32.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 14/05/2024

HomeĐời sống - Xã hộiCon người sẽ ăn gì trong 30 năm tới?

Con người sẽ ăn gì trong 30 năm tới?

1098

Tình trạng bất ổn về an ninh lương thực do ảnh hưởng của chiến tranh và biến đổi khí hậu đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo lắng khi phải dựa vào một số loại thực phẩm chính được mua bán phổ biến trên phạm vi toàn cầu lâu nay. 

Tình trạng thiếu an ninh lương thực do bất ổn về chính trị và tình trạng biến đổi khí hậu đang đe doạn loài người - Ảnh: eitfood
Tình trạng thiếu an ninh lương thực do bất ổn về chính trị và tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của loài người – Ảnh: eitfood

Thống kê từ chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, hiện chỉ có 15 loại cây trồng cung cấp tới 90% lượng calo phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày của con người. Chính vì vậy, các nhà khoa học Anh đang khẩn trương tìm kiếm các thành phần mới cho bữa ăn của chúng ta trong tương lai.

avw 27

Theo đó, đa dạng hóa nguồn thực phẩm là một trong những giải pháp góp phần giảm tình trạng đói do thiếu hụt lương thực, giải quyết tình trạng mất tính đa dạng sinh học và giúp con người thích ứng với biến đổi khí hậu vốn đang ngày càng gay gắt.

“Có hàng ngàn loài thực vật có thể ăn được hiện đang tồn tại trên khắp thế giới và đây được xem là giải pháp góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu trong tương lai”, tiến sĩ Sam Pirinon từ Viện Nghiên cứu Royal Botanic Gardens (RBG) có trụ sở ở London (Anh) nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng, trong số hơn 7.000 loài thực vật có thể ăn được trên thế giới, hiện chỉ mới có 417 loài được trồng và sử dụng rộng rãi để làm thực phẩm.

Cần sớm đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm cho con người - Ảnh: eitfood
Cần sớm đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm cho con người – Ảnh: eitfood

Dưới đây là một số loài thực vật tiêu biểu có thể được đưa vào thực đơn của con người trong 30 năm tới.

Cọ Pandanus

Cọ Pandanus (tên khoa học: Pandanus tectorius) là một loại cây nhỏ mọc ở những vùng ven biển từ quần đảo Thái Bình Dương đến Philippines. Lá của loài cây này được sử dụng để làm gia tăng hương vị cho các món ăn có vị ngọt và mặn ở nhiều nước Đông Nam Á, trong khi quả của nó có thể ăn sống hoặc nấu chín.

Tiến sĩ Marybel Soto Gomez thuộc Viện GBR cho biết, loài cây này có khả năng chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: hạn hán, mưa bão và sương muối.

“Đây là  loại cây ăn được, không chỉ có khả năng chống chịu với khí hậu mà còn bổ dưỡng và rất ngon. Nó sẽ là một loại thực phẩm hoàn hảo cần có trong thực đơn của chúng ta trong tương lai”, tiến sĩ Marybel nói. Bà cũng khuyến khích việc nghiên cứu để nhân rộng việc trồng và sử dụng bền vững loài cây này để đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cho người dân địa phương.

Cọ Pandanus - Ảnh: Hiyo/Pinterest
Cọ Pandanus – Ảnh: Hiyo/Pinterest

Đậu hạt

Các loại đậu được xem là ”thực phẩm của tương lai” bởi chúng không chỉ rẻ tiền, giàu protein và vitamin B, mà còn có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện sống và môi trường khác nhau, từ bờ biển đến đồi núi.

Có hơn 20.000 loài cây họ đậu trên thế giới, nhưng đến nay chỉ có một số ít được sử dụng làm thực phẩm và các nhà khoa học cho rằng, vẫn còn có hàng trăm loài họ đậu trong tự nhiên mà con người vẫn chưa biết hết.

Đậu morama (tên khoa học: Tylosema esculentum) là loại lương thực chính được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi thuộc khu vực châu Phi như: Botswana, Namibia và Nam Phi. Người dân ở đây thường luộc đậu morama với bắp hoặc xay thành bột để nấu cháo, chế biến thành các loại đồ uống dinh dưỡng như với hạt ca cao.

Hiện các chuyên gia dinh dưỡng đang khám phá đặc tính của các cây họ đậu khác nhau để xem loài nào có thể cung cấp thức ăn và chất dinh dưỡng cho con người.

Đậu morama đang được nghiên cứu tại Anh - Ảnh: BBC
Đậu morama đang được nghiên cứu tại Anh – Ảnh: BBC

Ngũ cốc

Ngũ cốc với hơn 10.000 loài cũng là nguồn đa dạng và nhiều tiềm năng đóng góp vào danh mục lương thực thực phẩm mới cho con người trong tương lai. Trong đó. Fonio (tên khoa học: Digitaria exilis) là một loại ngũ cốc dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở châu Phi, có thể được sử dụng để chế biến thành các món chè, cháo và đồ uống.

Loài ngũ cốc này có khả năng chịu đựng được điều kiện khô hạn khắc nghiệt mà các loại cây lương thực thông thường như lúa mì không thể sống nổi.

Fonio, một loại ngũ cốc giàu chất sắt, can xi, vitamin được người dân khu vực Tây Phi sử dụng làm thức ăn hàng ngày - Ảnh: Getty Images
Fonio, một loại ngũ cốc giàu chất sắt, can xi, vitamin được người dân khu vực Tây Phi sử dụng làm thức ăn hàng ngày – Ảnh: Getty Images

Cây “chuối giả”

“Chuối giả” (tên khoa học: Ensete ventricosum, thường được gọi tắt là enset), một loại nông sản chủ lực của Ethiopia, được giới khoa học nhận định là loại siêu thực phẩm có thể cứu đói cho nhân loại khi phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu.

Enset, hay chuối giả, là họ hàng gần của chuối được xem là siêu cây chống đói cho loài người - Ảnh: RBG Kew
Enset hay chuối giả là họ hàng gần của chuối, được xem là “siêu cây” chống đói cho loài người – Ảnh: RBG Kew

Enset thuộc họ chuối, có phần thân và lá tương đối giống với cây chuối ở các nước nhiệt đới. Mặc dù quả Enset ngắn hơn chuối thường và không ăn được, nhưng thân và rễ của nó lại giàu tinh bột và có giá trị dinh dưỡng cao, có thể được lên men và chế biến thành cháo hoặc bánh mì.

Theo một số nghiên cứu mới được công bố thì Enset có tiềm năng cung cấp thức ăn cho hơn 100 triệu người trong bối cảnh trái đất đang nóng lên từng ngày, gây khó khăn cho việc trồng và canh tác các loại nông sản truyền thống.

Quả chuối thường (bên trái) và quả chuối giả (bên phải) - Ảnh: RBG Kew
Quả chuối thường (bên trái) và quả “chuối giả” (bên phải) – Ảnh: RBG Kew

Nguyễn Thuận (theo BBC)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến