nhiều dự án để nhanh chóng xây dựng mảng kinh doanh chủ lực của mình là năng lượng tái tạo và bất động sản.

Tính tới cuối tháng 9/2021, Bamboo Capital đã công bố kế hoạch chi hơn 797 tỷ đồng nhằm thâu tóm 71% vốn Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Theo đó, tài chính sẽ là mảng kinh doanh chiến lược thứ 5 của Bamboo Capital, bên cạnh sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, điều đáng lưu ý khi tham gia “cuộc chơi” này là các doanh nghiệp Việt cũng cần hết sức cẩn trọng khi gặp khó, phải bán bớt đi dự án, cắt lỗ để dồn lực cho hoạt động cốt lõi mà tiến hành M&A. Đồng thời, phải cân nhắc tùy theo mục tiêu hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh để có thể tính tới việc kêu gọi các doanh nghiệp Việt tham gia hoạt động M&A, như vậy vừa đạt được mục tiêu hợp lực cùng phát triển, vừa tránh được tình trạng thương hiệu Việt “mất hút” vào tay doanh nghiệp ngoại.

“Không nên xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu…”, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam nhận định.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến