30.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 18/04/2024

HomeThông Cáo Báo ChíChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cần cơ chế để TPHCM phát...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cần cơ chế để TPHCM phát huy tinh thần đi trước, đón đầu

1159

Tham dự chương trình còn có các đồng chí đại biểu Quốc hội TPHCM qua các thời kỳ, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các Sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Quang cảnh hội nghị. 
Quang cảnh hội nghị. 

Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để TPHCM phát huy tiềm năng, thế lực

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm, làm việc, động viên TP và sau đó có văn bản giao Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu các kiến nghị của TP để xử lý. Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thống nhất cho TP cơ chế thuận lợi hơn để phát huy tinh thần đi trước. TPHCM phải được thí điểm những cơ chế, chủ trương của Bộ Chính trị.

“Trước hết, TPHCM cần đề xuất một số cơ chế sáng tạo, dám nghĩ dám làm theo Nghị quyết 16”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nhận thấy, cơ chế hiện tại đang quá chật hẹp cho một siêu đô thị như TPHCM và cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao các cơ quan nghiên cứu để tháo gỡ cho TPHCM.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng, TPHCM giai đoạn mới cần toả sáng dựa trên sức mạnh khoa học công nghệ và sức trẻ. Các nguồn tăng trưởng mới phải kết hợp cùng khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi chính sách mới về khoa học công nghệ, mà TP cần lưu ý, quan tâm.

Một vấn đề đáng chú ý nữa, là TPHCM đã đạt nhiều kết quả trong kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, “TP không nên quá say sưa vào những thành công ban đầu, mà phải thấy những khó khăn lớn đang gặp phải”, Chủ tịch nước nói.

Giai đoạn sau dịch, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác quy hoạch, dự án treo còn nhiều, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Chủ tịch nước yêu cầu các đại biểu đóng góp ý kiến, nhen nhóm tinh thần để xây dựng TPHCM sạch, đẹp, an toàn, nghĩa tình hơn. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc xử lý các vấn đề bức xúc của người dân; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế, chính sách.

TPHCM cần được phân cấp mạnh mẽ, quyết liệt hơn

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Bộ, ngành nêu lên nhiều ý kiến để tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tiềm lực của TP. Trong đó, đa phần ý kiến cho rằng, TP cần được phân cấp quyết liệt hơn nữa để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại hội nghị. 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại hội nghị. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, sau đại dịch Covid-19, TPHCM phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, TP vẫn còn nhiều điểm lưu ý: hạ tầng đô thị còn chưa phát triển đồng bộ, trong đó có sự chậm trễ của tuyến đường sắt đô thị; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả cao; lương cán bộ, công chức thấp…

“Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, nên chúng ta phải chuẩn bị, phải có sức chống chịu trước tình hình mới”, ông Nghĩa nêu ý kiến, đồng thời kiến nghị 6 yếu tố để TPHCM trở thành đầu tàu, động lực, trong đó quan trọng là phải tự chủ cao hơn, ứng dụng KHCN mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao đánh giá, TPHCM phát triển mạnh nhưng đi kèm đó là mặt trái kìm hãm với các vấn đề: quá tải giao thông, y tế, giáo dục, tình hình ANTT phức tạp. Ông Trí cho rằng, TP cần tính toán tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, quan tâm đến chuyển dịch các khu công nghệ, công nghiệp.

Ông cũng đề xuất TP cần quan tâm đến việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, làm sao để sớm hình thành. “Cách đây 15 năm chúng ta đã đề ra rồi nhưng chúng ta không theo đuổi và chưa đạt như mong muốn”, ông Trí ý kiến.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực ban dân vận trung ương cho rằng, TPHCM cần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó quan tâm hạ tầng số và sử dụng nguồn lao động trình độ cao.

Trên tinh thần ủng hộ và góp ý để TPHCM phát triển hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh cho rằng, TP cần quan tâm đến các vấn đề: quy hoạch giao thông, xây dựng hạ tầng số. Hạ tầng ở đây không chỉ là phần cứng, mà còn cả hạ tầng mềm liên quan đến việc sử dụng của người dân.

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị thể hiện sự đồng tình với việc phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM. 
Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị thể hiện sự đồng tình với việc phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM. 

Về phía các cơ quan Trung ương, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị đều đánh giá cao sự phục hồi ấn tượng của TP và đồng tình cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho TPHCM để phát triển vượt trội, thể hiện được vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế.

Vươn tầm khu vực trong đổi mới, sáng tạo

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với báo cáo của UBND TPHCM. Đồng thời cho rằng, các ý kiến tại buổi làm việc đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là sự ủng hộ TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn, với cơ chế đặc thù.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. 

Chủ tịch nước đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, TPHCM đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay có 16/19 chỉ tiêu đạt, và phấn đấu hoàn thành 100% nhiệm vụ năm 2022.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ ấn tượng với các chỉ tiêu về tăng trưởng hàng hoá, phục hồi kinh tế của TPHCM.

Tuy vậy, Chủ tịch nước cho rằng, TPHCM vẫn có nhiều thách thức như: vị trí vai trò đầu tàu của TP suy giảm, kim ngạch giảm, hạ tầng kỹ thuật xã hội bất cập (nhà ven sông, kẹt xe, chống ngập); tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, chưa có nhiều đột phá công nghệ cao, điểm nghẽn thủ tục hành chính và ách tắc triển khai dự án.

Về thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội, thời gian qua, TPHCM đã triển khai có nhiều kết quả cụ thể. “Chúng ta đề cập, giải quyết nhiều vấn đề góp phần cùng TP có tiến bộ. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai chậm, chưa đồng bộ. Chúng ta cần tổng kết Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, cần thay đổi một số thí điểm về cơ chế để TP phát triển tốt hơn. Những cơ chế năng động, sáng tạo đón đầu của TP chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn tới  kìm hãm sự phát triển. Do đó, nên có cơ chế mới cho TPHCM với nội dung thiết thực hơn, mãnh liệt, đi trước đón đầu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Các cơ chế được Chủ tịch nước nêu ra là phải đột phát hơn nữa trong thu hút nhân tài, thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện vai trò liên kết vùng, không chỉ Đông Nam Bộ mà cả Tây Nam Bộ.

Khẳng định TPHCM là “Hòn ngọc Viễn Đông” toả sáng dựa trên nguồn lực trí thức, sức mạnh khoa học công nghệ, sức sáng tạo của thế hệ trẻ, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ TPHCM cùng với Hà Nội hướng đến mục tiêu dẫn đầu ASEAN trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo then chốt.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình KT-XH TP 9 tháng qua và kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 54. 
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình KT-XH TP 9 tháng qua và kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 54. 

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí Lãnh đạo Trung ương; sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; kết quả kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%.

Bên cạnh đó, Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350 ngàn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Việc thực hiện Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” tiếp tục thực hiện có hiệu quả; tình hình dịch bệnh được Thành phố tiếp tục kiểm soát tốt.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sức lan tỏa, các hoạt động kỷ niệm, lễ hội, sự kiện được tổ chức tiết kiệm, ý nghĩa, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 – 2015.

Về quản lý đầu tư, HĐND TP đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn 12.954,3 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.403,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng. Tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong ước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2018 – 2021, TP đã phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là 11.387,4 tỷ đồng.

Đối với chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Huỳnh Nhung – Huyền Mai

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến