31.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomeĐời sống - Xã hộiChủ tịch Quốc hội: Kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan...

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan trọng với cả nhiệm kỳ và cả căn cơ, lâu dài

1210

Sáng ngày 15/1, Quốc hội Khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

>> Ngày 15/1, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần 5
>> Hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét.

Kỳ họp này sẽ quyết nghị 4 nội dung quan trọng bao gồm Luật Đất đai sửa đổi; Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng.

Về Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Dự án này có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1 - Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1 – Ảnh: VGP

Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024.

Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án luật, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo chất lượng cao nhất và xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Các đại biệu dự kỳ họp - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biệu dự kỳ họp – Ảnh: Quochoi.vn

Với dự án luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng.

Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1/2024), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý rất nhiều điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Dự án Luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thận trọng, toàn diện, góp ý, hoàn thiện và xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách, gồm bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025; từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công.

Ảnh: Quochoi.vn
Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, còn xem xét việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

“Do đó, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết đạt chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Kỳ họp bất thường thứ 5 dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 15-18/1 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Ngày 17/1, Quốc hội nghỉ 1 ngày để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến