31.7 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 01/05/2024

HomeKhácBạn hàng quốc tế vẫn ‘nghiền’ giá rẻ, hàng Việt gặp cạnh...

Bạn hàng quốc tế vẫn ‘nghiền’ giá rẻ, hàng Việt gặp cạnh tranh lớn vì giá logistics cao

1160

Ảnh hưởng bởi lạm phát nên người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu, chuộng đồ giảm giá. Ảnh: T.L.

Ảnh hưởng bởi lạm phát nên người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu, chuộng đồ giảm giá. Ảnh: T.L.

Bên cạnh đặt yêu cầu về chất lượng hay tuân thủ tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất, một bộ phận người tiêu dùng ở các thị trường quốc tế vẫn chuộng hàng giá rẻ.

Ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan lấy ví dụ trong mặt hàng thủy sản, cụ thể là tôm, mặt hàng này của Việt Nam được hưởng ưu đãi 0% đối với tôm nguyên liệu sau EVFTA, chất lượng tốt hơn các nước như Ấn Độ, Thái Lan không có ưu đãi thuế, nhưng hiện giá vẫn cao hơn các sản phẩm cùng loại, chất lượng thấp hơn ở Ba Lan, do vậy khó hấp dẫn người tiêu dùng.

“Yêu cầu thị trường Đông Âu không cao, ví dụ tôm thường yêu cầu % vào băng là 25% thay cho 20% để giá rẻ”, ông Hải chia sẻ.

Giá rẻ cũng là ưu tiên mà người tiêu dùng tại Bồ Đào Nha lưu ý khi lựa chọn các nhãn hiệu thực phẩm. Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Pháp (kiêm nhiệm Bồ Đào Nha) cũng cho biết, người tiêu dùng Bồ Đào Nha có xu hướng trung thành với các nhãn hiệu quần áo, nhưng không trung thành với các nhãn hiệu thực phẩm, vì họ có xu hướng mua hàng rẻ nhất.

“Họ nghiền giảm giá, có thói quen mua đồ trong các siêu thị, đại siêu thị nên thương mại điện tử có phát triển nhưng chưa mạnh mẽ”, ông Sơn cho hay.

Cạnh tranh về giá vốn là một thế mạnh của hàng hóa Việt Nam khi chúng ta là đất nước có nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ hơn các nước khác. Các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, rau củ quả, thủy hải sản… nhờ vậy cũng từng bước tạo được dấu ấn tại thị trường nước bạn.

Tuy nhiên, một “điểm nghẽn” trong khâu vận chuyển đang làm đội giá thành nhiều sản phẩm Việt Nam, đặc biệt khi xuất ngoại. Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18%, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ từ 9 – 14%. Có thể thấy, chi phí logistics cao vẫn đang là “gánh nặng” của các doanh nghiệp xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các đối thủ.

Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng đội tàu biển đủ mạnh để giảm áp lực chi phí logistics cho doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Ảnh: T.L.

Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng đội tàu biển đủ mạnh để giảm áp lực chi phí logistics cho doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Ảnh: T.L.

Tham tán Thương mại Nguyễn Thành Hải phân tích, đa phần các mặt hàng rau quả của Việt Nam đều có thể tiếp cận vào thị trường EU với thuế suất 0% sau EVFTA nếu tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực phẩm nghiêm ngặt. Nhưng nhiều loại quả như dưa hấu, chuối đang bị sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước Nam Mỹ (Ecuador, Chile…) bởi quãng đường vận chuyển thuận lợi hơn, sản phẩm tươi hơn.

Trong khi đó, đường hàng không hiện chưa thuận tiện cho vận chuyển hàng nông sản vào khu vực Đông Âu, chủ yếu hàng nông sản tươi vẫn phải nhập qua Hà Lan, Cộng hòa Czech, sau đó bằng đường bộ tới các nước nh Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Slovakia, khiến thời gian vận chuyển kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa nông sản.

Hay như mặt hàng dệt may, giày dép Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh. Đặc biệt, hàng từ Trung Quốc vận chuyển mất 23-25 ngày, từ Thổ Nhĩ Kỳ là 7 ngày, trong khi hàng của Việt Nam vận chuyển thường từ 43-45 ngày. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Hải cho biết cần thiết phải phát triển kênh logistic để đưa hàng vào nhanh hơn và đảm bảo chất lượng hơn.

Hiện đường sắt vẫn là kênh vận chuyển phù hợp với hàng có giá trị cao như điện tử, máy tính,… nhưng phù hợp với hàng nông sản. Tuyến vận tải container từ Đà Nẵng đi châu Âu đang được công ty VNR Việt Nam khai thác. Với đường biển, quãng đường từ 40-45 ngày vào tới các nước Đông Âuu, với Hungary không có cảng biển còn có thể lâu hơn nữa. Còn với đường hàng không, hiện lưu lượng hàng hóa vận chuyển đã đạt tới mức có thể mở đường bay cargo trực tiếp tới Ba Lan.

Ngoài ra, theo vị Tham tán, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế xuất thô. Hiện trên thị trường các sản phẩm Việt Nam chủ yếu đang ở dạng thô, chiếm hơn 60% kim ngạch. Các đối thủ cạnh tranh có sự đa dạng mẫu mã rất nhanh cũng như có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, nghiên cứu chuyển sang các mặt hàng ready to eat (ăn ngay) và ready to cook (chế biến ngay).

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến