33 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 19/03/2024

HomeMạng Xã HộiÔng Abe ra đi, di sản đồ sộ ở lại

Ông Abe ra đi, di sản đồ sộ ở lại

1315

Sốc và bàng hoàng là phản ứng của nhiều người khi hay tin cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát và không qua khỏi. Nghi phạm không chủ ý trốn chạy và đã bị bắt ngay tại hiện trường. Sự ra đi của ông Abe không chỉ để lại tiếc thương cho người Nhật mà còn cho cả thế giới, những người biết đến ông!

Vì sao ông Abe Shinzo được người Việt Nam yêu mến?

Nếu tình cảm đặc biệt của Abe Shinzo dành cho Việt Nam xuất phát từ trái tim, thì sự tận tâm vun đắp mối quan hệ Việt – Nhật xuất phát từ tầm nhìn của ông.

Cố Thủ tướng Abe Zhinzo vượt lên ở tầm nhìn và đọng lại trong tâm cảm của công chúng bởi nhân cách.

Abe chết trong lúc đang cúc cung tận tụy phục vụ Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản. Hình ảnh một “ông già hưu trí” đang đứng trước đám đông để thuyết trình, vận động bầu cử cho các thành viên chính đảng của mình, bị ám sát khiến thế giới bàng hoàng.

Abe Shinzo đã dành trọn đời mình cho lý tưởng chính trị là chấn hưng nước Nhật trong tầm nhìn Châu Á – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phồn thịnh. Nếu tình cảm đặc biệt với Việt Nam xuất phát tự nhiên trong trái tim Abe thì những nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ Nhật – Việt, Nhật – ASEAN lại xuất phát từ viễn kiến của một chính khách lỗi lạc nhằm định hình cấu trúc an ninh quốc tế thế kỷ 21, để chống lại các mối đe dọa từ chính trị cường quyền.

“Không gì có thể chặn được sông Hồng nối dòng đến vịnh Tokyo”, phát biểu của Abe Shinzo trước các nhà báo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017, đã khiến nhiều người Việt Nam xúc động.

Không chỉ nhiều lần đến thăm Việt Nam, trong đó lần nhậm chức thứ 2 (năm 2013), ông đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để công du nước ngoài, Shinzo Abe còn nhiệt thành ủng hộ nhiều hoạt động có ý nghĩa của Việt Nam tại Nhật Bản.

Tháng 6-2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật, các cơ quan hợp tác kinh tế của hai bên đã tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, thu hút tới gần 2.000 quan khách. Abe Shinzo đã bất ngờ xuất hiện, ông nói: “Tôi chưa từng dự một sự kiện xúc tiến đầu tư nào của nước ngoài tại Nhật Bản. Nhưng hôm nay tôi đến dự sự kiện này của Việt Nam và kêu gọi các doanh nhân Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”.

Cho đến thời điểm này, đó vẫn là lần đầu tiên và duy nhất Thủ tướng Nhật Bản tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư của quốc gia khác và kêu gọi doanh nhân đầu tư vào nước bạn. Abe Shinzo xuất hiện tại hội nghị vào cuối buổi chiều, ông cho biết là vừa phải xin phép hạ viện kết thúc sớm cuộc chất vấn để đến cho kịp giờ…

Tháng 9-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản, trước đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật, ông nói: “Với nhân dân Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là một đối tác quan trọng, mà còn là người bạn lớn có vui cùng hưởng, gặp hoạn nạn cùng sẻ chia”.

abe nguyen phu trong 1657341752125703682562
Thủ tướng Abe Shinzo (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tokyo, tháng 9-2015 – Ảnh: Reuters

Vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có nỗ lực của nhiều thế hệ, nhiều nhân vật, và Abe Shinzo đã để lại dấu ấn đặc biệt, góp công lao to lớn.

Với nhiều người Việt Nam, sự yêu mến dành cho Abe Shinzo không chỉ là do ông có tình cảm đặc biệt với chúng ta và đóng góp cho việc vun đắp mối quan hệ, mà còn bởi hình ảnh một mẫu hình lãnh đạo trong văn hóa Á – Đông: mạnh mẽ, bình dị, mẫu mực.

Dù có thời gian làm thủ tướng lâu nhất ở Nhật Bản, ông Abe được cho là một lãnh đạo không tham quyền cố vị. Cả hai lần ông từ chức Thủ tướng đều có lý do sức khỏe không cho phép (ông mắc bệnh viêm loét đại tràng). Khi không giữ cương vị thủ tướng, ông đều lui về hậu trường, tận tụy phục vụ Đảng Dân chủ Tự do.

Ông làm việc suốt đời. Một người bạn Nhật kể với tôi rằng, Abe Shinzo từng ủng hộ phong trào kêu gọi người Nhật bớt làm việc, mỗi tuần ít nhất hai ngày nghỉ đúng giờ, nhằm củng cố nền tảng gia đình, để mọi người có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cũng với mong muốn ngăn chặn đà giảm dân số ở Nhật Bản. “Nhưng Thủ tướng chỉ “gương mẫu” được có mấy tuần, rồi người ta lại chứng kiến văn phòng của ông luôn sáng đèn đến 22h”, người bạn Nhật kể.

Dù sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt (ông ngoại làm thủ tướng, bố là ngoại trưởng), Abe Shizo đã chọn lối sống bình dị, gần gũi với công chúng. Những hình ảnh như bữa ăn giản dị của ông Abe hay khi ông cúi gập người chào cụ già trên đường làng đã được nhiều người Việt Nam chia sẻ, ngưỡng mộ.

Chính lối sống bình dị, sự “giữ gìn” của Abe đã bảo vệ sự nghiệp chính trị lẫy lừng của ông, chống lại các cáo buộc của đối thủ về việc gia đình ông có liên quan đến nhóm lợi ích hoặc tham nhũng.

Có lẽ, những điều Abe Shinzo còn tiếc nuối khi đột ngột từ biệt thế giới này là mong muốn sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản chưa được thực hiện, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải gác lại…

Nhiều người Việt Nam rất nhớ Abe Shinzo và cầu mong linh hồn ông được an nghỉ.

thu tuong nhat 16573283843311135495263
Người phụ nữ khóc tại hiện trường vụ ám sát cựu thủ tướng Abe Shinzo ngày 8-7 – Ảnh: AFP

Trong cuộc họp báo chiều 8-7, Thủ tướng Kishida Fumio tiết lộ ông Abe đang trong tình trạng nguy kịch và mọi điều có thể làm đều đã làm để cứu sống cựu thủ tướng. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã không xảy ra, người từng là vị thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản ra đi ở tuổi 67 ngay trong chiều cùng ngày.

“Tôi đã cầu nguyện mong ông ấy được cứu nhưng không toại nguyện. Tôi chân thành chia buồn và cầu cho linh hồn ông ấy được yên nghỉ”. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói ông “không thốt nên lời” sau khi ông Abe qua đời.

Hai phát súng sau lưng

Theo một số nguồn tin ban đầu của truyền thông Nhật Bản, cựu thủ tướng đến thành phố Nara sáng 8-7 để vận động cử tri ủng hộ cho Đảng Dân chủ tự do trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào ngày 10-7.

Mặc dù không còn giữ chức thủ tướng, ông Abe vẫn là nghị sĩ có sức ảnh hưởng của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền.

Quyết định chốt đi Nara chỉ được đưa ra trong tối 7-7 và không được công bố rộng rãi, chỉ chia sẻ giữa những người ủng hộ.

Đúng giờ đã định, cựu thủ tướng xuất hiện tại một địa điểm bên ngoài nhà ga Yamato-Saidaiji của thành phố Nara. “Sân khấu” là một chiếc bục cao nằm giữa một ngã ba, xe cộ vẫn qua lại trước mặt và sau lưng ông Abe.

Một người Việt Nam sống và làm việc lâu năm ở Nhật Bản chia sẻ rằng đây là hình ảnh thường thấy của các chính trị gia mỗi khi đến mùa bầu cử ở nước Nhật – một nước an toàn, có tỉ lệ phạm tội thấp và luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới.

“Khi đi vận động hay diễn thuyết, các chính trị gia thường đi trên xe có gắn loa phóng thanh. Họ chọn những nơi đông người qua lại như các góc phố hoặc bên ngoài nhà ga. Những sự kiện ở nơi công cộng như vậy không cần đăng ký trước hay rà soát lý lịch những người tham dự, khác với các sự kiện diễn ra trong không gian kín như hội trường”, vị này giải thích thêm.

Các video trên mạng xã hội và truyền thông Nhật Bản cho thấy buổi diễn thuyết của ông Abe có khoảng vài chục thường dân, phần lớn đều đứng trước mặt của cựu thủ tướng. Đội an ninh thuộc sở cảnh sát Tokyo, nhóm truyền thông của ông Abe đứng gần đó.

Trong lúc cựu thủ tướng đang say mê diễn thuyết, một âm thanh như tiếng súng nổ vang lên kèm theo đó là khói bốc ra từ hướng phía sau ông Abe. Cựu thủ tướng vẫn đứng vững trên bục sau tiếng nổ đầu tiên và dường như đã ngoái lại xem điều gì đã xảy ra, theo hai đoạn clip được xác minh bởi truyền thông Nhật Bản. Chưa đầy 2 giây sau đó, phát súng thứ hai được bắn, ông Abe ngã xuống và khung cảnh trở nên hỗn loạn.

td 080722 so do hien truong am sat abe tto 16573284271231844579463
Hiện trường vụ ám sát cựu thủ tướng Abe Shinzo Nguồn: Asahi Shimbun

Chưa rõ động cơ tấn công

Yamagami Tetsuya, nghi phạm bắn cựu thủ tướng Abe, đã khai với cảnh sát rằng hắn chủ ý sát hại chính trị gia 67 tuổi vì không hài lòng với ông. Tuy nhiên trong các lời khai sau đó, y lại khai không phản đối các quan điểm chính trị của ông Abe, và hành động vì mục đích tôn giáo. Tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin riêng cho biết nghi phạm đã đưa ra những lời khai “vô nghĩa” khiến cảnh sát chưa thể xác định được động cơ.

Theo đài NHK, nghi phạm Yamagami, 41 tuổi, từng phục vụ cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong 3 năm và hiện cư trú tại thành phố Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết Yamagami bị bắt giữ ngay tại hiện trường cùng với khẩu súng tự chế và đối mặt với cáo buộc âm mưu giết người. Lục soát nhà nghi phạm, nhà chức trách cũng tìm thấy thêm thuốc nổ và đang cố gắng làm rõ nguồn gốc của khẩu súng thu được tại hiện trường.

Trong cuộc họp báo chiều 8-7, các bác sĩ tại Đại học Y Nara, nơi điều trị cho ông Abe, xác nhận cựu thủ tướng đã qua đời lúc 17h03 (15h03 theo giờ Việt Nam) và ông Abe dường như không có dấu hiệu sống nào khi được đưa tới bệnh viện. Viên đạn bắn vào người ông đủ sâu để chạm tới tim, các bác sĩ không thể cầm máu và vị cựu thủ tướng qua đời vì mất máu quá nhiều.

Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Kishida đã hủy buổi vận động tranh cử ở Yamagata và khẩn cấp về thủ đô Tokyo bằng trực thăng. Ông cũng yêu cầu tất cả bộ trưởng trở về Tokyo để họp khẩn và chỉ thị thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Nhiều người hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các vụ tấn công tương tự khi chỉ còn 2 ngày nữa, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu bầu các thành viên mới cho Thượng viện. Sự việc gây sốc bởi Nhật được xem như vùng đất không có tiếng súng, và khiến nhiều chính trị gia không kiềm được cảm xúc.

td 080722 chan dung abe tto 16573284931551125489868

Các di sản

– Chính sách kinh tế Abenomics – thành tựu để đời, khiến nhiều người cả trong và ngoài nước nhớ đến. Đưa ra chiến lược 3 mũi têngồm chính sách tiền tệ, tài khóa và cải cách thể chế từ đó đưa nước Nhật vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng liên tục dài nhất sau Thế chiến thứ hai.

– Hiện thực hóa việc thành lập Bộ Quốc phòng Nhật Bản (2007) từ Cục Phòng vệ, thông qua luật cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài (2015).

– Vực dậy tinh thần Nhật Bản, tái thiết các vùng thiệt hại trực tiếp bởi thảm họa kép động đất – sóng thần ở Fukushima năm 2011.

– “Giải cứu” và “hồi sinh” Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút.

– Thúc đẩy khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Mối lương duyên đặc biệt với Việt Nam

abe ngxuanphuc 16573286198191210915863
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khai trương Không gian văn hóa Việt-Nhật (11-2017) (Ảnh: TTXVN)

Tôi cảm thấy rất sốc khi hay tin cựu thủ tướng Abe Shinzo qua đời. Ông Abe luôn chú trọng đến việc nâng cao mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, cũng như có rất nhiều đóng góp lớn nhỏ khác nhau nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt – Nhật chặt chẽ, toàn diện, sâu rộng hơn.

Thăm Việt Nam 4 lần

Khi Thủ tướng Abe đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật vào năm 2006, hai nước nhất trí đưa ra Tuyên bố chung “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược”.

Tiếp đó vào tháng 3-2014, Việt – Nhật nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược sâu rộng” khi Thủ tướng Abe tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Tokyo.

Bên cạnh đó, ông Abe đặc biệt coi trọng việc xây dựng mối quan hệ thân mật, tin cậy, gắn bó và gần gũi với các lãnh đạo Việt Nam. Điển hình vào tháng 9-2015, đích thân Thủ tướng Abe đã chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao sang thăm chính thức Nhật Bản với rất nhiều tình cảm đặc biệt.

Ngoại trừ Mỹ, hiếm có quốc gia nào mà cựu thủ tướng Nhật dành sự quan tâm đặc biệt và ghé thăm nhiều lần như Việt Nam chúng ta. Cụ thể, ông Abe đã sang thăm Việt Nam đến 4 lần trong suốt 2 nhiệm kỳ thủ tướng.

Thời làm thủ tướng, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển rất quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch… Đặc biệt, Nhật còn là nhà tài trợ lớn nhất trong viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.

Suốt 2 nhiệm kỳ thủ tướng, ông Abe đã đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, đồng thời luôn nỗ lực thúc đẩy sự phát triển quan hệ Việt – Nhật cũng như kề vai sát cánh với chúng ta trong việc nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Trên thực tế, ông Abe đã rất ủng hộ Việt Nam khi chúng ta đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng chính ông Abe là người đã mời Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng năm 2016 và G20 mở rộng năm 2020.

Việt Nam, người bạn nghĩa tình

Đối với riêng Việt Nam, ông Abe luôn thể hiện sự yêu mến và dành tình cảm đặc biệt cho con người và đất nước chúng ta. Bản thân ông cảm nhận rất rõ tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Nhật Bản.

Ông Abe từng kể một câu chuyện rất thú vị về các lãnh đạo Việt Nam. Theo đó,ông chia sẻ rằng Việt Nam vẫn luôn tiếp đón ông như một người bạn, kể cả trong và sau khi mãn nhiệm chức vụ thủ tướng.

Chính điều này đã cho ông Abe một cảm nhận rằng Việt Nam là một dân tộc sống có trước có sau và rất nghĩa tình. Cũng vì lý do đó, ông đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng vào tháng 12-2012.

Khi còn là thủ tướng, ông Abe đã rất nỗ lực để có những ngoại lệ riêng dành cho lãnh đạo Việt Nam. Chẳng hạn, tại Hội nghị G7 năm 2016, mặc dù rất bận rộn đón tiếp các lãnh đạo G7, song ông vẫn dành thời gian cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Tokyo.

Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ tham gia với tư cách khách mời của G7 trong khuôn khổ chuyến thăm không chính thức. Tuy nhiên, đoàn Việt Nam đã được ông Abe phá lệ đón tiếp với bữa cơm rất thân mật.

Đến năm 2017, ông Abe một lần nữa phá lệ khi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay với 1.600 doanh nghiệp của hai nước, dù cho trước đó ông chưa bao giờ dự những diễn đàn như thế khi lãnh đạo các nước thăm Nhật Bản. Tại diễn đàn, ông Abe Shinzo đã cam kết đưa quan hệ Việt – Nhật ngày một phát triển sâu rộng hơn nữa.

Một ví dụ nữa cho sự phá lệ của ông Abe dành cho các lãnh đạo Việt Nam đó chính là việc cố thủ tướng Nhật đã dành rất nhiều thời gian cho các chuyến thăm và gặp gỡ với chúng ta. Trên thực tế, Việt Nam đã có đến 2 cuộc gặp cấp nhà nước với Nhật Bản trong vòng 5 năm, đây chính là ngoại lệ chưa từng có. Bởi lẽ mỗi năm Nhật Bản chỉ đón tiếp 2 chuyến thăm cấp nhà nước.

Trong các chuyến thăm và cuộc hội đàm của ông Abe với các lãnh đạo Việt Nam, ông cũng thể hiện tình cảm rất thân mật thông qua việc ông đã đi từng bàn để chào từng vị khách của Việt Nam.

Thêm vào đó, thời điểm mới bùng phát đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản dưới thời ông Abe cũng đã có những sự hỗ trợ rất nhanh chóng về các trang thiết bị y tế cho Việt Nam bên cạnh nhiều thứ khác.

Và một điều không thể không nhắc đến là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Nhật hoàng và hoàng hậu đến Việt Nam cuối tháng 2-2017. Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi lẽ nếu không có sự cho phép và hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản thì chuyến thăm lịch sử này không thể diễn ra được.

Bức thư cảm ơn đáng nhớ

Trong thời gian là đại sứ tại Nhật, tôi đã từng rất nhiều lần đề xuất lên Văn phòng Thủ tướng Abe về vấn đề tiếp các đoàn lãnh đạo Việt Nam và lần nào cũng đều nhận được những phản hồi rất tích cực.

Bản thân tôi rất cảm động khi nhận được bức thư cảm ơn từ ông Abe với những đóng góp trong việc xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hai nước khi tôi còn là đại sứ tại Nhật Bản.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (đại sứ Việt Nam tại Nhật 2015 – 2018) QUỲNH TRUNG – HOÀI NHÂN – UYÊN PHƯƠNG ghi

Lãnh đạo Việt Nam và nhiều nước chia buồn. Brazil, Ấn Độ để quốc tang

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, được tin cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần chiều 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Trong điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và gia quyến ông Abe, bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ông Abe dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Từ Fukuoka, Tổng lãnh sự Việt Nam Vũ Bình cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ những cảm xúc khi hay tin không may với cựu thủ tướng Abe: “Tôi thực sự sốc và đau buồn. Trong suốt hai năm qua, người tôi trích dẫn nhiều nhất trong hàng trăm diễn văn, bài viết, cuộc nói chuyện, trao đổi của tôi là nguyên thủ tướng Abe Shinzo. Đó là câu mà ông ấy đã nói: Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là tài sản chung quý giá của quan hệ hai nước”.

Bày tỏ lòng thương tiếc ông Abe, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ca ngợi cựu thủ tướng Nhật là người có “tầm nhìn vĩ đại”, người đã đưa mối quan hệ Mỹ – Nhật lên một tầm cao mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cái chết của cựu thủ tướng Nhật là “mất mát không thể thay thế” và gọi ông Abe là một “chính khách xuất chúng”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết cựu thủ tướng Abe có những đóng góp nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết người dân Nhật Bản đã mất vị thủ tướng tại vị lâu nhất và chính trị gia được kính trọng trong lịch sử đất nước.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang vào ngày 9-7, như một động thái thể hiện “sự tôn trọng sâu sắc nhất” dành cho ông Abe. Theo ông Modi, cựu thủ tướng Nhật là “nhà lãnh đạo xuất sắc và nhà quản lý xuất sắc”. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phẫn nộ và đau buồn trước vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản và ra lệnh quốc tang 3 ngày.

Ngoài ra, lãnh đạo nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Thổ Nhĩ kỳ, Vương quốc Anh và các nước châu Âu… đều gửi lời chia buồn đến Nhật Bản.

Người Việt tại Nhật biết ơn ông Abe

Kỹ sư Lê Long, hiện đang sống và làm việc tại Tokyo, cho biết bản thân anh rất bất ngờ và rất buồn khi hay tin cựu thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị ám sát bằng súng.

“Ông Abe Shinzo vẫn thường tới thăm các nhà hàng, quán ăn, về các địa phương gặp gỡ trực tiếp người dân trong thời gian tại nhiệm. Bản thân tôi cũng từng có lần được gặp ông tại một sự kiện ông về địa phương để vận động tranh cử cho một thành viên của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền tại tỉnh Niigata khoảng 6 năm trước”, anh Long kể và nhấn mạnh ông Abe nổi tiếng là một thủ tướng rất thân thiện, gần gũi với người dân.

Cũng theo kỹ sư Lê Long, dưới thời ông Abe, rất nhiều bạn bè anh đã nhận được học bổng sang Nhật du học, tới nay có hơn 10 người bạn của anh đã ở lại sau khi học để tiếp tục làm việc và phát triển sự nghiệp tại đây.

Trong khi đó, anh Lê Trần Hưng, sống tại tỉnh Saitama và hiện là nhân viên của một nghiệp đoàn tại Tokyo, cho biết người Nhật và người Việt Nam tại Nhật đều buồn và sốc trước sự việc. Là người làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng thực tập sinh người Việt sang lao động tại Nhật 11 năm qua, anh Hưng cho biết dưới thời cựu thủ tướng Abe, số lượng thực tập sinh và cả du học sinh người Việt sang Nhật đã tăng vọt.

Năm 2012, khi ông Abe mới lên làm thủ tướng, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản mới chỉ có khoảng 120.000 người, nhưng với chủ trương muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam và tăng thêm nguồn lực lao động từ Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động tại Nhật, ông Abe đã có những chính sách về đào tạo nhân tài cũng như luật tiếp nhận lao động nước ngoài tới Nhật Bản cởi mở hơn. Nhờ đó mà tới nay cộng đồng Việt Nam tại Nhật đã tăng lên hơn 440.000 người.

Theo anh Hưng, rất nhiều người Việt Nam tại Nhật nhớ ơn ông Abe trong đợt dịch COVID-19 vừa qua khi ông có chính sách hỗ trợ 10 man (khoảng 20 triệu đồng) cho mỗi người, bất kể họ là người Nhật hay người nước ngoài cũng như tình trạng cư trú và mức thu nhập ra sao.

“Với chính sách phân bổ 10 man đồng đều này, dù còn một số ý kiến không đồng thuận của người Nhật nhưng đại bộ phận người nước ngoài, trong đó có người Việt, đều rất vui mừng và biết ơn ông Abe”, anh Hưng chia sẻ.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến