28.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Hai, 06/05/2024

HomeĐịa ỐcKhu ẩm thực Bình Xuyên cam kết tự tháo dỡ khi dự...

Khu ẩm thực Bình Xuyên cam kết tự tháo dỡ khi dự án thực hiện theo quy hoạch

1225

Trong đơn xin cứu xét gửi UBND TP. HCM và UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Duy Nhã – Chủ hộ kinh doanh quán ăn Bình Xuyên cam kết sẽ tự tháo dỡ toàn bộ công trình khi dự án quy hoạch được thực hiện.

 

Cam kết tự tháo dỡ

Khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM do ông Trần Duy Nhã làm chủ hộ kinh doanh, với tổng diện tích toàn bộ khu ẩm thực là 25.000m2. Theo ông Trần Duy Nhã, khu đất này được ông thuê lại của 4 hộ gia đình từ năm 2003 với hiện trạng đã có sẵn khu nhà trọ cấp 4, vườn kiểng, một số chòi lá, ao nuôi cá, chuồng bò và sân banh. Sau đó, ông cải tạo lại bằng những vật liệu tạm như: cây tre, cây đước, lá dừa nước và kết hợp với cây xanh để trở thành quán ăn sinh thái Bình Xuyên.

Ông Trần Duy Nhã – Chủ hộ kinh doanh khu ẩm thực Bình Xuyên cam kết sẽ tự tháo dỡ khi dự án thực hiện theo quy hoạch.

Ông Nhã cho biết, khu đất này nằm trong khu quy hoạch Làng đại học do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án này đã “treo” 28 năm nay mà chưa được thực hiện. Nhận thấy, nếu để không khu đất trong thời gian dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, trở thành bãi rác công cộng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất, nên ông đã thuê khu đất này rồi cải tạo thành khu ẩm thực sinh thái phục vụ cho người dân địa phương, với tâm niệm vừa phát triển kinh doanh, vừa góp phần tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương.

Hiện nay, khu ẩm thực Bình Xuyên đang sử dụng trên 300 lao động, phần lớn là người lao động tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, được tuyển dụng vào làm các công việc như: bảo vệ, tạp vụ, chăm sóc cây cảnh, làm bếp, phục vụ…trong đó có nhiều lao động lớn tuổi là những bà con có nhà ở xung quanh khu vực này. Đến nay, đời sống của người lao động được cải thiện rất nhiều.

–Ông Nhã nói–

Trao đổi với với phóng viên về những khó khăn của khu ẩm thực trong hai đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, ông Nhã cho biết, do ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên trong đợt dịch bùng phát mạnh vào hồi tháng 3, mặc dù Thành phố chưa có quy định đóng cửa các quán ăn, nhà hàng để phòng dịch, nhưng ông đã chủ động đóng cửa khu ẩm thực trước cả tháng để bảo đảm sức khỏe cho hơn 300 nhân viên cũng như người dân trên địa bàn.

“Trong 2 đợt dịch vừa qua, quán gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu hầu như không có, nhưng tôi vẫn cố gắng xoay xở để trả lương cho người lao động để cuộc sống của họ không bị xáo trộn. Những lao động lớn tuổi trong khu ẩm thực đang rất lo lắng, nếu quán bị đóng cửa ngừng kinh doanh thì không biết họ sẽ làm gì để sống”, ông Nhã lo lắng chia sẻ.

Hầu hết những công trình trong khu ẩm thực đều sử dụng vật liệu nhẹ như cây tre, cây đước, lá rừa nước…

Dẫn phóng viên đi tham quan một vòng quanh khu ẩm thực, ông Nhã chỉ lên những chòi lá phân trần, hầu hết những công trình trong khu ẩm thực này đều được dựng lên bởi những vật liệu nhẹ như tre, đước, lá dừa nước… xung quanh cũng để trống không xây tường gạch vừa để tạo không gian thoáng mát cho thực khách, vừa để sau này dễ dàng tháo dỡ khi Thành phố yêu cầu trả mặt bằng để thực hiện dự án.

“Còn khu vực để xe này, vốn trước đây là một sân banh nhân tạo, khi chủ sân không kinh doanh nữa, tôi thuê và cải tạo lại, nhưng cũng chỉ gia cố thêm khung sắt và lợp mái bằng lưới lam để che bớt nắng, mưa cho xe của khách, chứ không đầu tư lớn như người ta phản ảnh”, ông Nhã nói.

Ông Nhã cho biết, ông cũng đã gửi Đơn xin cứu xét cho UBND TP. HCM và UBND huyện Bình Chánh, với mong muốn xin cho khu ẩm thực này được tồn tại cho đến khi Thành phố thực hiện dự án và ông cũng cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình này để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước mà không đòi hỏi bồi thường thiệt hại.

binh
Nhà để xe cho khách được ông Trần Duy Nhã cải tạo lại từ sân banh mini cũ, mái được lợp lưới lam

Nhà để xe cho khách được ông Trần Duy Nhã cải tạo lại từ san banh mini cũ, mái được lợp lưới lam, trời mưa to sàn nhà để xe vẫn bị ngập nước.

“Nếu Thành phố cho khu ẩm thực được tồn tại đến khi dự án được triển khai, tôi sẽ thực hiện đúng cam kết như đã ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh mà tôi được UBND huyện Bình Chánh cấp hồi năm 2010 là phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà không đòi hỏi bồi thường thiệt hại theo cam kết ngày 12.1.2010 khi Nhà nước triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch. Vì vậy, tôi mong được cơ quan chức năng xét về lý và tình cho quán được hoạt động, nhằm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là sau dịch COVID-19, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nhã cam kết.

Dự án “treo” 28 năm làm khổ người dân

Trong đơn Tường trình gửi UBND huyện Bình Chánh và UBND TP. HCM, ông Võ Văn On, cư ngụ tại địa chỉ C3/17, ấp 4 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM cho biết, mảnh đất 8.000m2 của gia đình ông gồm đất nông nghiệp và đất nông thôn, được ông bà để lại từ năm 1954. Không như bao gia đình khác trong khu vực thường đem phân lô, bán nền giấy tay, gia đình ông vẫn quyết giữ mảnh đất này.

Đến năm 1992, Nhà nước thông báo quy hoạch mảnh đất thành khu B do công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đã 28 năm qua, đây vẫn là dự án “treo”, gia đình ông chưa nhận được thông báo thỏa thuận đền bù. Gia đình ông vốn chỉ dựa vào nghề làm nông, nhưng hiện nay xung quanh khu đất bị đô thị hóa với hàng trăm căn nhà tường mọc lên nên không thể làm vườn, làm lúa được. Chính vì vậy, ông đã cho anh Trần Duy Nhã thuê khu đất này kinh doanh để có thu nhập trang trải cuộc sống, chờ dự án triển khai.

“Hiện nay, vợ chồng tôi đã ngoài 80 tuổi, không thể làm việc. Gia đình tôi luôn tuân thủ quy định của Nhà nước chờ được đền bù, để làm các dự án có lợi cho xã hội, cho đất nước. Nhưng do dự án vẫn là quy hoạch treo, đất chưa được đền bù nên kính mong các vị lãnh đạo xem xét và giúp đỡ gia đình chúng tôi cho công trình được tồn tại đến khi thực hiện dự án”, ông On kiến nghị.

Tương tự, gia đình ông Đinh Công Lý cũng có mảnh đất 8.733m2 do ông bà để lại trước năm 1975, chủ yếu trồng lúa và trồng cây lâu năm. Mảnh đất của gia đình ông Lý cũng nằm trong dự án quy hoạch này. Vì chưa được đền bù, giải tỏa nên gia đình ông cho anh Nhã thuê để kiếm thêm thu nhập.

“Theo tôi được biết, ông Trần Duy Nhã thuê đất của tôi để kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã đóng thuế Nhà nước đầy đủ và giúp bà con xung quanh có công việc làm ổn định, cũng là cách đóng góp cho xã hội, chờ dự án được triển khai. Tôi kính mong các cấp chính quyền xem xét và cho gia đình chúng tôi được sử dụng đất vào mục đích cho thuê tạm để có thu nhập nuôi sống gia đình”. Ông Lý viết trong đơn Tường trình.

Cũng như ông On và ông Lý, gia đình ông Nguyễn Văn Hai có 5.250m2 đất trồng lúa và trồng cây lâu năm cho ông Trần Duy Nhã thuê làm để kinh doanh quán ăn. Ông Hai cũng làm đơn xin các cơ quan chức năng cho quán Bình Xuyên được tồn tại.

Ông Hai cho rằng, nếu để đất trống, không sử dụng không những gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn phát sinh nhiều tệ nạn và làm ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân trong khu vực, dự án quy hoạch này đã bị “treo” quá lâu, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cửa không được xây mới, sửa chữa, đất đai không được chuyển nhượng hay mua bán. Người dân mong mỏi các cấp chính quyền từ địa phương đến Thành phố xem xét lại tính khả thi của dự án “treo” này để có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân.

https://enternews.vn/khu-am-thuc-binh-xuyen-cam-ket-tu-thao-do-khi-du-an-thuc-hien-theo-quy-hoach-183258.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến