28.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 18/04/2024

HomeThông Cáo Báo ChíThông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày...

Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 16/12

1073

Tham dự có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ; đại diện Trạm y tế lưu động phường 6 quận 5; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dược học TP Nguyễn Thị Kim Anh; Phó Tổng giám đốc Pharmacity, Phó Chủ tịch Chi hội Dược nhà thuốc TP Lê Bảo Chân Thiện; Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP Huỳnh Ngọc Dương cùng 26 phóng viên, biên tập viên đến từ 20 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn những ngày qua. Ảnh: Huyền Mai
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn những ngày qua. Ảnh: Huyền Mai

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ ngày 15/12/2021, có 491.068 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 490.476 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 592 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 11.574 bệnh nhân (BN), trong đó: có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 BN nặng đang thở máy, 15 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 15/12: có 1.065 BN nhập viện, 1.011 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 295.830), 65 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 19.200 người).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 15/12/2021, đã có 7.950.886 mũi 1, 6.897.284 mũi 2 10.025 mũi bổ sung và 23.438 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

Dự báo cần khoảng 70.000 – 75.000 lao động sau Tết Nhâm Dần

Liên quan đến dự báo tình hình lao động trước và sau dịp Tết Nguyên Đán 2022, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện nay, các cơ sở sản xuất đang đẩy mạnh tốc độ để hoàn thành những đơn hàng ký kết trước đó, chuẩn bị phục vụ thị trường cuối và đầu năm. Vì vậy, nhu cầu lao động trước Tết của các doanh nghiệp được dự báo khoảng 30.000 người. Trong đó, lao động có tay nghề chiếm khoảng 40%, tập trung các ngành may mặc, da giày, lương thực thực phẩm,…

Theo ông Lâm, thông thường một số lực lượng lao động các tỉnh sẽ về quê vào Tết Âm lịch. Do đó, dự kiến số lao động cần phải tuyển mới vào thời gian sau Tết trong khoảng 70.000 – 75.000 người để bù lại lực lượng biến động tại các doanh nghiệp. Riêng lao động có tay nghề tại các ngành chiếm 36% so với tổng nhu cầu.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết trước Tết Nguyên Đán dự báo cần khoảng 30.000 lao động tại các cơ sở sản xuất. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết trước Tết Nguyên Đán dự báo cần khoảng 30.000 lao động tại các cơ sở sản xuất. Ảnh: Huyền Mai

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động trong dịp Tết, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn TP báo cáo về dự kiến lương, thưởng trả cho người lao động trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. TPHCM cũng đã triển khai nhiều gói an sinh xã hội cho công nhân, người lao động và người dân TP.

Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ đề hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, xử lý các vấn đề liên quan về trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Liên đoàn Lao động TP cùng các tổ chức chính trị xã hội chăm lo cho công nhân, đặc biệt là lao động xa nhà, không có điều kiện về quê ăn Tết.

TPHCM vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron

Phó giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho hay, TPHCM đã ban hành kế hoạch số 4192 với 8 hoạt động nhằm ứng phó với biến chủng mới Omicron. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ngành Y tế đang phối hợp với các Sở, ngành, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ 8 hoạt động này. Trong đó, HCDC đã giám sát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm những đối tượng nhập cảnh vào TPHCM, qua đó phát hiện 45 mẫu dương tính. Sau khi giải trình tự gen 45 mẫu, HCDC ghi nhận 28 chủng Delta, số còn lại chưa có kết quả.

Theo Phó giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm, TPHCM đang triển khai đồng bộ 8 hoạt động ứng phó với biến chủng Omicron. Ảnh: Huyền Mai
Theo Phó giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm, TPHCM đang triển khai đồng bộ 8 hoạt động ứng phó với biến chủng Omicron. Ảnh: Huyền Mai

Hiện tại, 2 đơn vị được phân công giám sát biến chủng mới, tiếp nhận mẫu dương từ người nhập cảnh để giải trình tự gen là Bệnh viện Pasteur và Bộ phận nghiên cứu lâm sàng thuộc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới. Đến nay, TP vẫn chưa phát hiện ca dương tính nhiễm biến chủng mới Omicron.

Cũng liên quan đến kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron, vừa qua, TPHCM có kiến nghị Bộ Y tế bổ sung 3.000 bác sĩ, điều dưỡng. Trao đổi thêm về vấn đề này, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, một trong 8 hoạt động TP vạch ra để ứng phó với biến chủng mới là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, một trong 8 hoạt động TP vạch ra để ứng phó với biến chủng mới là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp huyện. Ảnh: Huyền Mai
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, một trong 8 hoạt động TP vạch ra để ứng phó với biến chủng mới là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp huyện. Ảnh: Huyền Mai

Bên cạnh đó, hiện nay, TP ghi nhận tỷ lệ nhập viện và tử vong đang gia tăng ở những người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, có hệ thống miễn dịch yếu, suy giảm. Trong khi, ở trạng thái bình thường mới, các bệnh viện phải quay trở về đúng chức năng, vừa chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân khoa khác, vừa điều trị bệnh nhân nhập viện do COVID-19. Điều này tạo áp lực lên hệ thống ngành y tế và bệnh viện các tầng trên.

Theo tính toán về số F0 cùng số lượng người dân cần chăm sóc y tế tại các bệnh viện, TP ước khoảng 3.000 bác sĩ, điều dưỡng cần được bổ sung trong thời gian tới. Lực lượng này sẽ hỗ trợ TP từ 1-2 tháng và rút về khi TP đã khống chế được lượng F0, giảm được tỉ lệ tử vong do COVID-19.

Quận 5 đẩy mạnh chiến dịch “Chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”

Trao đổi với báo chí về chiến dịch “Chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết, quận đang triển khai hoạt động rà soát, lập danh sách những người có bệnh nền, người trên 65 tuổi trên địa bàn. Thống kê cho thấy, có khoảng 10.000 trường hợp thuộc đối tượng cần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Ngay sau khi lập danh sách, quận thực hiện xét nghiệm nhanh để đưa vào kế hoạch quản lý và chăm sóc các F0. Đối với các trường hợp cho kết quả dương tính, không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa vào bệnh viện quận 5.

Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết, quận có khoảng 10.000 trường hợp thuộc đối tượng cần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Huyền Mai
Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết, quận có khoảng 10.000 trường hợp thuộc đối tượng cần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Huyền Mai

Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân có bệnh nền, người trên 65 tuổi biết về chủ trương, chính sách này của TP để chủ động đăng ký và được theo dõi sức khỏe, chăm sóc lúc cần thiết.

Hiện quận 5 có 01 trạm y tế lưu động tại trung tâm quận với 42 y, bác sĩ và 06 trạm y tế lưu động tại các phường do lực lượng Quân y và các bác sĩ của bệnh viện An Bình chịu trách nhiệm cùng một số lực lượng hỗ trợ khác. Quận huy động tất cả nguồn lực để chăm sóc F0 tại nhà, nhằm kéo giảm ca nặng và tử vong trên địa bàn.

Theo Trưởng trạm y tế lưu động phường 5, 6, 7 (quận 5), Trạm đang quản lý 168 trường hợp F0 điều trị tại nhà, trong đó 07 trường hợp nguy cơ cao. Ảnh: Huyền Mai
Theo Trưởng trạm y tế lưu động phường 5, 6, 7 (quận 5), Trạm đang quản lý 168 trường hợp F0 điều trị tại nhà, trong đó 07 trường hợp nguy cơ cao. Ảnh: Huyền Mai

Thông tin thêm về hoạt động của trạm y tế lưu động trên địa bàn quận 5, Trưởng trạm y tế lưu động phường 5, 6, 7 cho hay, sau khi nhận thông tin về các trường hợp F0 tự xét nghiệm hoặc do các trạm y tế phường xét nghiệm, trạm y tế lưu động sẽ lập tức đến thăm khám, phân loại để chăm sóc và điều trị theo từng trường hợp cụ thể.

Đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng, trạm y tế lưu động sẽ phối hợp với trạm y tế phường để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị COVID-19 của quận.

Hiện nay, Trạm y tế lưu động của phường 5, 6, 7 đang quản lý 168 trường hợp F0 điều trị tại nhà, trong đó 07 trường hợp nguy cơ cao.

Sau 1 tuần triển khai chiến dịch “Chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TP có khoảng 173.500 người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm 140.000 người có bệnh lý nền và 33.500 người trên 65 tuổi.

Một số đơn vị sau khi lập xong danh sách đã tiến hành xét nghiệm, tính đến nay có 17.524 mẫu xét nghiệm. Trong đó, 98,9% (17.327 mẫu) âm tính, 1,1% (187 mẫu) dương tính. Có 52 trường hợp đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Số còn lại được các bệnh viện điều trị COVID-19 tiếp nhận và thu dung.

Hệ thống Nhà thuốc tư nhân đồng hành cùng Thành phố để chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Thực hiện lời kêu gọi và huy động của Sở Y tế tại văn bản số 9297/SYT-VND về việc huy động hệ thống nhà thuốc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dược học TP Nguyễn Thị Kim Anh thông tin, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua, TPHCM nói riêng, cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị, chăm sóc F0. Đồng hành cùng TP có 6.500 nhà thuốc tư nhân trên địa bàn để cùng hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tính đến nay, Hội Dược học TP đã huy động trên 590 nhà thuốc tham gia chiến dịch này. Đặc biệt, đội ngũ dược sĩ được cập nhật kiến thức liên tục bởi các Trung tâm đào tạo của Chi hội Nhà thuốc TPHCM và các kiến thức này đã được Sở Y tế TP phê duyệt.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dược học TP Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, hiện có hơn 590 nhà thuốc tham gia đồng hành theo lời kêu gọi của Sở Y tế. Ảnh: Huyền Mai
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dược học TP Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, hiện có hơn 590 nhà thuốc tham gia đồng hành theo lời kêu gọi của Sở Y tế. Ảnh: Huyền Mai

Hội cam kết cung ứng đầy đủ thuốc kê đơn và không kê đơn, các vật dụng y tế… có nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế để chăm sóc cho các F0 tại nhà. Đối với các trường hợp F0, các dược sĩ sẽ chủ động tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ những sản phẩm chăm sóc sức khỏe bước đầu; đồng thời, kết nối với trạm y tế gần nhất nơi F0 cư trú để kịp thời thăm khám và điều trị.

Chi hội Nhà thuốc TP nhân rộng mô hình tư vấn, hỗ trợ khám bệnh trực tuyến cho các F0 tại nhà

Điển hình trong sự tham gia hỗ trợ này, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP Huỳnh Ngọc Dương (cũng là chủ nhà thuốc tư nhân tại Bình Chánh) chia sẻ: Trong giai đoạn đầu của cao điểm dịch, nhà thuốc tư nhân tham gia bằng việc đóng góp tiền và thuốc cho địa phương.

Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP Huỳnh Ngọc Dương cho hay, Chi hội sẽ nhân rộng mô hình tư vấn, thăm khám sức khỏe trực tuyến cho F0 tại nhà. Ảnh: Huyền Mai
Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP Huỳnh Ngọc Dương cho hay, Chi hội sẽ nhân rộng mô hình tư vấn, thăm khám sức khỏe trực tuyến cho F0 tại nhà. Ảnh: Huyền Mai

Khi F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện được phép điều trị tại nhà, ông Dương cùng đồng nghiệp thành lập nhóm Zalo gồm các bác sĩ, nhân viên nhà thuốc và bệnh nhân để tư vấn, thăm khám sức khỏe trực tuyến. Theo đó, hàng ngày các F0 sẽ báo thông số về tình hình sức khỏe trên nhóm và các bác sĩ, dược sĩ tư vấn, hướng dẫn dùng thuốc phù hợp. Nhờ đó, có khoảng 200 trường hợp F0 được tư vấn kịp thời và không chuyển nặng.

Từ mô hình này, sắp tới Chi hội Nhà thuốc TP sẽ triển khai cho 6.500 nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP.

300 nhà thuốc Pharmacity luôn sẵn sàng tham gia phòng chống dịch

Cũng là một trong những nhà thuốc tư nhân hưởng ứng lời kêu gọi của Thành phố, Pharmacity cam kết đồng hành cùng TP, theo Phó Tổng giám đốc Pharmacity Lê Bảo Chân Thiện, hệ thống Pharmacity với 300 nhà thuốc sẵn sàng tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19 bao gồm việc cung ứng đầy đủ và đúng chuẩn các thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc cần thiết cho các F0 chăm sóc sức khỏe tại nhà (bộ test nhanh, nước xịt khuẩn, khẩu trang y tế, nước muối sinh lý, các loại thuốc kê đơn…) đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Trong đó, Pharmacity đảm bảo về chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý.

Các dược sĩ bán hàng tại các nhà thuốc của Pharmacity cũng tích cực tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp cho F0 tại nhà. Đồng thời, làm cầu nối giữa F0 với các trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Phó Tổng giám đốc Pharmacity Lê Bảo Chân Thiện cho biết, các nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity luôn sẵn sàng và cam kết đồng hành cùng TP. Ảnh: Huyền Mai
Phó Tổng giám đốc Pharmacity Lê Bảo Chân Thiện cho biết, các nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity luôn sẵn sàng và cam kết đồng hành cùng TP. Ảnh: Huyền Mai

97,69% học sinh ở khối THCS và 93,62% học sinh ở khối THPT đã trở lại trường

Thông tin về tình hình đi học trực tiếp của học sinh lớp 9 và 12 theo kế hoạch của TP, Trưởng phòng Công tác Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP) Trịnh Duy Trọng cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường trong những ngày gần đây đạt 97,69% ở khối THCS, 93,62% ở khối THPT. Con số này cao hơn khảo sát được Sở GD-ĐT thực hiện trước đó đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn (khoảng 80% đồng ý đến trường).

Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, trước khi đón học sinh đến trường, các cơ sở giáo dục đều phải chuẩn bị kế hoạch cụ thể để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 kiểm tra, thẩm định, phê duyệt.

Trưởng phòng Công tác Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP) Trịnh Duy Trọng cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường trong những ngày gần đây cao hơn con số khảo sát trước đó. Ảnh: Huyền Mai
Trưởng phòng Công tác Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP) Trịnh Duy Trọng cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường trong những ngày gần đây cao hơn con số khảo sát trước đó. Ảnh: Huyền Mai

Thống kê cho thấy, hầu hết các trường đều thực hiện tốt theo kế hoạch đã ban hành, những tình huống xảy ra đều nằm trong dự kiến và được kịp thời xử lý. Tính đến hiện tại, sau 4 ngày tổ chức học trực tiếp, TP ghi nhận 8 trường hợp nhiễm COVID-19 tại trường học, trong đó có 6 học sinh và 2 giáo viên. Những trường hợp này đều nằm trong kịch bản dự tính và được các trường phối hợp với ngành y tế xử lý đúng theo quy định, hướng dẫn, không ảnh hưởng đến công tác dạy và học tại trường. Do đó, phụ huynh có thể yên tâm, tiếp tục đưa các em trở lại trường.

Vân Anh – Huyền Mai

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến